Chính quyền Việt Nam có kế hoạch trấn áp “quyết liệt” đối với các ngư dân đánh bắt xa bờ ở các tỉnh phía nam giữa lúc nước này và Indonesia bước vào giai đoạn “then chốt” của cuộc đàm phán phân định vùng đặc quyền kinh tế của hai nước, theo một báo cáo của Cục An ninh Nội địa thuộc Bộ Công an ban hành nội bộ hồi đầu tháng 5 mà VOA xem được.
Sau 12 năm đàm phán, Việt Nam và Indonesia vào tháng 12/2022 đã bước đầu giải quyết được tranh chấp trên biển khi ký hiệp định phân định vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) chồng lấn giữa hai nước, nhưng chi tiết của hiệp định chưa được công bố.
Báo cáo lưu hành nội bộ của Bộ Công an cho biết chính quyền Việt Nam “đã thực hiện nhiều biện pháp để quản lý hoạt động tàu cá và ngư dân” nhằm ngăn chặn ảnh hưởng tiêu cực đến việc đàm phán “Thỏa thuận thực thi áp dụng đối với khu vực chồng lấn quyền tài phán giữa Việt Nam-Indonesia”, vốn là một phần của hiệp định phân định EEZ mà cần sự phê chuẩn của quốc hội hai nước để có hiệu lực.
Báo cáo, gửi đến Đại tướng Lương Tam Quang – nay là Bộ Trưởng Bộ Công an, cho biết rằng từ hồi tháng 4 tại khu vực phía nam đã diễn ra một số “hoạt động phức tạp”, trong đó có ngư dân biểu tình và khiếu kiện tập thể do “bất mãn” về việc chính quyền địa phương đã hạn chế hoạt động đánh bắt tại vùng biển ranh giới với vùng đặc quyền kinh tế giữa Việt Nam và Indonesia.
Trước các đợt trấn áp “cấp bách” của chính quyền về tình trạng tàu cá Việt Nam khai thác hải sản trái phép, các ngư dân ở ngư trường phía nam nói với VOA rằng họ không dám vượt ranh giới cho phép để đến các ngư trường truyền thống của mình. Điều này có nghĩa tàu cá của họ phải “nằm bờ” hay họ phải chuyển sang ngư trường khác hoặc phải chật vật đổi kế sinh nhai.
Ngư dân bất mãn
“Tụi tui không dám đi ra ngoài đó nữa đâu. Trước đây tôi đánh xa bờ, nhưng họ làm căng quá nên chuyển qua nghề câu mực ven bờ”, ông Trần Sinh, 67 tuổi, một ngư dân ở Bình Thuận, từng đánh bắt vùng biển xa giáp với vùng biển của Indonesia nhưng nay đã chuyển sang nghề câu mực, cho VOA biết về những khó khăn của phần lớn ngư dân hiện nay.
Ngư dân này cho biết tất cả tàu cá có chiều dài 15m trở lên bắt buộc phải gắn thiết bị giám sát hành trình (VMS) và bất cứ khi nào tàu vượt ra khỏi ranh giới cho phép thì bị cơ quan chức năng Việt Nam sẽ ngăn chặn và phạt tiền, với mức phạt mới áp dụng từ cuối tháng 5 lên đến 200 triệu đồng/vụ.
“Tôi rất sợ bị bắt. Ở ngoài khu vực giáp biên cũng có tàu Việt Nam canh mình. Tôi không dám vượt qua, đi qua một tí thôi là máy kia báo động liền. Máy này cũng báo về chính quyền tỉnh luôn”.
Ngư dân có hơn 40 năm làm nghề biển này nhận định rằng việc đánh bắt gần đây rất khó khăn do nguồn tài nguyên thủy sản gần bờ không còn dồi dào như trước.
“Bây giờ làm ăn thất thu ghê lắm, cá bên trong này cũng đâu còn nữa đâu”, ông Sinh nói.
Cũng tại Bình Thuận, một phụ nữ có gia đình làm nghề biển chia sẻ với VOA rằng bà chứng kiến rất nhiều tàu cá phải “nằm bờ” do việc chính quyền Việt Nam siết chặt quản lý khu vực đánh bắt nơi giáp ranh với vùng biển của Indonesia. Người phụ nữ này không nêu tên vì lý do an toàn.
“Người ta cũng bỏ ghe, đậu bờ, rồi chuyển qua làm cái này, cái kia rồi. Bây giờ người ta dẹp ghe hết. Bây giờ đậu bờ nhiều lắm. Từ ngày phân vùng như vậy thì cuộc sống bế tắc luôn, nhiều người vượt qua đó thì bị bắt”.
Một số cuộc biểu tình và khiếu kiện mà Cục An ninh Nội địa ghi nhận gồm cuộc biểu tình của 31 người tại Uỷ ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận sáng ngày 2/4/2024 và cuộc tụ tập có ý định biểu tình ngày 26/4/2024 tại huyện Đức Linh, Bình Thuận, đã bị chính quyền “kịp thời giải tán”.
Ngoài ra, cục này cũng ghi nhận việc ngư dân đưa ra quan điểm chỉ trích chính sách “thiếu suy nghĩ” của chính phủ Việt Nam trên các diễn đàn trên mạng xã hội như Facebook, Zalo... trong đó họ bị cáo buộc đã “xúi giục ngư dân biểu tình” để phản đối việc hạn chế đánh bắt.
Trong báo cáo, Cục An ninh Nội địa nhận định rằng ngư dân các tỉnh từ Phú Yên đến Kiên Giang có tập quán đánh bắt tại ngư trường Đông Nam Bộ, trong đó có vùng biển giữa Việt Nam và Indonesia, và rằng việc yêu cầu ngư dân thay đổi hoặc hạn chế đánh bắt tại vùng biển quen thuộc này là điều “không phải chuyện dễ”.
Theo báo cáo, khu vực mà Việt Nam và Indonesia tiến hành phân định thuộc ngư trường khai thác Đông Nam Bộ, có nguồn lượng thủy sản phong phú, trong khi nguồn lợi thủy sản Việt Nam bị cạn kiệt nhất là từ năm 2020 trở lại đây. Cục An ninh Nội địa thừa nhận rằng nghề biển là mưu sinh duy nhất đối với đa số ngư dân Việt Nam hiện nay và khó có khả năng tìm các công việc khác trên bờ.
Nhưng Cục này nói rằng “trong giai đoạn then chốt hiện nay, cần tạo môi trường thuận lợi cho đàm phán” dù phải thu hẹp phạm vi đánh bắt của ngư dân và hạn chế họ ra vùng biển quen thuộc.
VOA đã liên lạc Cục An ninh Nội địa và Bộ Công an để tìm hiểu thông tin liên quan đến báo cáo này, nhưng chưa được phản hồi.
Áp lực kép
Hồi đầu tháng 4/2024, một nghị định của chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thủy sản quy định số tiền phạt lên đến 200 triệu đồng đối với hành vi sử dụng tàu cá vượt qua vùng được phép khai thác thủy sản trên biển mà không có văn bản chấp thuận. Ngoài ra, nghị định mới này nâng thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản lên đến hai năm.
Mức phạt cao này được quy định trong Nghị định 38/2024, có hiệu lực từ ngày 20/5, nằm trong chuỗi những nỗ lực của chính phủ Việt Nam nhằm chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) để nước này thoát khỏi tình trạng bị thẻ vàng trong ngành thủy sản mà Uỷ ban châu Âu (EC) áp đặt từ lâu nay.
Ngoài ra, Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng cũng xác định rằng công tác chống khai thác IUU là “nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa lâu dài” đối với phát triển bền vững ngành thủy sản.
Từ đầu năm 2023 đến nay, tỉnh Bình Thuận có 23 lượt tàu cá vượt ranh giới cho phép, trong đó, 5 trường hợp tàu cá bị lỗi thiết bị, 13 trường hợp trực ban liên lạc trực tiếp với thuyền trưởng đề nghị đưa tàu quay về vùng biển Việt Nam, 4 trường hợp liên lạc với thuyền trưởng, đồng thời làm việc với gia đình chủ tàu, theo trang Bình Thuận Online hôm 11/6.
Trang mạng này cho biết thêm rằng trong năm 2024, có 1 trường hợp tàu cá vượt ranh giới, và cơ quan chức năng đã phát thông báo và đề nghị Ban chỉ đạo IUU Thành phố Phan Thiết “làm việc” với chủ tàu, yêu cầu thuyền trưởng tàu khẩn trương đưa tàu quay về vùng biển Việt Nam.
Trong khi đó Cà Mau, một trong những tỉnh lắp đặt thiết bị VMS 100%, với hơn 1.500 tàu có chiều dài lớn nhất từ 15m đã lắp thiết bị này, được Cục An ninh Nội địa khen ngợi là tỉnh đã áp dụng các biện pháp “quyết liệt” như rút, không cấp phép mới giấy phép khai thác đối với chủ tàu cá vi phạm bị bắt giữ, tạo không khí răn đe...
Ngư dân bị bế tắc?
“Ngư dân ở đâu cũng kêu rêu lắm! Chính quyền có giúp họ lấy lại tàu thuyền gì đâu. Họ cứ nói “từ từ xử lý, từ từ xử lý” chứ họ cũng không có đủ khả năng để làm gì được”, người phụ nữ ở Bình Thuận bày tỏ bức xúc về việc các tàu cá bị phía Indonesia bắt giữ trong thời gian qua.
Chính quyền Indonesia bắt giữ 11 tàu cá nước ngoài đánh cá trái phép trong nửa đầu năm 2024, trong đó có tàu cá Việt Nam, trang KKP dẫn lời người đứng đầu Cơ quan Giám sát Tài nguyên Biển và Thủy sản Indonesia (PSDKP) cho biết hôm 15/6.
Về phía Việt Nam, từ tháng 2/2024, Văn phòng Chính phủ ra chỉ đạo nhắm đến tháng 4/2024 không còn tình trạng tàu cá Việt Nam đi khai thác hải sản trái phép, bằng các giải pháp “cấp bách, trọng tâm”, đồng thời hối thúc các địa phương điều tra, đưa ra xét xử các trường hợp vi phạm pháp luật liên quan đến môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, theo Cổng thông tin Chính phủ.
“Thực ra không có giải pháp nào để thay thế”, một chuyên gia tư vấn cho ngư dân chuyển đổi ngành nghề ở Cà Mau thừa nhận với VOA, nói thêm rằng các ngư dân vốn đã quen với nghề biển thì rất khó có thể thích hợp với các công việc khác.
“Tôi có hỏi chính quyền địa phương thì họ chưa có cách nào để giải quyết hết. Họ chỉ thực hiện chính sách đó mà thôi”, vị chuyên gia này cho biết thêm. Ông là một trong những người tham gia dự án giúp ngư dân ven bờ ở Cà Mau tìm ngành nghề khác khi tỉnh này “quyết tâm” gỡ thẻ vàng IUU. Ông không tiết lộ danh tính vì tính nhạy cảm của vấn đề.
Biện pháp trấn áp
Cục An ninh Nội địa đề xuất trong báo cáo rằng phải áp dụng các biện pháp tuyên truyền cho ngư dân “với những nội dung không thể vi phạm vùng biển, EEZ của Indonesia ngay cả tại vùng biển chồng lấn” để “nâng cao nhận thức của họ đối với tầm quan trọng của Hiệp định phân định EEZ giữa Việt Nam và Indonesia.”
Cơ quan chuyên tham mưu cho Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam về việc đảm bảo an ninh nội địa còn đề xuất “xử lý dứt điểm” các hành vi tàu cá, ngư dân trong nước cố tình vi phạm.
Cục này cho biết họ quyết không để việc khiếu kiện của ngư dân trở nên “phức tạp”, hay hình thành “điểm nóng” về an ninh trật tự, đồng thời triển khai các biện phát trinh sát theo dõi những ai phát biểu “sai sự thật, chống Đảng, Nhà nước” khi chính quyền thực hiện các chính sách về ngư dân.
Diễn đàn