Các tổ chức người Mỹ gốc Việt, các tổ chức nhân quyền và các thành viên quốc hội Mỹ kêu gọi Tổng Thống Bush đặt vấn đề nhân quyền tại Việt Nam lên hàng ưu tiên trong cuộc hội đàm với ông Nguyễn Tấn Dũng khi vị Thủ tướng của Việt Nam đến thăm Hoa Kỳ vào tuần tới. Mời quý vị theo dõi thêm chi tiết về vấn đề này qua bài tường thuật của thông tín viên đài VOA Dan Robinson gởi về từ Trụ Sở Quốc Hội Mỹ.
Các nhà hoạt động và đại diện của những tổ chức nhân quyền đã cùng với các dân biểu Hạ Viện Hoa Kỳ tổ chức một cuộc họp báo ở bên ngoài trụ sở quốc hội Mỹ.
Ông Nguyễn Ngọc Bích thuộc Nghị Hội Quốc Gia người Mỹ gốc Việt đã thay mặt hơn 10 tổ chức tuyên đọc một thông cáo chỉ trích giới lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam.
Ông Nguyễn Ngọc Bích nói: "Chính phủ Cộng Sản hiện nay đứng đầu là ông Nguyễn Tấn Dũng, được đảng Cộng Sản Việt Nam bổ nhiệm, không đại diện cho tiếng nói đích thực và quyền lợi của đại đa số nhân dân Việt Nam bởi vì chính phủ này không được dân chúng bầu lên qua những cuộc bầu cử tự do và công bằng."
Tòa Bạch Ốc đã cho biết rằng, khi tổng Thống Bush tiếp đón vị của Thủ Tướng Việt Nam, ông sẽ nhấn mạnh tới vấn đề nhân quyền, và quyền tự do ngôn luận, tự do tôn giáo và tự do hội họp; bên cạnh việc thảo luận về các vấn đề song phương với trọng tâm là các mối quan hệ về thương mại.
Tuy nhiên, cũng như trong chuyến viếng thăm Hoa Kỳ của Chủ tịch Nguyễn Minh Triết hồi năm ngoái, các đại biểu quốc hội Mỹ nói rằng Tổng Thống Bush không làm gì nhiều để giúp giảm bớt tình trạng đàn áp những người hoạt động chính trị và các nhà lãnh đạo tôn giáo tại Việt Nam.
Dân biểu Loretta Sanchez thuộc Đảng Dân Chủ đại diện tiểu bang California nói: "Chính phủ Việt Nam đã sách nhiễu, quản thúc tại gia, và tuyên án tù vô số những người tranh đấu cho dân chủ một cách ôn hòa, tất cả những người đó không được xét xử công bằng, và đây là điều không thể chấp nhận được."
Dân biểu Chris Smith thuộc Đảng Cộng Hòa đã cùng với bà Sanchez và các dân biểu khác nói rằng, Việt Nam đã không thực hiện những biện pháp cải thiện nhân quyền và cải cách chính trị mà nhiều người từng hy vọng là họ sẽ thực hiện sau khi được hưởng quy chế Quan Hệ Thương Mại Bình Thường Vĩnh Viễn của Hoa Kỳ.
Ông Smith nói: "Nhìn bề ngoài thì thấy những vụ vi phạm nhân quyền khét tiếng của chính phủ đã giảm bớt và đã tới lúc mà một số cải tổ khiêm tốn có thể thực hiện được. Ảo tưởng với ý tốt nhưng ngây thơ đó đã bị tan vỡ vì những vụ bắt bớ tái diễn nhiều lần đối với một số các nhà tranh đấu cho dân chủ - những người dũng cảm và cao thượng nhất trên trái đất."
Dân biểu Chris Smith đã cụ thể nêu lên trường hợp ông Phạm Hồng Sơn bị bỏ tù vì đã đăng trên Internet một bài tham luận về dân chủ, và các luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân, bị kết án tù vì những hoạt động vì dân chủ.
Ông Leonard Leo, thành viên của Ủy Ban Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế Hoa Kỳ, người đã đi thăm Việt Nam năm 2007, phát biểu như sau.
Ông Leo nói: "Chúng tôi đã được nhìn tận mắt những thoái bộ diễn ra kể từ khi Việt Nam nhận được quy chế thương mại và những khoản viện trợ mà họ vô cùng mong muốn. Những vấn đề vẫn tiếp tục tồn tại và đây là vấn đề rất nghiêm trọng."
Bà Sophie Richardson, Giám đốc bộ phận Á Châu của tổ chức nhân quyền Human Rights Watch nói rằng, Tổng Thống Bush cũng phải gây áp lực đối với ông Nguyễn Tấn Dũng về việc chính phủ ở Hà nội đàn áp các nhà văn, nhà báo.
Bà Richardson nói: "Khi đồng ý tiếp đón Thủ Tướng Việt Nam tại thủ đô Washington, chính phủ Bush đã coi như có trách nhiệm đặc biệt là phải nói thẳng và công khai về vấn đề là chính quyền Việt Nam vẫn tiếp tục xem những hành động diễn đạt tư tưởng một cách ôn hòa là những hành vi tội phạm."
Trong khi tố cáo chính phủ Mỹ không làm đủ để giúp cải thiện tình hình nhân quyền ở Việt Nam, các dân biểu Hạ Viện Hoa Kỳ cũng thừa nhận rằng chính phủ Bush đã giúp cho một số người Mỹ gốc Việt bị giam giữ tại Việt Nam được trả tự do.
Việt Nam và Hoa Kỳ đã mở hội nghị thường niên về nhân quyền hồi tháng Năm, trong đó các giới chức Hoa Kỳ đã nêu lên mối quan tâm về những quyền tự do ngôn luận và tôn giáo, và nói rằng Hoa Kỳ hài lòng khi thấy có những tiến bộ trong một vài lãnh vực.