Đường dẫn truy cập

Facebook tăng cường kiểm duyệt theo yêu cầu của chính phủ Việt Nam


Một người dùng ở Hà Nội xem trang Facebook của chính phủ Việt Nam ngày 30/12/2015.
Một người dùng ở Hà Nội xem trang Facebook của chính phủ Việt Nam ngày 30/12/2015.

Meta đã tăng cường kiểm duyệt nội dung do người dùng Facebook đăng tải tại Việt Nam theo yêu cầu từ các cơ quan chính phủ của quốc gia Đông Nam Á về những nội dung bị cho là sai lệch và làm ảnh hưởng danh tiếng của họ, theo báo cáo minh bạch bán niên mới nhất của tập đoàn công nghệ Mỹ.

“Chúng tôi đã hạn chế quyền truy cập tại Việt Nam đối với hơn 3.200 mục để phản hồi những báo cáo từ Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (ABEI) thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông (MIC) và Bộ Công an vì bị cáo buộc vi phạm luật địa phương trong việc cung cấp thông tin xuyên tạc, vu khống hoặc xúc phạm danh tiếng của một tổ chức hay danh dự và nhân phẩm của một cá nhân theo Điều 5.1 (d) của Nghị định 72/2013/ND-CP,” Meta cho biết trong báo cáo về dữ liệu từ tháng 1 đến tháng 6 năm 2024, được đăng tải trên trang Trung tâm Minh bạch của công ty.

Báo cáo cho thấy Meta, vốn sở hữu Facebook, đã chặn không cho người dùng mạng xã hội truy cập 3.280 đăng tải trong nửa đầu năm nay, cao hơn bất kỳ thống kê bán niên nào về việc hạn chế truy cập ở Việt Nam kể từ khi Meta công bố từ nửa cuối năm 2017.

Con số này còn cao hơn cả tổng số lượng đăng tải bị hạn chế truy cập trong cả năm từ 2017 đến 2022. Cho tới thời điểm này, số lượng đăng tải bị chặn trong cả năm cao nhất là vào năm ngoái, với 4.810 mục bị hạn chế truy cập. Nhưng con số của nửa đầu năm nay đã chiếm hơn 68% của tổng số cả năm ngoái.

Thống kê của Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử được VietNamNet trích dẫn hôm 1/12 cho thấy Facebook đã chặn, gỡ 8.981 nội dung “chống phá Đảng, Nhà nước, vi phạm luật Việt Nam.” Theo Cục này, các nội dung bị chặn, gỡ bao gồm 8.463 bài viết, 349 tài khoản, 16 nhóm và 153 trang vi phạm, với tỷ lệ là 94%.

Cục được tờ báo trích dẫn cho biết không chỉ các tài khoản, thông tin “xấu độc” bị chặn gỡ, mà việc xử lý tình trạng “phát tán tin giả” trên các mạng xã hội đã được “tích cực triển khai” trong thời gian qua. Theo VietNamNet, kết quả này có được là nhờ trong năm 2024, Bộ TT&TT đã tổ chức khoảng 20 cuộc họp, trao đổi, đàm phán định kỳ, đột xuất với lãnh đạo cấp cao, đại diện của các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, Google, TikTok, Netflix, Apple… để nhắc nhở, đôn đốc họ tuân thủ pháp luật Việt Nam.

Chính quyền Việt Nam vào năm 2020 đã đe dọa đóng cửa Facebook vì các quan chức Hà Nội cho rằng mạng xã hội khổng lồ của Mỹ đã không làm đầy đủ những gì mà họ được yêu cầu phải kiểm duyệt những nội dung chỉ trích Đảng Cộng sản.

Facebook đã buộc phải trấn áp bất đồng chính kiến để có thể duy trì tiếp cận thị trường Việt Nam ‘béo bở’, nơi được cho là đã mang về cho công ty mạng xã hội này 1 tỷ USD doanh thu hàng năm.

Việt Nam có số lượng người dùng Facebook lớn thứ 7 thế giới, với khoảng 75,3 triệu tài khoản, theo thống kê của Statista, và được xem là một thị trường lớn cho Meta.

Facebokk, với phiên bản tiếng Việt ra mắt vào năm 2008, đã trở thành một diễn đàn được nhiều người dùng nhất ở Việt Nam khi là nơi những người chỉ trích chính phủ và các nhà hoạt động nhân quyền có thể bày tỏ quan điểm của mình cũng như là nơi để nhiều người tìm kiếm các nguồn tin trái triều mà họ không thể có được từ truyền thông chính thống do nhà nước quản lý.

Thượng nghị sỹ Mỹ Marsha Blackburn hồi năm 2020 cáo buộc người sáng lập kiêm giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg đã ưu tiên “lợi nhuận hơn nguyên tắc” khi bóp nghẹt những tiếng nói bất đồng chính kiến theo lệnh của các chính phủ nước ngoài.

Chính phủ Việt Nam đã bỏ tù nhiều người, trong đó có những nhà báo độc lập, vì những đăng tải của họ trên Facebook, mà chính quyền cho là sai lệch hay xúc phạm các lãnh đạo Đảng và Nhà nước.

Freedom House, trong báo cáo đưa ra hôm 16/12, nói rằng chính phủ Việt Nam tiếp tục thực thi các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt đối với môi trường trực tuyến trong nước. Tổ chức này tiếp tục liệt Việt Nam vào nhóm không có tự do internet.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG