Đường dẫn truy cập

Đằng sau việc Hà Nội đàn áp giới hoạt động môi trường độc lập


Ngân hàng Thế giới khen ngợi những đóng góp của bà Hoàng Thị Minh Hồng. Bà Hồng vừa bị một tòa án ở thành phố Hồ Chí Minh kết án 3 năm tù vì tội "trốn thuế".
Ngân hàng Thế giới khen ngợi những đóng góp của bà Hoàng Thị Minh Hồng. Bà Hồng vừa bị một tòa án ở thành phố Hồ Chí Minh kết án 3 năm tù vì tội "trốn thuế".

Ở Việt Nam không có cái gọi là NGO, mà chỉ có các Trung tâm được thành lập dưới sự bảo trợ, quản lý của một tổ chức trực thuộc đảng.

Mẹ Nấm


Vài năm gần đây, giới hoạt động trong lĩnh vực môi trường độc lập tại Việt Nam liên tục bị đàn áp bởi nhà cầm quyền theo hình thức kết tội “trốn thuế”.

Mặc dù các tổ chức hoạt động theo mô hình NGO – phi chính phủ - được thành lập với tiêu chí phi lợi nhuận và không bị đánh thuế theo Luật doanh nghiệp, nhưng các lãnh đạo như nhà báo Mai Phan Lợi, nhà hoạt động môi trường Ngụy Thị Khanh, Đặng Đình Bách và mới nhất Hoàng Thị Minh Hồng đều bị kêu án “trốn thuế”, và Hà Nội quyết tâm “dọn sạch” các tổ chức độc lập theo hình thức chụp mũ, hình sự hóa theo luật thuế bất chấp áp lực ngoại giao và nỗ lực kêu gọi trả tự do từ cộng đồng quốc tế.

Tại sao việc trấn áp những nhà hoạt động trước nay vốn có vẻ “vô hại” với nhà cầm quyền liên tục diễn ra như thế?

Trước hết có thể thấy, cách đây khoảng 10 năm khi phong trào xã hội dân sự độc lập tại Việt Nam bắt đầu bùng phát dưới thời cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nhà cầm quyền Việt Nam chọn cách trấn áp mạnh tay với các hội nhóm độc lập yêu cầu sửa đổi luật pháp, xóa bỏ điều 258 BLHS (nay là 331) như Mạng Lưới Blogger Việt Nam. Tiếp sau đó No-U, Hội Nhà báo Độc lập, Hội Anh em Dân chủ, Hội Bầu bí tương thân, Hội Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam… lần lượt trở thành mục tiêu khi các tổ chức này chọn cách tấn công trực diện vào Hiến pháp, luật pháp cùng những yêu cầu cải thiện quyền con người.

Sau đó, để đáp ứng một số tiêu chuẩn “cải thiện nhân quyền” của các đối tác ngoại giao phương Tây, Hà Nội cũng từng khuyến khích và cổ vũ các cá nhân, hội nhóm hoạt động theo kiểu cố vấn chính sách như “think tank” hình thành cho có vẻ dân chủ. Kỹ sư Trần Huỳnh Duy Thức, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, giáo sư Nguyễn Huệ Chi và nhiều nhân sĩ trí thức khác là những gương mặt nổi bật ở giai đoạn này. Khi đã đạt được mục tiêu chứng minh với cả người dân trong nước và quốc tế rằng ở Việt Nam có phong trào “phản biện xã hội”, nhà cầm quyền bắt đầu ra tay đàn áp, bắt bớ, và xóa sổ các tổ chức này.

Bên cạnh đó, để chứng minh với thế giới rằng “Việt Nam có nhân quyền, công dân Việt Nam có quyền tự do lập hội” miễn là phải tuân theo khuôn khổ luật pháp của nước CHXHCN Việt Nam, các tổ chức phi lợi nhuận hoạt động dưới hình thức các trung tâm có sự bảo trợ từ một tổ chức của đảng được tạo điều kiện thuận lợi để phát triển. Với lựa chọn này, đảng Cộng sản một mặt chứng minh với thế giới rằng Hà Nội tôn trọng nhân quyền, một mặt nhấn mạnh các hoạt động theo hình thức xã hội dân sự phải nằm trong sự kiểm soát của đảng.

Khi hồ sơ nhân quyền đã được cải thiện, Hà Nội bắt đầu ra tay đàn áp các tổ chức “tưởng chừng vô hại” như trên vì tính độc lập của những cá nhân lãnh đạo các tổ chức này. Nhà báo Mai Phan Lợi, chủ tịch hội đồng khoa học Trung tâm truyền thông giáo dục cộng đồng – MEC cùng cộng sự Bạch Hùng Dương bị kết án trốn thuế. Nhà hoạt động môi trường, người được mệnh danh là “anh hùng khí hậu”, Ngụy Thị Khanh - giám đốc điều hành, đồng thời là người sáng lập Trung tâm Phát triển và Sáng tạo Xanh (GreenID) tại Việt Nam cũng bị bắt với cáo buộc tương tự. Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu pháp luật và chính sách phát triển bền vững (LPSD) - Đặng Đình Bách bị kết án 5 năm tù cũng tội danh trốn thuế. Và mới nhất là nhà hoạt động môi trường nổi tiếng quốc tế, Hoàng Thị Minh Hồng, người sáng lập Trung tâm Hành động và Liên kết vì môi trường và phát triển (gọi tắt là Change) vừa bị TAND Tp.HCM kết án 3 năm tù giam hôm 28/9/2023.

Việc bắt giữ hàng loạt nhà hoạt động môi trường nổi trội như trên khiến cho những người hoạt động xã hội dân sự độc lập trong những lĩnh vực vốn được cho là “an toàn” trở nên co cụm, tê liệt.

Câu hỏi đặt ra là tại sao việc bắt giữ lại xảy ra hàng loạt ở ngay thời điểm này?

Từ tháng 8/2020, Hiệp định Thương mại Tự do Khối liên minh Châu Âu (EU) – Việt Nam (*) với mục tiêu thúc đẩy phát triển bền vững, đặc biệt là thúc đẩy sự đóng góp của các khía cạnh liên quan đến thương mại và đầu tư của vấn đề lao động và môi trường, có hiệu lực. Vai trò của các Trung tâm hoạt động theo mô hình phi lợi nhuận như MEC, GreenID, LPSD, Change được đánh giá rất cao vì đa phần những người sáng lập và lãnh đạo các tổ chức này đều có uy tín với quốc tế và quan trọng hơn hết, họ hoạt động theo đường lối độc lập dù phải chịu sự quản lý của cơ quan chủ quản là các tổ chức trực thuộc đảng Cộng sản. Các trung tâm này đóng vai trò giám sát, thúc đẩy sự minh bạch trong việc giải ngân các gói hỗ trợ từ quốc tế cho Việt Nam trong lĩnh vực môi trường như giảm khí phát thải, điện than, bảo vệ rừng…

Trong bối cảnh Việt Nam đã đạt được thỏa thuận tham gia chương trình hợp tác mang tên Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với G7 và các nước phát triển hồi tháng 12/2022, Khối Liên minh châu Âu, Vương quốc Anh, Pháp, Đức, Hoa Kỳ, Ý, Canada, Nhật Bản, Na Uy và Đan Mạch sẽ tài trợ cho Việt Nam 15,5 tỷ USD với cam kết cắt giảm điện than và chuyển dần sang năng lượng sạch. Số tiền này sẽ được giải ngân cho Việt Nam trong vòng 3 - 5 năm tới. Một trong các điều kiện để gói tài trợ được giải ngân từ các nước phát triển đó chính là yêu cầu có sự tham gia, giám sát của các NGOs độc lập.

Vì thế MEC, GreenID, LPSD, Change với tiêu chí minh bạch theo tiêu chuẩn châu Âu chính là cái gai cần phải sớm nhổ bỏ trong mắt Hà Nội.

Giới quan sát dự đoán, sau khi bắt hết những nhà hoạt động xã hội dân sự độc lập như Mai Phan Lợi, Ngụy Thị Khanh, Đặng Đình Bách, Hoàng Thị Minh Hồng và mới nhất là Ngô Thị Tố Nhiên, sẽ có các tổ chức chân rết, hay các nhóm xã hội dân sự hoạt động theo đúng chủ trương của đảng được cài cắm vào nhằm góp phần “minh bạch”, “dân chủ” trong công tác giải ngân gói tài trợ $15,5 tỷ.

Vậy sau khi Hà Nội xóa bỏ các tổ chức phi lợi nhuận hoạt động theo mô hình NGO trên thì chính quyền sẽ ủng hộ, khuyến khích hình thành hội nhóm kiểu gì?

Trong nhóm phân loại các hoạt động xã hội dân sự như think tank, NGO, còn có một dạng khác là các foundations. Liệu Hà Nội có nhắm tới khuyến khích các foundation ra đời thay thế cho các tổ chức dân sự khác không? Bởi Foundations cũng hoạt động phi lợi nhuận (toàn phần hay một phần) và đóng vai trò cố vấn chính sách, vận động chính trị không kém phần quan trọng. (VinGroup là một trong những nơi đi đầu và lập nên các foundation theo kiểu tư bản có tên gọi là The Vingroup Innovation Foundation (VINIF)).

Giới quan sát chưa thể dự đoán được chính xác chuyện gì sẽ xảy ra sắp tới, khi làn sóng sợ hãi đang khiến giới hoạt động xã hội dân sự độc lập co cụm lại. Nhưng hiển nhiên là ai cũng có thể thấy rằng, việc bắt giữ các nhà hoạt động môi trường nổi trội, có uy tín với phương Tây là quyết định chặn đứng sự giám sát và yêu cầu minh bạch của quốc tế đối với các dự án tài trợ năng lượng, môi trường trong tương lai gần.

Vì thế ở Việt Nam không có cái gọi là NGO, mà chỉ có các Trung tâm được thành lập dưới sự bảo trợ, quản lý của một tổ chức trực thuộc đảng. Và tầng lớp trí thức như Mai Phan Lợi, Ngụy Thị Khanh, Đặng Đình Bách, Hoàng Thị Minh Hồng… dù khéo léo đến mấy nhằm nỗ lực thúc đẩy sự phát triển bền vững của quốc gia, cũng không còn an toàn được nữa.

(*)https://www-eesc-europa-eu.translate.goog/en/sections-other-bodies/other/eu-vietnam-domestic-advisory-group

Houston tháng 10/2023.

Diễn đàn

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

VOA Express

XS
SM
MD
LG