Đường dẫn truy cập

Mỹ tăng áp lực với Việt Nam về vấn đề nhân quyền


Chị Bùi Thị Minh Hằng tham gia một cuộc biểu tình chống Trung Quốc ngày 17/7/2011 tại Hà Nội
Chị Bùi Thị Minh Hằng tham gia một cuộc biểu tình chống Trung Quốc ngày 17/7/2011 tại Hà Nội

Một phúc trình của Human Rights Watch cho biết trong năm vừa qua chính phủ Việt Nam đã đàn áp mạnh bạo các nhà hoạt động xã hội và các nhân vật bất đồng chính kiến. Phúc trình kêu gọi Việt Nam phải trả tự do ngay cho những người này. Lời kêu gọi được đưa ra vào thời điểm có các Thượng nghị sĩ Mỹ đến Việt Nam để yêu cầu chính phủ Việt Nam cải thiện thành tích nhân quyền, một điều kiện để mở rộng quan hệ quân sự song phương với Mỹ.

Phúc trình của HRW công bố hôm Chủ nhật cho biết Việt Nam đã tiến hành một “cuộc đàn áp có hệ thống” trong năm 2011, kết quả đã có trên 30 người bị khởi tố về tội mà phúc trình này gọi là “đã dựa trên những điều khoản có lời lẽ mơ hồ” trong bộ luật hình sự của Việt Nam, và những người này đã bị phạt tù.

Phúc trình nói rằng các blogger, những người viết lách, những người bảo vệ nhân quyền, những người bênh vực quyền nhà đất, quyền tự do tôn giáo và nhiều loại người khác đã bị chính quyền Việt Nam sách nhiễu, hăm dọa, bắt bớ, tra tấn và giam cầm.

Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc của HRW đặc trách châu Á cho biết:

“Các vụ bắt bớ này nêu bật lập trường của Việt Nam về các quyền chính trị và quyền được quốc tế công nhận. Có ít nhất 33 người mà chúng tôi biết đã ngồi tù trong năm nay chỉ vì bày tỏ quyền tự do ngôn luận, lập hội hoặc hội họp ôn hòa. Các tội này đi từ chuyện cầm biểu ngữ cho đến viết blog. Toàn là những quyền lẽ ra phải được bảo vệ tại Việt Nam, bởi vì người ta đã quên rằng Việt Nam đã phê chuẩn công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị.”

Trong số những người mới bị bắt gần đây có bà Bùi Thị Minh Hằng, bị phạt hai năm trong trại cải tạo.

Ông Robertson yêu cầu chính phủ Hoa Kỳ duy trì áp lực lên Việt Nam để trả tự do cho những người này.

Phúc trình của HRW được đưa ra một ngày sau khi phái đoàn Thượng nghị sĩ Mỹ do hai ông John McCain và Joseph Lieberman dẫn đầu đã cảnh báo với phía Việt Nam rằng phát triển quan hệ quân sự với Hoa Kỳ tùy thuộc vào tình hình cải tiến nhân quyền tại Việt Nam.

Tường trình với các nhà báo tại Bangkok, Thượng nghị sĩ McCain cho biết ông đã nêu rõ lập trường này trong khi nói chuyện với các giới chức Việt Nam, nêu ra những quan tâm của Hoa Kỳ trước thành tích nhân quyền của Việt Nam đang xấu đi. Ông nói tiếp:

“Tôi không thấy có tiến bộ nhân quyền; trái lại, đã có một thái độ tụt hậu về vấn đề này. Tôi đặc biệt nhấn mạnh với phía Việt Nam rằng quan hệ an ninh hai nước sẽ gặp tác động trực tiếp của vấn đề nhân quyền. Cần phải nói rõ như thế, và tôi tin là họ hiểu rõ như vậy.”

Việt Nam đang tìm cách phát triển quan hệ quân sự với Hoa Kỳ và đã đưa ra một “danh sách mong muốn” về các loại vũ khí trong khi tiếp phái đoàn Thượng nghị sĩ Mỹ. Không có chi tiết nào về danh sách này được công bố.

Dịp này Thượng nghị sĩ Lieberman cho biết mặc dù Quốc hội Hoa Kỳ-Việt Nam có cải tiến, nhưng vấn đề nhân quyền vẫn còn là một trở ngại:

“Chúng tôi đã nói cụ thể. Chúng tôi nói rằng có một số loại vũ khí mà Việt Nam muốn mua của Mỹ và chúng tôi muốn chuyển cho họ. Nhưng chuyện đó sẽ không xảy ra cho tới khi nào Việt Nam cải thiện nhân quyền. Nếu nói một cách thực tế, Quốc hội Mỹ sẽ không phê chuẩn chuyện bán vũ khí cho Việt Nam trừ phi có cải thiện nhân quyền tại Việt Nam.”

Giáo sư Carl Thayer ở Úc, một chuyên viên về các vấn đề khu vực nói sự kiện cả chính quyền Obama lẫn Quốc hội Mỹ đều ràng buộc vũ khí với nhân quyền làm tăng thêm áp lực để Việt Nam cải tổ:

“Ta có thể kết luận rằng nếu chính quyền Obama muốn thay đổi chính sách, muốn bán vũ khí cho Việt Nam mà không cần ràng buộc vấn đề nhân quyền thì Quốc hội sẽ chận lại. Nói một cách đơn giản, Việt Nam đã được thông báo.”

Cũng trong phúc trình của mình, HRW còn tố giác Việt Nam dùng biện pháp giam giữ hành chính và cưỡng bức lao động đối với thành phần gọi là tệ đoan xã hội, trong đó có những người nghiện ma túy.

HRW cho biết tính đến đầu năm 2011, khoảng 40.000 người, có cả trẻ em 12 tuổi, đã bị giam giữ trong 123 trại khắp Việt Nam.

HRW nói những trại viên phạm nội quy của trại phải đối mặt với đánh đập, tra điện, và biệt giam không có thức ăn nước uống.

VOA Express

XS
SM
MD
LG