Đường dẫn truy cập

Myanmar: 7.000 người Rohingya bị giết trong tháng đầu chiến dịch quân sự


Một phụ nữ Rohingya đang được kéo lên khỏi sông Nad khi băng qua biên giới Bangladesh ngày 1/11/2017.
Một phụ nữ Rohingya đang được kéo lên khỏi sông Nad khi băng qua biên giới Bangladesh ngày 1/11/2017.

Tổ chức Bác sĩ Không Biên giới (MSF) hôm 14/12 cho biết có ít nhất 6.700 người Hồi giáo Rohingya bị giết trong tháng đầu tiên quân đội Myanmar phát động chiến dịch đàn áp tàn bạo đối với thành phần nổi dậy người Rohingya.

Tổ chức nhân đạo quốc tế có trụ sở tại Geneva đưa ra con số ước tính trên sau khi tiến hành một cuộc khảo sát nhiều trại tị nạn người Rohingya ở Bangladesh. Theo MSF, trong số những người bị giết, có ít nhất 730 trẻ em dưới 5 tuổi.

Quân đội Myanmar bị tố cáo đã tiến hành một chiến dịch tàn bạo, đốt phá các làng mạc của người Rohingya ở vùng tây bắc bang Rakhine hồi tháng 8, để trả đũa các cuộc tấn công vào các đồn cảnh sát.

Chiến dịch đó đã dẫn tới một cuộc di cư ồ ạt của 600.000 người Rohingyas, chạy sang nước láng giềng Bangladesh. Người tị nạn Rohingya đã báo cáo với các nhóm bênh vực nhân quyền về những hành động tàn ác của các lực lượng an ninh Myanmar, gồm bắn giết người vô tội vạ, hãm hiếp, đốt nhà và phóng hỏa toàn bộ nhiều ngôi làng.

Người tị nạn Rohingya chen chúc trú mưa dưới một tấm chăn được phân phát tại trại Balukhali, gần Cox's Bazar, Bangladesh, ngày 11/12/2017.
Người tị nạn Rohingya chen chúc trú mưa dưới một tấm chăn được phân phát tại trại Balukhali, gần Cox's Bazar, Bangladesh, ngày 11/12/2017.

Giám đốc Y tế của Tổ chức Bác sĩ Không Biên giới, Sidney Wong, nói những kết luận của cuộc khảo sát “gây sửng sốt, cả về số lượng người báo cáo một người thân trong gia đình đã thiệt mạng vì bạo lực, lẫn về những cách khủng khiếp được miêu tả nạn nhân bị giết hoặc bị trọng thương như thế nào”.

Liên Hiệp Quốc mô tả các hoạt động của các lực lượng Myanmar là “thanh lọc sắc tộc”.

Các giới chức Myanmar nói chỉ có 400 người thiệt mạng trong những tháng đầu của cuộc đàn áp, phần lớn là thành phần khủng bố.

Người sắc tộc Rohingya bị từ chối quyền công dân và các quyền khác tại Myanmar, một đất nước nơi đa số dân theo đạo Phật.

Myanmar xem người Rohingya là người nhập cư từ Bangladesh, bất chấp thực tế là có nhiều gia đình đã sống ở Myanmar qua nhiều thế hệ.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG