Đường dẫn truy cập

Hội Nhà Báo Không Biên Giới kêu gọi trả tự do cho blogger Ðiếu Cày


Một tổ chức quốc tế tránh đấu cho quyền lợi của giới truyền thông kêu gọi chính phủ Việt Nam trả tự do cho chủ nhân một trang blog trên internet bị bắt giữ trước khi diễn ra lễ rước đuốc thế vận. Tổ chức vừa kể, có tên là Hội Nhà Báo Không Biên Giới, nói rằng ông này đã bị chính quyền Việt Nam bắt giữ vì những quan điểm chính trị.

Thông cáo báo chí do Hội Nhà Báo Không Biên Giới phổ biến hôm thứ Năm cho hay ông Nguyễn Hoàng Hải, thường dùng bút hiệu Điếu Cày trong những bài viết trên trang blog của ông, bị bắt giữ hôm 19 tháng Tư về tội gian lận thuế. Tin nói rằng nhà chức trách đổ cho ông tội trốn thuế trong 10 năm về một căn hộ do ông làm chủ.

Trong thông cáo này, Hội Nhà Báo Không Biên Giới cho hay gian lận thuế chỉ là một cái cớ để ngăn ông Điếu Cày biểu tình khi đuốc thế vận được rước ở Sài Gòn và ngăn không ông chỉ trích đảng Cộng sản trên mạng. Trong vài chặng đường trên chuyến đi vòng quanh thế giới, vụ rước đuốc thế vận của Bắc Kinh đã phải đương đầu với nhiều cuộc biểu tình phản kháng vụ đàn áp của Trung quốc ở Tây Tạng và những vấn đề nhân quyền khác.

Vụ ông Điếu Cầy bị bắt giữ diễn ra 10 ngày trước khi lễ rước đuốc thế vận diễn ra tại TPHCM. Theo Hội Nhà Báo Không Biên Giới, rõ ràng nhà chức trách Việt Nam đã không có một bằng chứng nào trong lời buộc tội ông gian lận thuế. Bản tuyên bố báo chí của Hội cho hay cảnh sát đã lục soát nhà ông 5 ngày sau khi ông bị bắt giữ, và những người thân cận với ông đã bị tra hỏi về hành động của ông, nhất là về Hội Nhà Báo Tự Do được chính ông thành lập.

Ông Điếu Cày được mọi người biết đến qua những hành động chống đối vụ Bắc Kinh công bố chủ quyền hai dãy đảo Trường Sa và Hoàng Sa trong biển Đông, những dãy đảo Việt Nam cũng cho là thuộc chủ quyền của mình.

Hội Nhà Báo Không Biên Giới nói rằng ông Điếu Cày đã cho đăng trên trang Blog của ông những bài tường thuật các cuộc biểu tình phản kháng vụ rước đuốc thế vận tại một số thành phố cùng với những bài chỉ trích chính sách của Trung Quốc đối với Tây Tạng và hai dãy đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Ông cũng đã kêu gọi thực hiện các cuộc biểu tình khi vụ rước đuốc diễn ra tại Sài gòn.

Tại Việt Nam, thái độ bài Trung Quốc đã bộc lộ rõ rệt trong những cuộc biểu tình vào lúc cuối năm về hai dãy đảo Trường Sa và Hoàng Sa, và vấn đề này đã được tranh luận sôi nổi trên những trang blog không chính thức trước khi vụ rước đuốc thế vận diễn ra.

Lúc đầu, chính phủ Việt Nam cho phép thực hiện những cuộc biểu tình ôn hòa bên ngoài trụ sở các phái bộ ngoại giao của Trung Quốc, nhưng sau đó phái cảnh sát để ngăn không cho các cuôc biểu tình tái diễn.

Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan cùng công bố chủ quyền toàn bộ hoặc một phần dãy đảo Trường Sa. Trung Quốc, hiện chiếm đóng dãy đảo Hoàng Sa, đã công bố chủ quyền dãy đảo này cùng với Việt Nam và Đài Loan.




Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG