Cách trung tâm Hà Nội có 5 phút, những hàng dài xe đạp và xe máy chạy qua các nhịp lọc xọc của cây cầu Long Biên.
Được người Pháp xây lên vào năm 1903 và liên tục bị Hoa Kỳ oanh kích trong cuộc chiến tranh Việt Nam, cây cầu có đường rầy xe lửa chạy qua là một phần không thiếu được trong đặc điểm của thành phố. Hình ảnh một cựu chiến binh được vá víu được mô tả trong suốt nền văn hóa phổ thông và được coi như tượng trưng cho quyết tâm của người dân Việt Nam đối mặt với cuộc chiến.
Tuy nhiên, một kế hoạch biến cây cầu thành một phòng triển lãm nghệ thuật đương đại dài nhất thế giới đã châm ngòi cho một cuộc tranh luận sôi nổi giữa các kiến trúc sư, ký giả và người dân Hà Nội.
Bà Nguyễn Nga, một kiến trúc sư học ở Pháp, là người đã đệ trình đề nghị hồi tháng 7 trước một hội nghị của Hiệp hội Quy hoạch Đô thị Việt Nam.
Bà Nga nói cây cầu này mang ý nghĩa nhiều hơn là một phương tiện đi ngang qua sông – nó là một phần tâm trí của người dân.
Theo bà, cây cầu đã chứng kiến người binh sĩ Pháp cuối cùng rút ra khỏi Việt Nam và đã bị người Mỹ giội bom 14 lần. Lần nào bị hư hại, người dân Việt Nam cũng sửa sang lại.
Từng là cây cầu dài nhất ở Đông Dương, bà muốn nó trở thành viện bảo tàng nghệ thuật đương đại dài nhất trên thế giới với 131 nhịp cầu được khai triển thành các phòng triển lãm cho nghệ nhân và nghệ sĩ.
Viện bảo tàng sẽ gồm một phòng trưng bầy lớn với các toa xe hỏa biến thành các nhà hàng và quán cà phê.
Hòn đảo giữa con sông bên dưới cây cầu, có tên là Bãi Giữa, sẽ biến thành một công viên nghệ thuật.
Bà Nga nói cây cầu quý giá đến mức không thể dùng cho các chuyến tầu chở hàng và chỉ nên dành cho xe đạp và khách bộ hành. Thành phố dự định xây thêm các cầu bắc ngang qua sông Hồng để xe cộ giao thông không cần đến cầu Long Biên nữa.
Khi được khánh thành vào năm 1903, cầu Long Biên không thể nào mang tính cách Pháp hơn được. Cây cầu thoạt tiên được đặt theo tên ông Paul Doumer, lúc đó làm Toàn quyền Đông Dương thuộc Pháp và sau này làm Tổng thống Pháp.
Người thiết kế cầu cũng là một danh nhân trong lịch sử Pháp. Ông Gustav Eiffel chính là người 14 năm trước đó đã thiết kế tháp Eiffel nổi tiếng ở Paris.
Khi người Pháp rời khỏi Việt Nam vào cuối cuộc chiến tranh Đông Dương năm 1954, họ đem theo cái tên Paul Doumer và thắng tích vĩ đại này trở thành cầu Long Biên.
Ngày nay, cây cầu vẫn còn là nơi sinh hoạt nhộn nhịp. Bà Hoàng Kim Ngân 42 tuổi là một trong số hàng chục phụ nữ bán quà cho xe cộ lưu thông dọc trên cầu.
Bà Ngân nói bà đã bán chè và hoa quả trên cầu từ 10 năm nay. Bà cho biết đây là một nơi tốt để bán hàng vì có ít tội phạm hơn và người bán ít bị công an gây phiền hà hơn.
Bà Ngân nói những người đến cầu vào ban tối để thưởng thức không khí mát mẻ và ngắm cảnh. Tuy bà Ngân tán thành việc xây bảo tàng viện, bà vẫn thích để cầu mở cho xe cộ qua lại vì bà thích một bầu không khí sống động hơn.
Các cô học sinh Nguyễn thị Giang và Phạm Aùnh Tuyết, cả hai đều 20 tuổi, thường đến cầu để tránh những con đường nhộn nhịp của Hà Nội.
Cô Tuyết nói cô hay đến cầu bởi vì cô thích lịch sử và quá khứ của cầu Long Biên tiêu biểu cho sức mạnh của người dân Việt Nam.
Cô nói cầu Long Biên chỉ nên để cho khác bộ hành đi qua để bảo vệ môi trường bởi vì nhiều người lái xe qua cầu thường xả rác.
Cô học sinh Phạm Thị Uyên 18 tuổi đến cầu để thưởng ngoạn một buổi hoàng hôn lãng mạn.
Tuy Uyên ở Hải Phòng, cô nói cô yêu cây cầu vì đã được học về cầu ở trường. Người bạn trai của cô, anh Nguyễn Quang Huy nói cây cầu này nên được giữ là một cây cầu “sống” và chỉ nên để cho xe cộ qua cầu vào một số thời điểm nhất định trong ngày.
Kế hoạch bảo quản của bà Nga mang nhiều tham vọng. Dự án sẽ phải mất 10 năm để hoàn tất và tổn phí sẽ lên tới 237 triệu đôla.
Nhưng không phải ai cũng ủng hộ kế hoạch đó. Trong số những người chống đối có sử gia Nguyễn Đức Cường thuộc Viện Sử học ở Hà Nội.
Ông nói đóng cửa cầu không cho tầu hỏa và xe cộ thường chạy qua sẽ làm biến đổi vĩnh viễn vai trò của cây cầu như một phương tiện giao thông thiết yếu của thành phố.
Ông Cường nói cầu Long Biên rất thân thiết với tâm trí người dân Hà Nội. Ông nói cầu cần phải được bảo tồn y như cũ và được giữ làm một cây cầu có chức năng.
Kiến trúc sư Trần Thanh Vân thuộc Hội Kiến trúc sư Việt Nam còn đi xa hơn nữa trong việc chống đối đề nghị chuyển hóa cầu.
Bà Vân nói kế hoạch này là phi lý và so sánh nó với việc dùng một người nghệ nhân khéo tay để thêu một cái áo rách.
Bà nói ngân khoản nên dành cho việc bảo tồn Khu Phố Cổ của thành phố bằng cách phá những tòa nhà cao tầng trong khu vực và bảo trì các tòa nhà cổ.
Bà Nga phản bác những lời chỉ trích dự án của bà:
Bà nói bà đã nhận được rất nhiều phản hồi tích cực và những người chỉ trích kế hoạch của bà làm như vậy vì họ không hiểu được kế hoạch. Bà nói dự án sẽ không sử dụng tiền của nhà nước, mà là tiền của cộng đồng để mọi người cảm thấy có trách nhiệm hơn đối với công tác phát triển.
Bà Nga cho biết bà đã dành 3 năm trời để nói chuyện với dân chúng và đo lường ý kiến của họ về những gì cần phải làm với cây cầu. Cuối cùng, theo bà, đây là điều mà dân chúng mong muốn.
Mặc dù chưa đi đến quyết định chung cuộc về tương lai cửa cây cầu, bà Nga hiện đang xin địa phương tài trợ cho dự án của bà. Bà trông đợi sẽ phải mất 10 năm để thu được số tiền cho dự án.
Kế hoạch biến một trong các thắng tích nổi tiếng nhất của Hà Nội là cây cầu Long Biên thành một viện bảo tàng nghệ thuật đương đại dài nhất thế giới đã gây nhiều tranh cãi ở Việt Nam. Thông tín viên Marianne Brown tại Ha Nội tường thuật về cuộc tranh luận có liên quan đến tương lai của thắng cảnh được coi là hình tượng khắc kỷ trong cuộc chiến tranh Việt Nam.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1