Thông tấn xã Bernama của Malaysia ngày 27/1 loan tin Cục Quản lý Lao động ngoài nước đề ra mục tiêu sẽ xuất khẩu 90.000 công nhân ra ngoại quốc làm việc trong năm nay, đặc biệt ưu tiên cho người lao động ở các khu vực nghèo của Việt Nam ra nước ngoài làm việc.
Thỏa thuận vừa mới ký liên quan đến việc Nhật Bản tuyển dụng nhân viên y tế Việt Nam mở thêm cơ hội mới cho người lao động trong nước có được các công việc lương cao trên thị trường việc làm của Nhật.
Việt Nam loan báo sẽ tăng cường đào tạo tay nghề cho đội ngũ nhân công trong ngành chăm sóc sức khỏe và các lĩnh vực dịch vụ để đáp ứng nhu cầu của các thị trường thường nhập khẩu lao động Việt Nam.
Ngoài ra, chính phủ Việt Nam cũng cho biết sẽ nghiên cứu và phát triển thêm các thị trường mới nơi có các công việc theo mùa như Australia, New Zealand, Canada, Nga, Phần Lan, và Thụy Điển.
Một trong số các khó khăn trong công tác xuất khẩu lao động là tình trạng lưu trú bất hợp pháp của công nhân Việt Nam sau khi hết hạn hợp đồng lao động.
Mặt khác, chính sách xuất khẩu lao động của Việt Nam cũng bị giới bảo vệ nhân quyền chỉ trích khá nhiều. Theo Ủy ban Cứu người Vượt biển BPSOS, một tổ chức phi chính phủ và phi lợi nhuận của người Việt tại Mỹ và là thành viên của Liên minh Bài trừ Nô lệ mới ở Châu Á (CAMSA), nhiều công nhân xuất khẩu của Việt Nam là nạn nhân của tệ nạn buôn người.
Giám đốc BPSOS, tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, phát biểu với Ban Việt ngữ đài VOA:
“Rất nhiều công ty xuất khẩu lao động đã lường gạt công nhân. Trong số 60 hồ sơ chúng tôi can thiệp liên quan đến trên 3.000 nạn nhân, chúng tôi đã gửi những thông tin này đến văn phòng Thủ tướng Việt Nam, Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội Việt Nam, nhưng họ không hề có một cuộc điều tra nào hết. Ngược lại, chính nạn nhân lại bị công an điều tra, bị những phái đoàn do Việt Nam gửi sang tận nơi trấn áp, hăm dọa, đến nỗi có người phải đi tị nạn, không dám về nước nữa. Chính quyền Việt Nam không những không bảo vệ mà còn hăm dọa nạn nhân, đồng thời tìm mọi cách bảo vệ cho những kẻ buôn người, trong đó có sự dính líu của rất nhiều tổ chức gọi là ‘công ty xuất khẩu lao động’, kể cả các công ty quốc doanh.”
Theo thống kê của Cục Quản lý Lao động ngoài nước, trong năm 2011 vừa qua, Việt Nam gửi hơn 88.000 lao động sang các nước làm việc, tức vượt con số chỉ tiêu 87.000 do Quốc hội đề ra. Phần đông công nhân Việt được xuất khẩu sang các thị trường Nam Triều Tiên, Nhật Bản, Đài Loan, và Malaysia.
Nguồn: Bernama, Mywork.vn, VOA-interview/w Dr. Nguyen Dinh Thang
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1