Đường dẫn truy cập

Việt Nam công bố kế hoạch chuyển đổi năng lượng trị giá 15,5 tỷ USD


Các tấm pin mặt trởi bên một tourbine gió ở Nhà máy Điện gió Phú Lạc tại tỉnh Bình Thuận của Việt Nam.
Các tấm pin mặt trởi bên một tourbine gió ở Nhà máy Điện gió Phú Lạc tại tỉnh Bình Thuận của Việt Nam.

Việt Nam đưa ra kế hoạch chi tiết trị giá 15,5 tỷ USD để chuyển đổi khỏi việc sử dụng năng lượng than, nhưng theo AFP, các nhà môi trường cảnh báo rằng kế hoạch này chưa đạt được mức cần thiết.

Quốc gia do Đảng Cộng sản cầm quyền đã cam kết đạt mức phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050, với sự hỗ trợ của chương trình Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), trong đó các quốc gia giàu có phương Tây sẽ giúp các nước đang phát triển chuyển sang sử dụng năng lượng sạch nhanh hơn.

Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính hôm 1/12 công bố Kế hoạch Huy động Nguồn lực (RMP) trị giá hàng tỷ USD bên lề cuộc đàm phán về khí hậu COP28 tại Dubai.

“Việt Nam cam kết thực hiện cơ chế, chính sách thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản lý thông minh,” ông Chính được VOV trích lời nói khi dự lể công bố Kế hoạch.

Thủ tướng Việt Nam kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ 15,5 tỷ USD như cam kết trong Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) mà Việt Nam và các nước phương Tây đạt được cách đây một năm.

Tuy nhiên, các nhà hoạt động môi trường nói với AFP rằng ý định sử dụng các nhà máy đốt than cho đến hết đời hoạt động của Việt Nam cũng như việc thu hẹp không gian xã hội dân sự đã gây ra những lo ngại.

Ông Leo Roberts, nhà chiến lược môi trường của EG3, cho hãng tin Pháp biết rằng kế hoạch của Việt Nam có một số yếu tố "đáng lo ngại", chủ yếu là ý định sử dụng các nhà máy đốt than một cách "linh hoạt" thay vì đóng cửa sớm.

"Điều đó có nghĩa là gì trong thực tế thì vẫn chưa rõ và khó có thể sử dụng chúng một cách rộng rãi," ông Roberts nói.

Nhà chiến lược môi trường này nói thêm rằng nó đã đánh đi một thông điệp rõ ràng rằng Việt Nam đang không chuyển đổi nhanh chóng hoặc ở quy mô cần thiết, "và điều đó không khuyến khích đầu tư vào năng lượng tái tạo," theo AFP.

Phát biểu qua điện thoại bên lề COP28, ông Roberts nói với AFP rằng quá trình chuyển đổi năng lượng thành công cần có ý kiến đóng góp từ tất cả các thành phần trong xã hội.

“Việc thiếu một quy trình tham vấn toàn diện, rõ ràng đã hạn chế quy mô tham vọng của RMP,” ông Roberts nói khi đề cập đến kế hoạch mà Thủ tướng Chính vừa đưa ra tại hội nghị COP28.

Theo kế hoạch, Việt Nam sẽ mở rộng lưới điện, tăng cường lưu trữ pin và đầu tư vào năng lượng gió và năng lượng mặt trời ngoài khơi. Tuy nhiên, các nhà máy than mới sẽ tiếp tục được xây dựng cho đến năm 2030 trong khi chính phủ soạn thảo kế hoạch chi tiết hơn để giải quyết các nhà máy hiện có.

Trong lúc cam kết chuyển đổi năng lượng sạch để nhận các khoản vay và hỗ trợ tài chính từ nhóm G7, Việt Nam đã bỏ tù 5 nhà hoạt động môi trường khi cáo buộc họ tội “trốn thuế”. Một báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc vào tháng trước đã cáo buộc Hà Nội nhắm vào những người bảo vệ nhân quyền.

“Việc đàn áp xã hội dân sự không chỉ làm suy yếu nội dung của RMP mà còn làm suy yếu việc thực hiện nó dễ dàng như thế nào,” ông Roberts nói với AFP.

Ông Andri Prasetiyo, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Senik Châu Á ở Indonesia, đồng tình với quan ngại của ông Roberts.

“Kế hoạch huy động nguồn lực (của Việt Nam) là không thực tế, nó không thực sự đủ tiến bộ,” ông Prasetiyo nói với AFP. “(Việt Nam) sẽ đưa ra tín hiệu trái chiều về năng lượng tái tạo, điều này chắc chắn sẽ nguy hiểm.”

Ông Chính nói khi phát biểu tại Dubai rằng “Việt Nam là nước đang phát triển, có nền kinh tế đang chuyển đối, quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn, độ mở lớn, sức chịu các cú số bên ngoài còn có hạn trong khi Việt Nam phải thực hiện cam kết như một nước phát triển,” theo VOV.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, được VOV trích lời, nói rằng bà ủng hộ kế hoạch huy động nguồn lực để giảm phát thải đáng kể của Việt Nam.

“Hiện năng lượng tái tạo chiếm 36%, dần dần tiến tới 47%, kế hoạch được xây dựng dựa trên yêu cầu của nền kinh tế Việt Nam, sử dụng năng lượng gió, quan trọng hơn giúp cho người dân Việt Nam có nền tảng, kỹ năng cần thiết,” bà von der Leyen nói. “Quá trình chuyển đổi phải công bằng, mang lại thành công cho tất cả mọi người, không để ai bị bỏ lại phía sau. Điều này hoàn toàn có thể thực hiện được.”

Sau Trung Quốc và Ấn Độ, Việt Nam có hệ thống dự án điện than mới lớn thứ ba thế giới, vẫn phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch để cung cấp năng lượng cho nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG