Đường dẫn truy cập

Hội chợ vũ khí: Mỹ muốn giúp VN xây dựng quân lực; châu Âu, Trung Quốc cũng lôi kéo Hà Nội khỏi Nga


Máy bay quân sự do công ty Lockheed Martin của Hoa Kỳ sản xuất tại Triển lãm Quốc phòng Quốc tế ở Hà Nội, vào ngày 19/12/2024.
Máy bay quân sự do công ty Lockheed Martin của Hoa Kỳ sản xuất tại Triển lãm Quốc phòng Quốc tế ở Hà Nội, vào ngày 19/12/2024.

Tại buổi khai mạc Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 hôm 19/12, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam nói các nhà sản xuất vũ khí của Mỹ có thể giúp Việt Nam xây dựng lực lượng vũ trang. Trong khi đó, các nhà sản xuất vũ khí lớn nhất của Mỹ, châu Âu và Trung Quốc trưng bày nhiều sản phẩm tại hội chợ nhằm thu hút Việt Nam khỏi nguồn cung vũ khí truyền thống là Nga khi Hà Nội tìm cách đa dạng hóa nguồn cung quốc phòng của mình, AP, Reuters và AFP đưa tin.

“Việc Mỹ tham gia Triển lãm thể hiện cam kết của chính phủ Mỹ, nền công nghiệp quốc phòng Mỹ trong việc hỗ trợ Việt Nam tăng cường đa dạng hóa và hiện đại hóa quân đội. Mỹ cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ với Việt Nam để giúp Việt Nam có năng lực mạnh mẽ để bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Đây là nguyên tắc mang tính then chốt trong quan hệ song phương và quan hệ hợp tác quốc phòng giữa 2 nước”, Đại sứ Hoa Kỳ Mark Knapper được Dân Trí dẫn lời phát biểu tại cuộc triển lãm vũ khí hôm 19/12.

“Mục tiêu của chúng tôi là đảm bảo rằng Việt Nam có những gì cần thiết để bảo vệ lợi ích của mình trên biển, trên không, trên bộ và trên không gian mạng”, AP dẫn lời Đại sứ Mỹ nói thêm.

Việt Nam đang Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024, kéo dài từ 19-22/12 tại sân bay Gia Lâm ở Hà Nội, quy tụ hơn 240 doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng đến từ 49 quốc gia, bao gồm các đối thủ địa chính trị như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga, Ukraine, Israel và Iran.

Trong bài phát biểu khai mạc cuộc triển lãm vũ khí quốc tế lần thứ hai của Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói triển lãm quốc phòng là “thông điệp về hòa bình, hợp tác và phát triển”, theo Reuters, AP và AFP.

Ông Chính cũng tái khẳng định chính sách “bốn không” của Việt Nam là không tham gia vào các liên minh quân sự, không liên kết với nước này để chống lại nước khác, không cho phép các căn cứ quân sự nước ngoài hoặc sử dụng lãnh thổ của mình để chống lại nước khác và không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.

Ông cho biết Việt Nam chủ trương xây dựng quân đội “tinh nhuệ, hiện đại” và phát triển nền công nghiệp quốc phòng chủ động, tự lực, tự cường, lưỡng dụng, vừa nâng cao tiềm lực quốc phòng và vừa phát triển kinh tế.

Trong khi đó, bên lề triển lãm, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper nói rằng các công ty quốc phòng Hoa Kỳ có thể hợp tác với các đối tác Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, bao gồm sản xuất chung và chuyển giao công nghệ.

“Chúng tôi muốn các công ty quốc phòng lớn của mình hợp tác với Việt Nam về những vấn đề có khả năng như sản xuất chung và chuyển giao công nghệ”, Reuters dẫn lời Đại sứ Knapper nói tại một cuộc họp báo cùng với các quan chức quốc phòng và quân sự cấp cao của Mỹ.

Việt Nam là nước nhập khẩu vũ khí lớn, đặc biệt là từ Nga, đã đầu tư nhiều năm vào năng lực quốc phòng của mình tại một khu vực bất ổn, nơi nước này đã đụng độ với Trung Quốc về các ranh giới ở Biển Đông.

Reuters dẫn các nguồn tin cho biết Lockheed Martin đang đàm phán với Việt Nam về một thỏa thuận có thể có về máy bay vận tải quân sự.

Hãng tin AP cho biết thêm rằng sau khi phát biểu khai mạc triển lãm, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tham quan một máy bay quân sự do công ty Lockheed Martin của Mỹ sản xuất.

Cuộc họp báo của Mỹ được tiến hành bên cạnh một máy bay vận tải quân sự C-130 của hãng Lockheed Martin được trưng bày tại triển lãm. Ngoài ra, còn có các nhà sản xuất lớn khác là Boeing và Textron Aviation Defense trong số 14 doanh nghiệp Mỹ tham gia triển lãm ở Hà Nội.

Phía Trung Quốc còn có tập đoàn quốc phòng lớn do nhà nước sở hữu Norinco và tập đoàn Gaodu International Trade. Đây là lần đầu tiên các công ty Trung Quốc có mặt tại triển lãm quốc phòng của Việt Nam.

Gian hàng của Bộ Quốc phòng Iran không xa các gian hàng do các công ty Israel là Rafael Advanced Defense Systems và Israel Aerospace Industries. Một số công ty Nga cũng tham dự với hãng Motor Sich của Ukraine.

Trong những năm gần đây, Việt Nam nỗ lực tăng cường sản xuất vũ khí trong nước đồng thời giảm sự phụ thuộc vào Nga trong việc nhập khẩu vũ khí.

Theo dữ liệu từ Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) được AFP trích dẫn, Nga chiếm hơn 80% lượng vũ khí nhập khẩu của Việt Nam trong giai đoạn 1995-2023. Tuy nhiên, lượng vũ khí nhập khẩu từ Nga đã giảm trong những năm gần đây trong bối cảnh các lệnh trừng phạt quốc tế liên quan đến cuộc xâm lược Ukraine của nước này.

“Cuộc chiến ở Ukraine đã phơi bày những điểm yếu khi phụ thuộc quá nhiều vào vũ khí của Nga”, AFP dẫn lời ông Nguyễn Khắc Giang, nghiên cứu viên thỉnh giảng tại Viện ISEAS–Yusof Ishak ở Singapore, nhận định.

“Sự đa dạng hóa không chỉ là một nhu cầu thiết yếu mà còn là cơ hội để Việt Nam nâng cấp lên các hệ thống tiên tiến hơn trong khi giảm sự phụ thuộc vào bất kỳ đối tác đơn lẻ nào”, ông Giang nói thêm.

Nhà nghiên cứu này cho rằng triển lãm chính là cách Việt Nam báo hiệu rằng họ sẵn sàng cho những hợp tác mới”.

Việt Nam cũng đang cố gắng tăng cường năng lực sản xuất vũ khí của riêng mình và trưng bày các thiết bị quân sự do trong nước sản xuất tại triển lãm.

Theo AP, một động lực chính đối với Việt Nam là căng thẳng leo thang ở Biển Đông, một điểm nóng ở châu Á và là đường đứt gãy trong mối quan hệ cạnh tranh khu vực giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG