Việt Nam hoan nghênh quyết định của Bộ tài chính Mỹ gỡ mác thao túng tiền tệ và, theo tân Thủ tướng Phạm Minh Chính, Hà Nội đã “nỗ lực lớn” về ngoại giao trong việc thuyết phục Hoa Kỳ “đánh giá phù hợp” cũng như cam kết hài hoà cán cân thương mại với Mỹ.
Bộ Tài chính Mỹ hôm 16/4 đưa ra báo cáo bán thường niên, trong đó kết luận rằng chưa có đủ bằng chứng để khẳng định Việt Nam thao túng tỷ giá hối đoái theo Đạo luật Cạnh tranh và Thương mại Omnibus 1988, dù vào tháng 12 năm ngoái đã gắn nhãn “thao túng tiền tệ” cho Việt Nam.
Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 17/4 hoan nghênh quyết định này của Bộ tài chính Mỹ, theo Reuters.
Còn Thủ tướng Chính cùng ngày cho biết kết quả này có được nhờ “nỗ lực lớn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong tiếp xúc ngoại giao và sự làm việc tích cực, nhất là Ngân hàng Nhà nước để Hoa Kỳ có đánh giá phù hợp liên quan đến vấn đề tiền tệ của Việt Nam,” theo Thông tin Chính phủ.
Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump khởi xướng cuộc điều tra theo Mục 301 về việc định giá tiền tệ của Việt Nam hồi đầu tháng 10 năm ngoái và 2 tháng sau đó, Bộ Tài chính Mỹ đưa Việt Nam, cùng Thuỵ Sỹ, vào danh sách các quốc gia “thao túng tiền tệ” theo luật thương mại 2015, với nguy cơ bị Mỹ áp thuế lên hàng nhập khẩu vào thị trường này.
Đã có nhiều cuộc đàm phán căng thẳng giữa Việt Nam và Mỹ dưới thời chính quyền Trump, trong đó có cuộc điện đàm giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Trump. Thủ tướng Phúc lúc đó cho biết chính sách tiền tệ của Việt Nam không nhằm cạnh tranh không công bằng với Mỹ. Cuộc điều tra của USTR được tiếp tục dưới thời Tổng thống Joe Biden và Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai hồi đầu tháng này có cuộc gặp trực tuyến với Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh, trong đó bà nêu lên những quan ngại của Mỹ về các hành vi tiền tệ và khai thác gỗ bất hợp pháp của Việt Nam.
Một trong những tiêu chí để Mỹ đánh giá các nước thao túng tiền tệ là có thặng dư thương mại song phương với Hoa Kỳ trên 20 tỷ USD. Việt Nam là nước có mức thặng dư thương mại hàng hoá lớn thứ 3 đối với Mỹ, với gần 69,7 tỷ USD vào năm ngoái – tăng gần 25% so với năm trước đó, theo thống kê của Cục Dân số Hoa Kỳ.
Bộ Tài chính Mỹ, trong báo cáo trình lên Quốc hội hôm 16/4, xác định Việt Nam, cùng Thuỵ Sỹ và Đài Loan, đã vượt ngưỡng để có thể bị coi là thao túng tiền tệ trong năm 2020 nhưng lại nói rằng không có đủ bằng chứng để kết luận rằng Việt Nam và các nước kể trên đang thao túng tỷ giá hối đoái để đạt lợi thế thương mại hoặc cản trở việc điều chỉnh cán cân thanh toán.
“Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành tiếp tục làm việc với các cơ quan chức năng của Hoa Kỳ trong tổng thể Kế hoạch hành động để hướng đến cán cân thương mại hài hoà bền vững giữa hai nước,” Thủ tướng Chính nói tại buổi làm việc với NHNN hôm 17/4.
Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và quốc gia Đông Nam Á này được cho là đã nỗ lực làm “hài hoà hoá” cán cân thương mại với Mỹ bằng cách nhập khẩu nhiều hơn các mặt hàng của Mỹ trong những năm gần đây. Năm ngoái, Việt Nam phê duyệt một dự án điện khí hoá lỏng (LNG) của tập đoàn ExxonMobil của Mỹ ở Hải Phòng trị giá hơn 5 tỷ USD để sử dụng LNG nhập khẩu từ Mỹ. Trước đó, một công ty liên doanh của Mỹ với Việt Nam, LNG Chân Mây, cũng đang có kế hoạch đầu tư tới 6 tỷ USD vào một dự án điện ở Việt Nam để tìm cách thu lợi nhuận từ nhu cầu điện tăng cao của quốc gia Đông Nam Á cũng như giúp thu hẹp thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Việt Nam.