Một nhà ngoại giao cao cấp của chính phủ Mỹ nói rằng Việt Nam nên cải thiện thành tích nhân quyền để có được tiến bộ trong mối quan hệ với Hoa Kỳ.
Theo tin của hãng thông tấn AP, Trợ lý Ngoại trưởng Kurt Campbell cho rằng lập trường của Việt Nam về vấn đề nhân quyền “đối nghịch” với các mối quan hệ kinh tế và quân sự đang ngày càng nồng ấm giữa hai nước.
Ông Campbell, giới chức ngoại giao hàng đầu của Mỹ phụ trách khu vực Đông Á, đã cho báo chí biết như thế hôm thứ năm tại Hà Nội.
Ông không đề cập tới những trường hợp cụ thể nhưng nói rằng Việt Nam vẫn còn giam giữ các tù nhân chính trị.
Các tổ chức nhân quyền lâu nay vẫn thường xuyên tố cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền.
Tháng giêng vừa qua, Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Hà Nội đã hối thúc Việt Nam trả tự do cho bà Bùi Thị Minh Hằng, một nhà hoạt động từng tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Quốc.
Hồi tháng 11 bà Hằng đã bị nhà chức trách đưa vào một trại cai nghiện để giam giữ trong 2 năm mà không xét xử.
Lời kêu gọi của Trợ lý Ngoại trưởng Campbell được đưa ra chưa đầy hai tuần sau khi 4 thượng nghị sĩ Mỹ có nhiều thế lực, trong đó có ông John McCain, đến thăm Việt Nam và cho biết Washington sẽ không bán vũ khí cho Việt Nam cho tới khi nào Hà Nội đảo ngược “sự tụt hậu” về nhân quyền.
Trong cuộc họp báo ở Bangkok hôm 21 tháng 1 sau khi rời Hà Nội, thượng nghị sĩ McCain cho hay ông “đặc biệt nhấn mạnh với phía Việt Nam là quan hệ an ninh Mỹ-Việt chịu ảnh hưởng trực tiếp của các vấn đề nhân quyền.”
Khi loan tin về chuyến viếng thăm Việt Nam của Trợ lý Ngoại trưởng Campbell, báo chí do nhà nước kiểm soát ở Việt Nam không đề cập gì tới lời kêu gọi cải thiện nhân quyền.
Họ cho biết ông Campbell khẳng định Washington muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ với Việt Nam theo hướng đối tác chiến lược.
Nhà ngoại giao cao cấp này cũng cho biết Hoa Kỳ ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông, bằng các biện pháp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982.
Ông Campbell thúc giục các bên tuân thủ bản Tuyên bố về cách hành xử của các bên ở Biển Đông, gọi tắt là DOC, và tăng cường những nỗ lực để có được Bộ Qui tắc Ứng xử Biển Đông, gọi tắt là COC.
Nguồn: AP,VNA
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1