Từ nhiều năm nay, giáo sư Rick Halperin của đại học Southern Methodist SMU đã thúc đẩy thành lập một chương trình giảng dậy để cấp bằng tốt nghiệp về nhân quyền.
Cựu chủ tịch của tổ chức Ân Xá Quốc Tế đặc trách Hoa Kỳ bắt đầu giảng dạy lớp đầu tiên về nhân quyền tại đại học này 21 năm về trước, ngay cả trước khi rất nhiều sinh viên của ông hiện nay ra đời. Cuối cùng, cách nay 5 năm, SMU thiết lập một chương trình cấp chứng chỉ cho các sinh viên ban cử nhân về nhân quyền.
Giáo sư Halperin nói, vào lúc đó chỉ có 11 trường khác có loại chứng chỉ này:
"Nói chung, chúng ta không bàn tới nhân quyền ở quốc gia này. Chúng ta không bàn tới vấn đề đó tại các trường học. Tôi qui lỗi một phần cho văn hóa của chúng ta. Đó là một sự thất bại trên khắp nước."
Giáo sư Halperin quyết tâm thay đổi cái văn hóa đó. Các sinh viên bắt đầu ghi tên học môn phụ này và lớp mà sinh viên bắt buộc phải tham dự có tên là ”Vấn nạn của Nước Mỹ: Cuộc Tranh Đấu cho Nhân Quyền.” Ông nói
"Đây là chương trình phát triển nhanh nhất của SMU."
Giáo sư Halperin cho biết sự thành công đó thúc đẩy đại học SMU chấp thuận cho việc cấp bằng cử nhân về nhân quyền. SMU đã đứng vào hàng ngũ của các trường đại học Columbia tại New York, Trinity College ở Connecticut, và đại học Dayton tại Ohio là những trường hiếm hoi cấp bằng tốt nghiệp về nhân quyền.
Bằng cấp mới này sẽ chuẩn bị cho sinh viên tiến các hoạt động cổ vũ cho nhân quyền và những việc làm bất vụ lợi, và cho họ một nhãn quan quốc tế rộng lớn hơn.
Thêm vào với những môn phụ thuộc lãnh vực liên hệ và ít nhất hai năm học một ngoại ngữ, mỗi một sinh viên chọn nhân quyền là môn học chính sẽ được đòi hỏi phải tham gia vào việc học tập phục vụ và đi du khảo vào khóa học mùa xuân ở khắp khu vực miền nam. Sinh viên cũng bắt buộc phải học lớp giảng dậy về nhân quyền của giáo sư Halperin:
"Tại Pakistan, các lực lượng Taliban tấn công một xe buýt làm 4 trẻ em thiệt mạng và gây thương tích cho khoảng 16 đến 19 người nữa."
30 sinh viên ngồi chật lớp giảng dạy về nhân quyền của giáo sư Halperin mỗi tối thứ Ba. Mỗi khóa học mở đầu bằng các vụ vi phạm nhân quyền mới đây do các sinh viên nêu lên.
"Và một phát ngôn viên của Taliban còn nói đây mới chỉ là một khởi đầu nữa của những vụ tấn công của họ nhắm vào thường dân."
Vào buổi giảng lần này, giáo sư Halperin chú trọng vào đề tài di sản nô lệ tại Hoa Kỳ.
Để khuyến khích sinh viên tham gia, ông chiếu cuốn phim Guess Who’s Coming to Dinner, được quay trong thập niên 1960, trong phim, một cô gái da trắng giới thiệu cha mẹ của cô với một người đàn ông da đen mà cô muốn tiến tới hôn nhân.
50 năm trước, cuốn phim đã gây nhiều tranh cãi. Ngày nay, đối với nhiều người, nó cũng vẫn là đề tài tranh cãi. Để tìm hiểu về những đổi thay về văn hóa và chủng tộc qua các thế hệ, giáo sư Halperin hỏi mỗi sinh viên xem cha mẹ và ông bà của họ có thể phản ứng như thế nào ngày nay, đối với cùng một kịch bản như vậy. Các sinh viên phát biểu:
"Cha mẹ tôi ra đời vào thập niên 1950 ở miền nam, sau đó họ trở thành những người trong phong trào Hippy, vì vậy tôi thực sự cho rằng họ chẳng chú ý gì đến chuyện này."
"Cha mẹ tôi từ Mexico đến và ông bà ra đời vào thập niên 1950, và tôi nghĩ rằng họ không chấp nhận chuyện đó."
Đối với một số sinh viên, khóa học này chỉ là một môn phụ phải học để cho đủ tín chỉ về lịch sử. Nhưng đối với những người khác, như cô Emily Mankowski sinh viên năm thứ hai ban cử nhân, cô cho là bằng cử nhân về môn nhân quyền rất lý thú, và cô ghi tên theo học tại SMU một phần cũng là do các lớp giảng dạy về nhân quyền:
"Tôi rất thích công việc phục vụ cho lý tưởng, và sẽ ra nước ngoài. Tôi rất thích thú trong tất cả những đề tài mà chúng tôi bàn luận. Tôi đang học dự bị y khoa, vì thế tôi rất muốn làm việc với những tổ chức như Y (Bác) sỹ Không Biên Giới, và môn học chính, chuyên về Nhân Quyền, có thể giúp tôi thật nhiều trong tương lai và theo đuổi việc làm với tổ chức Y sỹ Không Biên Giới, đi ra nước ngoài cũng như làm việc cho Đoàn Hòa Bình Peace Corps chẳng hạn.”
Sinh viên John Potts, học năm thứ ba về công nghệ cơ khí, rất thán phục việc SMU thiết lập một văn bằng chuyên về Nhân Quyền. Anh nói trường này được coi là bảo thủ, và không dễ thay đổi. Vì vậy theo anh Potts việc cấp bằng chuyên môn về nhân quyền là một bước tiến bộ cho SMU và sinh viên của trường.:
"Tôi nghĩ là lớp học rất lý thú, nó hướng đến chuyện thảo luận nhiều hơn là tôi dự đoán. Nhưng tôi cho đây thực là một điều hay cho chúng ta khi nêu lên những vấn đề làm chúng ta cảm thấy không thoải mái như hôm nay, thảo luận về ý kiến của cha mẹ chúng ta về chủng tộc, và những người chúng ta sống chung.
Và giờ đây, phần lớn nhờ giáo sư Rick Halperin, sinh viên đại học SMU chẳng những có thể nêu lên và bàn cãi các vấn đề nhân quyền mà họ chú ý, mà họ còn có thể được cấp bằng tốt nghiệp về lãnh vực này nữa. 18 trong số 200 sinh viên theo các lớp dạy về nhân quyền giờ đây đã chọn lãnh vực này làm bằng cấp chính mà họ theo đuổi. Giáo sư Halperin cho biết mục tiêu kế tiếp là thiết lập chương trình bậc cao học về nhân quyền.
Nhân quyền trở thành một môn chính được cấp bằng cử nhân tại đại học Mỹ
- Bill Zeeble
Đại học Southern Methodist (SMU) ở Dallas, bang Texas, đã thêm vào chương trình một loạt những lớp giảng dạy về nhân quyền trong học kỳ năm nay, như ”Sức khỏe là một nhân quyền,” và “Nhân quyền và người Ký Giả.” Theo như thông tín viên Bill Zeeble giải thích, nguyên do vì đại học SMU, không giống như những trường khác coi nhân quyền chỉ là môn học phụ, giờ đây đang đưa nhân quyền trở thành một môn học chính của nhà trường. Và SMU là một trong vỏn vẹn có 5 trường tại Hoa Kỳ làm như vậy. Mời quí thính giả theo dõi bài viết của thông tín viên Bill Zeeble trong mục Câu Chuyện Nước Mỹ hôm nay do Lan Phương trình bày: