Đường dẫn truy cập

Trợ lý ngoại trưởng Mỹ trả lời phỏng vấn về nhân quyền ở Việt Nam


Cuối tháng 5 vừa qua, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ đặc trách Dân chủ, Nhân quyền và Lao động, ông David Kramer, đã đến Hà Nội để tham dự cuộc họp thường niên trong cuộc đối thoại giữa Hoa Kỳ và Việt Nam về vấn đề nhân quyền. Cuộc họp diễn ra giữa lúc có những diễn biến đáng lo ngại trên con đường tiến tới thực hiện tự do, dân chủ và nhân quyền rộng rãi và đầy đủ hơn ở Việt Nam. Trong một cuộc phỏng vấn với đài VOA, Trợ lý Bộ trưởng Kramer đã đề cập đến một số tình hình liên quan đến vấn đề này. Xin mời quý vị theo dõi cuộc phỏng vấn do Nguyễn Lê thực hiện.


VOA: Thưa ông Trợ lý Bộ trưởng, ông đánh giá như thế nào về cuộc thảo luận về nhân quyền giữa hai nước hiện nay?

Ông Kramer: Ngày 29 tháng 5, trong thời gian có mặt ở Hà Nội, chúng tôi đã có một cuộc thảo luận xây dựng với các đồng nghiệp Việt Nam do Bộ Ngoại giao dẫn đầu và cũng có các bộ khác hiện diện. Tôi nghĩ đây là một điều quan trọng vì họ có trách nhiệm về một số vấn đề mà chúng tôi nêu lên. Chúng tôi đề cập đến một loạt vấn đề bao gồm cả chế độ pháp quyền và việc cải cách bộ luật hình sự. Chúng tôi thỏa thuận tiếp tục theo dõi vấn đề này ở cấp chuyên gia. Chúng tôi đã thảo luận về vấn đề tù nhân lương tâm, tự do báo chí và Internet, tự do tôn giáo và dung chấp tôn giáo, vấn đề hợp tác trên trường quốc tế, tức là một loạt những vấn đề mà chúng tôi muốn thảo luận hằng năm, và không có vấn đề gì bị bỏ sót cả. Tôi nghĩ rằng chúng tôi đã có một cuộc thảo luận xây dựng. Nhưng chúng tôi muốn thấy có những bước cụ thể được thực hiện để chứng tỏ là có tiến bộ trong những lĩnh vực mà chúng tôi đang tập trung vào.

VOA: Hai nhà báo Việt Nam được nhiều người biết bị bắt chỉ 2 tuần trước khi ông đến Hà Nội. Sự kiện này, cùng với những vụ bắt bớ và giam giữ những người hoạt động tích cực cho dân chủ khác trong những tháng vừa qua, đã gây ra những lo ngại về sự cam kết của chính phủ Việt Nam đối với sự thăng tiến nhân quyền cũng như về tác động của chính tiến trình đối thoại Hoa Kỳ-Việt Nam về nhân quyền. Thưa ông Trợ lý Bộ trưởng, đây có phải là những quan ngại có cơ sở hay không?

Ông Kramer:
Trong thời gian tôi ở Hà Nội tôi có nêu lên trường hợp của các nhà báo này trong cả các cuộc họp ngoại giao lẫn các cuộc họp báo của tôi sau ngày diễn ra cuộc đối thoại. Điểm mà tôi nhấn mạnh là các nhà báo cần được phép thực hiện công việc của họ, và họ cần được phép thực hiện công việc của họ mà không phải lo ngại sẽ bị bỏ tù vì việc đưa tin của họ. Và các nguồn tin của các nhà báo cũng rất quan trọng, bởi vì nếu các nhà báo không có các nguồn tin cảm thấy có thể nói chuyện với các nhà báo, thì các nhà báo không thể làm công việc của họ được. Tự do báo chí là một vấn đề cực kỳ quan trọng. Đây là một vấn đề được chúng tôi dành khá nhiều thời gian trong suốt cuộc đối thoại và trong các cuộc họp riêng. Đó cũng là lý do vì sao tôi đã tổ chức họp báo để mọi người có thể nghe được một cách trực tiếp, thay vì qua những sàng lọc nào đó, quan điểm và cách nhìn của tôi .

Về việc cuộc đối thoại đã diễn ra như thế nào. Chúng tôi đã nêu lên trường hợp của các nhà báo đó, và chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi vấn để này. Chúng tôi cảm thấy rằng đây là một vấn đề quan trọng. Và chắc chắn là tôi hiểu rõ quan tâm của mọi người liên quan đến vấn đề này.

VOA:
Một số nhà lập pháp Mỹ và nhiều tổ chức người Việt Nam quan tâm đến nhân quyền đã yêu cầu Tổng thống Bush nêu vấn đề này lên với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi nhà lãnh đạo Việt Nam đến thăm Washington trong tuần tới. Theo ông Trợ lý Bộ trưởng, có bao nhiêu cơ may lời kêu gọi này sẽ được đáp ứng?

Ông Kramer: Tôi tin rằng vấn đề nhân quyền sẽ được nêu lên trong các cuộc gặp của Tổng thống Bush. Tôi không muốn nói thay cho Tổng thống. Nhưng căn cứ vào việc Tổng thống đặt nặng tầm quan trọng của vấn đề nhân quyền, và cũng căn cứ vào sự kiện là bài diễn văn nhậm chức nhiệm kỳ thứ nhì của ông tập trung vào chủ đề xúc tiến tự do và sự tôn trọng nhân quyền trên khắp thế giới, tôi tin chắc rằng Tổng thống Bush sẽ thảo luận về vấn đề này bằng hình thức này hay hình thức khác với Thủ tướng của Việt Nam. Do đó tôi tin rằng trong chuyến đi thăm của ông, Thủ tướng Việt Nam sẽ được nghe một số nhân vật khác nhau đề cập đến vấn đề này, và rằng chúng tôi muốn thấy có nhiều tiến bộ hơn trong lĩnh vực này. Tôi hy vọng ông sẽ đón nhận vấn đề với một tình thần xây dựng và cũng sẽ mang nó về nước để chúng ta có thể thấy nó được chuyển thành những kết quả thực sự.

VOA: Khi điều trần trước Tiểu ban Đông Á và Thái Bình Dương của Ủy ban Đối Ngoại Thượng viện hồi tháng 3 năm nay, một quan chức cao cấp của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã kêu gọi Việt Nam nên ngưng sử dụng các điều khoản có tính cách quá bao quát trong Bộ luật hình sự của họ và trả tự do ngay cho tất cả các tù nhân chính trị còn bị giam giữ. Ông Trợ lý Bộ trưởng nghĩ rằng cuộc đối thoại về nhân quyền giữa hai nước sẽ đóng góp được bao nhiêu vào việc thực hiện các mục tiêu này?

Ông Kramer:
Như tôi đã nói, chúng tôi đã thỏa thuận sẽ tổ chức cho các chuyên gia Việt Nam và Hoa Kỳ ngồi lại với nhau để thảo luận về các vấn đề liên quan đến chế độ pháp quyền và việc cải cách Bộ luật hình sự. Đây là điều mà chúng tôi sẽ theo đuổi. Chúng tôi rất mong muốn xem xét những điều khoản trong các luật lệ và nghị định của Việt Nam hiện nay mà tôi cho là có phạm vị quá rộng lớn đến nỗi nó khiến cho nhiều cá nhân có thể bị bắt dựa trên những điều khoản và nghị định đó, thay vì dựa trên sự giải thích các luật lệ. Quan điểm của chúng tôi là có những điều khoản, nghị định, quy định, và luật lệ có phạm vi hẹp hơn thì tốt hơn, để mọi người thực sự được tự do bày tỏ ý kiến, tự do phát biểu, tự do lập hội, tự do thực hành bất cứ một tôn giáo nào mà họ lựa chọn. Chắc chắn đó là một vấn đề mà chúng tôi đã thảo luận một cách rất thẳng thắn nhưng hữu nghị và cũng là một vấn đề mà chúng tôi sẽ cố gắng tiếp tục theo dõi trong cuộc đối thoại về nhân quyền giữa hai nước.

VOA: Xin cám ơn ông Trợ lý Bộ trưởng.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG