Tổng thống Bangladesh hôm 6/8 giải tán quốc hội, mở đường cho các cuộc bầu cử mới thay thế thủ tướng kỳ cựu đã từ chức và bỏ trốn khỏi đất nước sau nhiều tuần biểu tình phản đối sự nắm quyền của bà dẫn đến tình trạng bất ổn bạo lực.
Tổng thống Mohammed Shahabuddin cũng ra lệnh ngừng quản thúc tại gia lãnh đạo phe đối lập Khaleda Zia. Bà Zia, đối thủ lâu năm của Thủ tướng bị lật đổ Sheikh Hasina, đã bị chính quyền của bà Hasina kết án về tội tham nhũng vào năm 2018.
Đường phố Dhaka hôm 6/8 dường như yên bình hơn, và không có báo cáo nào về bạo lực mới trong khi những người biểu tình vui mừng tràn vào dinh thự của nhà lãnh đạo bị lật đổ. Một số người chụp ảnh selfie với những người lính canh gác tòa nhà, nơi một ngày trước đó những người biểu tình giận dữ đã cướp bóc đồ đạc, tranh vẽ, chậu hoa và cả gà.
Trong khi đất nước chờ đợi một chính phủ mới xuất hiện, một thủ lĩnh sinh viên chủ chốt nói rằng những người biểu tình muốn người đoạt giải Nobel Hòa bình Muhammad Yunus đứng đầu một chính phủ lâm thời.
Ông Yunus, người hiện đang ở Paris dự Thế vận hội, gọi việc bà Hasina từ chức là “ngày giải phóng thứ hai” của đất nước. Hiện AP chưa thể liên lạc được ngay với ông để yêu cầu bình luận nhưng thủ lĩnh sinh viên Nahid Islam cho biết ông Yunus đã đồng ý.
Tổng thống không có thực quyền của Bangladesh và chỉ huy quân sự hàng đầu của nước này cho biết vào cuối ngày 5/8 rằng một chính phủ lâm thời sẽ sớm được thành lập để chủ trì các cuộc bầu cử mới.
Quân đội có ảnh hưởng chính trị đáng kể ở Bangladesh, quốc gia đã phải đối mặt với hơn 20 cuộc đảo chính hoặc nỗ lực đảo chính kể từ khi giành độc lập vào năm 1971.
Bà Hasina đã trốn sang Ấn Độ bằng trực thăng hôm 5/8 khi những người biểu tình bất chấp lệnh giới nghiêm của quân đội để tuần hành ở thủ đô, và hàng nghìn người biểu tình cuối cùng đã xông vào dinh thự chính thức của bà và các tòa nhà khác có liên quan đến đảng và gia đình bà. Các cuộc biểu tình, vốn phản đối hệ thống hạn ngạch dành cho các công việc trong chính phủ mà những người chỉ trích cho rằng ưu ái những người có quan hệ với đảng của bà, đã biến thành thách thức lớn hơn đối với sự cai trị 15 năm của bà trong những tuần gần đây.
Việc đàn áp các cuộc biểu tình đã dẫn đến các cuộc đụng độ khiến nhiều người thiệt mạng và thổi bùng phong trào phản đối.
Nhưng đất nước này vẫn đang kiểm đếm số người thiệt mạng sau nhiều tuần của tình trạng bất ổn bạo lực, vốn đã gây ra một số cuộc đổ máu tồi tệ nhất ở Bangladesh kể từ cuộc chiến giành độc lập năm 1971. Nhiều người lo ngại rằng sự ra đi của bà Hasina, có thể dẫn đến sự bất ổn hơn nữa ở quốc gia Nam Á có dân cư đông đúc, nơi đã đối phó với các cuộc khủng hoảng từ thất nghiệp cao đến tham nhũng và biến đổi khí hậu.
Bạo lực ngay trước và sau khi bà Hasina từ chức đã khiến ít nhất 109 người thiệt mạng, trong đó có 14 sĩ quan cảnh sát, và hàng trăm người khác bị thương, theo các thông tin từ truyền thông mà không thể được kiểm chứng độc lập.
Trong một tuyên bố đưa ra hôm 5/8, người đứng đầu nhân quyền của Liên Hợp Quốc, Volker Türk, cho biết việc chuyển đổi quyền lực ở Bangladesh phải “phù hợp với các nghĩa vụ quốc tế của đất nước” cũng như “bao gồm và mở rộng cho sự tham gia có ý nghĩa của tất cả mọi người dân Bangladesh”.