Họp báo tại Quốc Hội Mỹ về dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam

Một nhóm dân biểu quan tâm đến dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam vừa tổ chức một cuộc họp báo tại trụ sở quốc hội Hoa Kỳ nhằm lên tiếng cảnh báo về tình trạng vi phạm nhân quyền, vấn đề tự do tôn giáo và nạn buôn người tại Việt Nam trước khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng của Việt Nam hội kiến với Tổng thống Hoa Kỳ tại Tòa Bạch Ốc vào đầu tuần tới. Tấn Chương của Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ đã dự cuộc họp báo và có bài tường trình sau đây.

Theo thông báo của Tòa Bạch Ốc thì Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng của Việt Nam sẽ hội kiến với Tổng thống Bush vào thứ ba tuần tới mà mục đích chính là nhằm tiếp tục tăng cường các mối quan hệ giữa hai nước, tuy nhiên các dân biểu tại cuộc họp báo mới đây ở trụ sở quốc hội Hoa Kỳ đã lên tiếng yêu cầu Tổng thống Bush phải đưa vấn đề nhân quyền của Việt Nam vào một trong những điểm cần chú tâm nhất trong nghị trình của cuộc hội kiến với thủ tướng Việt Nam.

Dân biểu Christopher Smith của bang New Jersey, một trong các đại biểu chủ trì cuộc họp báo nói: “Đề nghị Tổng thống Bush trong cuộc gặp gỡ vào thứ ba tới đây với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phải nêu lên những quan tâm và thông hiểu sâu sắc của chúng ta về tình trạng vi phạm nhân quyền tiếp tục gia tăng tại Việt Nam; người dân Việt Nam xứng đáng được hưởng nhiều quyền tự do hơn. Tổng thống Bush phải tạo áp lực đòi chính phủ Việt Nam trả tự do cho tất cả các tù nhân chính trị, tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn trọng nhân quyền, các quyền cơ bản, và phải nỗ lực chấm dứt tệ nạn buôn người.”

Dân biểu Lorreta Sanchez của Bang California đã lên tiếng chỉ trích rằng kể từ khi trở thành hội viên của Tổ chức Thương mại Thế giới và là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, tự do và dân chủ tại Việt Nam đã không được cải thiện mà ngược lại đã trở nên xấu đi.

Dân biểu Sanchez nói: “Thật đáng tiếc là tự do tại Việt Nam ngày càng bị hạn chế hơn, không giống như những gì mà chính phủ nước này đã hứa. Thành tích nhân quyền của Việt Nam đã xấu hơn một cách đáng kể trong thời gian qua. Tình trạng này có được lưu ý và sửa đổi hay không sẽ tùy thuộc vào sự quan tâm và nỗ lực hành động của cộng đồng quốc tế và của chúng ta.”

Một dự luật nhân quyền cho Việt Nam do dân biểu Chris Smith đưa ra đã được Hạ viện thông qua nhưng đã bị chặn lại tại Thượng viện hai lần. Dân biểu Ed Royce cho biết dự luật này sắp được đệ trình lên Thượng viện một lần nữa và ông thúc hối Thượng viện thông qua dự luật này.

Dân biểu Royce nói: “Chúng ta cần phải giải thích cho Thượng viện hiểu rõ rằng đấu tranh đòi dân chủ tại Việt Nam không phải là phải là những hành động khủng bố, và dự luật nhân quyền đó cần phải được thông qua, và chúng tôi cũng yêu cầu Tổng thống Bush nêu lên vấn đề nhân quyền với Thủ tướng Việt Nam.”

Trong khi đó dân biểu Frank Wolf mạnh mẽ chỉ trích rằng chính phủ của Tổng thống Bush chú trọng vào những quan hệ kinh tế với Việt Nam nhiều hơn là vấn đề dân chủ và nhân quyền.

Dân biểu Wolf nói: “Lịch sử sẽ ghi nhận những gì mà chính phủ của Tổng thống Bush làm, lịch sử sẽ chứng kiến hành động của Tổng thống Bush và của Ngoại trưởng Condoleezza Rice vào tuần tới, lịch sử chứng kiến những gì mà đại sứ của Mỹ tại Việt Nam làm. Còn tính đến thời điểm này thì họ đã không làm được một cái gì cả! Chẳng được một cái gì cả! Điều mà họ quan tâm là 'làm ăn kinh tế, làm ăn và làm ăn.' Tôi nghĩ rằng chính phủ của ông Bush phải chịu trách nhiệm về việc này, bằng không thì chúng ta phải có một sự thay đổi hoàn toàn.”

Sự thay đổi mà dân biểu Ed Royce ám chỉ có lẽ sẽ xuất hiện trước cuối năm nay khi nước Mỹ tổ chức cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11, thế nhưng dư luận đang đặt câu hỏi là trong tình huống này liệu Tổng thống Bush có sẵn lòng đưa vấn đề nhân quyền Việt Nam vào một trong những điểm quan trọng của nghị trình cuộc hội kiến với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào tuần tới hay không.

Tấn Chương - tường tình từ trụ sở quốc hội ở thủ đô Washington.