Đường dẫn truy cập

Ân xá Quốc tế cáo buộc chiến binh Rohingya tàn sát người Hindu ở Mynamar


Một gia đình người Rohingya tị nạn ở Bangladesh
Một gia đình người Rohingya tị nạn ở Bangladesh

Tổ chức Ân xá Quốc tế hôm thứ Tư ngày 23/5 nói rằng quân đội Myanmar không phải là phía duy nhất tàn sát dân thường ở khu vực miền Tây đầy biến động của nước này. Trong một bản phúc trình mới, tổ chức này cũng đã cáo buộc quân nổi dậy Rohingya đã thực hiện ít nhất một vụ thảm sát tàn bạo khi cuộc xung đột kéo dài ở bang Rakhine bùng nổ hồi năm ngoái, theo AP.

Tổ chức nhân quyền có trụ sở ở London này cho biết họ đã điều tra vụ việc được đưa tin rộng rãi về vụ sát hại hàng chục người Hindu thiểu số tại một ngôi làng gọi là Ah Nauk Kha Maung Sei vào ngày 25/8 năm ngoái và đã kết luận rằng các chiến binh Rohingya là người chịu trách nhiệm.

Những cáo buộc về việc Quân đội Cứu nguy người Rohingya ở Arakan, hay còn gọi là ARSA, đã thực hiện vụ thảm sát đã được chính phủ và lực lượng an ninh đưa ra chỉ vài giờ sau khi xảy ra. Vụ sát hại xảy ra cùng một ngày với vụ các chiến binh Rohingya tấn công 30 đồn cảnh sát và một doanh trại quân đội ở bang Rakhine. Chính vụ tấn công này đã dẫn đến một vụ phản công đẫm máu của quân đội Myanmar khiến cho gần 700.000 thường dân Rohingya phải bỏ chạy đến Bangladesh.

Vào lúc đó, giới chức Myanmar cho biết họ đã phát hiện hai nấm mồ tập thể chôn hàng chục thi thể và có khoảng 100 người Hindu bị mất tích. Tuy nhiên câu chuyện này đã gây tranh cãi sau khi những người sống sót đến được Bangladesh đã kể cho phóng viên những lời khai mâu thuẫn. Một số người cho rằng một số dân làng ở Rakhine là thủ phạm.

Ân xá Quốc tế cho biết họ đi đến kết luận này sau khi ‘xem xét cẩn thận các bằng chứng’ bao gồm lời kể của hàng chục người và hình ảnh được các chuyên gia pháp y phân tích.

“Cuộc điều tra mới nhất của chúng tôi trên thực địa đã làm sáng tỏ một cách cần thiết về những vi phạm nhân quyền của nhóm vũ trang ARSA vốn ít được loan tin trong khoảng thời gian đen tối gần dây của bang Rakhine,” ông Tirana Hassan, giám đốc phản ứng khủng hoảng của Ân xá Quốc tế, cho biết.

“Trách nhiệm đối với những tội ác này tuyệt đối cũng quan trọng như những tội ác chống nhân loại do lực lượng an ninh Myanmar gây ra,” ông Hassan nói thêm.

Mặc dù không ai biết chắc chắn có bao nhiêu người đã bị giết ở bang Rakhine kể từ tháng Tám năm ngoái – chính phủ Myanmar nhìn chung cấm tường thuật độc lập từ khu vực – đại đa số những người bị giết được tin là do lực lượng an ninh Myanmar gây ra. Tổ chức Bác sỹ không Biên giới ước tính ít nhất có 6.700 người Rohingya đã bị sát hại chỉ tính riêng trong tháng đầu tiên.

AP cho biết họ không thể liên lạc được với ARSA để bình luận về phúc trình của Ân xá Quốc tế. Kể từ tháng Giêng thì tài khoản Twitter được cho là của nhóm vũ trang này, vốn từng đăng nhiều thông tin, đã không còn hoạt động.

Trong bản phúc trình của mình, Ân xá Quốc tế cho biết các chiến binh Rohingya vận đồ đen và mang súng và gươm đã tấn công những người Hindu ở làng Ah Nauk Kha Maung Seik vào khoảng 8 giờ sáng ngày 25/8.

Không rõ lý do vì sao họ làm như vậy nhưng một số người nghi ngờ rằng cộng đồng Hindu thông cảm với lập trường chống người Rohingya của chính phủ Myanmar với đa số theo Phật giáo.

Ân xá Quốc tế cho biết các chiến binh Rohingya đã bịt mắt các nạn nhân và đưa họ đi trước khi hành quyết 53 người, trong đó có đàn ông, phụ nữ và trẻ em. Khi quân đội Myanmar tiến hành cuộc phản công tàn khốc, nhiều người sống sót đã bỏ chạy đến Bangladesh cùng với quân nổi dậy.

Ở Bangladesh, các thành viên ARSA đã đe dọa các nhân chứng và yêu cầu họ nói rằng chính dân làng ở Rakhine đã gây ra vụ thảm sát, Ân xá Quốc tế cho biết. Tuy nhiên, sau khi những người sống sót trong vụ thảm sát quay trở lại Myanmar vào tháng 10 năm ngoái, họ đã ‘khẳng định một cách chắc chắn rằng chính người Rohingya mới là kẻ chịu trách nhiệm’.

Ân xá Quốc tế giải thích rằng việc thay đổi lời khai này ‘chủ yếu là do sức ép và đe dọa đến an toàn cá nhân mà họ phải đối diện khi còn ở Bangladesh.’

Tổ chức nhân quyền này cũng cho biết kết luận của họ còn dựa trên những bằng chứng khác, trong đó có mô tả nhất quán về những kẻ tấn công của các nhân chứng và phân tích pháp y 31 tấm ảnh thi thể được khai quật.

Ân xá Quốc tế còn nói rằng 46 người Hindu ở làng Ye Bauk Kyar kế bên cũng biến mất trong ngày hôm đó và được tin rằng đã bị sát hại. Và vào ngày 26/8 năm 2017, họ cho biết quân ARSA đã giết sáu người Hindu ở làng Myo Thu Gyi.

David Mathieson, người từng là nhà nghiên cứu về nhân quyền và giờ đây là một phân tích gia độc lập ở Myanmar, nói rằng các kết luận của Ân xá Quốc tế đã xác nhận những tin tức trước đó về sự tàn bạo của tổ chức ARSA.

“Điều đó không thể biện hộ cho phản ứng mạnh mẽ của chính phủ Myanmar khiến cho gần 700.000 người Rohingya phải bỏ chạy. Nhưng sự kiện này làm tăng thêm mức độ phức tạp của tình trạng bạo lực xảy ra hồi năm ngoái,” ông Mathieson nói.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG