Đường dẫn truy cập

Chính phủ Bangladesh chấp nhận phán quyết của tòa án về cắt giảm hạn ngạch việc làm trong nhà nước sau tình trạng bất ổn


Người biểu tình đụng độ với Lực lượng Biên phòng Bangladesh và cảnh sát bên ngoài Đài Truyền hình Bangladesh ở Dhaka, vào ngày 19/7/2024.
Người biểu tình đụng độ với Lực lượng Biên phòng Bangladesh và cảnh sát bên ngoài Đài Truyền hình Bangladesh ở Dhaka, vào ngày 19/7/2024.

Chính phủ Bangladesh hôm 27/3 cho biết sẽ tuân theo phán quyết của Tòa án Tối cao rằng 93% việc làm trong nhà nước được mở để cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu chính của sinh viên sau một tuần xảy ra một số cuộc biểu tình đẫm máu nhất đất nước trong nhiều năm.

Nhưng các sinh viên đã đưa ra những yêu cầu mới bao gồm việc bãi bỏ lệnh giới nghiêm, khôi phục dịch vụ internet và mở lại các trường học. Hiện không rõ liệu việc chính phủ chấp nhận quyết định của tòa án có xoa dịu hoàn toàn tình trạng bất ổn hay không.

Sự yên tĩnh tương đối được duy trì trong ngày thứ hai liên tiếp ở Dhaka và hầu hết các thành phố lớn, mặc dù người đứng đầu quân đội cho biết an ninh vẫn chưa được khôi phục hoàn toàn sau khi ông đi khảo sát thủ đô bằng trực thăng.

Chính phủ tuyên bố nới lỏng lệnh giới nghiêm được áp đặt để giúp ngăn chặn tình trạng bất ổn, dỡ bỏ lệnh giới nghiêm từ ngày 24/7 từ 10 giờ sáng đến 5 giờ chiều để cho phép mọi người mua sắm những thứ cần thiết, và các văn phòng mở cửa trở lại từ 11 giờ sáng đến 3 giờ chiều.

Chính quyền Bangladesh cũng tắt mạng internet di động và triển khai quân đội sau khi các cuộc đụng độ giữa người biểu tình và lực lượng an ninh lan rộng khắp quốc gia Nam Á có 170 triệu dân này.

Gần 150 người đã thiệt mạng trong các vụ bạo lực và hơn 1.600 người bị bắt ở hai thành phố chính Dhaka và Chittagong.

Các cuộc biểu tình đã kết thúc sau khi Tòa án Tối cao ra phán quyết vào ngày 21/7 ủng hộ kháng cáo từ chính phủ của Thủ tướng Sheikh Hasina và chỉ đạo rằng 93% việc làm phải được mở cho các ứng viên có năng lực.

Chính phủ của ông Hasina đã loại bỏ hạn ngạch vào năm 2018 vốn dành 56% việc làm trong nhà nước cho nhiều nhóm người khác nhau, trong đó có 30% cho gia đình của những người đã chiến đấu trong cuộc chiến giành độc lập năm 1971 của đất nước. Nhưng một phán quyết của tòa án cấp cao đã khôi phục hạn ngạch vào tháng trước, gây ra các cuộc biểu tình của sinh viên.

Sinh viên rất tức giận vì hạn ngạch khiến chưa đến một nửa số việc làm của chính phủ được mở cho các ứng viên có năng lực trong bối cảnh khủng hoảng thất nghiệp, đặc biệt là trong khu vực tư nhân, khiến những công việc trong khu vực chính phủ có mức lương được tăng thường xuyên cùng những đặc quyền trở thành đặc biệt đắt giá.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG