Dùng sự tri ân như một món hàng
Ngày 29/11/2024, Quốc vương Cambodia, Norodom Sihamoni, kết thúc chuyến thăm cấp nhà nước tại Việt Nam. Sự kiện này được báo chí Cambodia như Khmer Times và Thông tấn xã Cambodia đưa tin rầm rộ, nhấn mạnh mối quan hệ truyền thống giữa hai nước (1). Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau, Chủ tịch Thượng viện Cambodia, Hun Sen, bất ngờ xuất hiện tại Bắc Kinh và được Tổng Bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp đón tại Nhà khách Điếu Ngư Đài. Chuyến thăm này, với mục đích chính không hề che giấu – tranh thủ cam kết của Trung Quốc đối với siêu dự án kênh đào Funan – đã khiến nhiều người đặt câu hỏi về chiến lược ngoại giao thực sự của Cambodia (2). Cách Hun Sen hành xử cho thấy một bước ngoặt trong hình ảnh của một nền “ngoại giao tre pheo”. Nếu trước đây chiến lược này có lúc đại diện cho sự khéo léo, mềm dẻo để cân bằng trước các áp lực bên ngoài, thì nay đã biến tướng thành công cụ, nơi Phnom Penh sẵn sàng theo đuổi lợi ích quốc gia bằng bất kỳ giá nào, bất chấp hậu quả đối với mối quan hệ với láng giềng. Đây là sự biến thái từ ngoại giao truyền thống sang kiểu ngoại giao thực dụng, tập trung vào quyền lợi ngắn hạn.
Hun Sen luôn là một nhà lãnh đạo khó đoán định, khi cần thì ca ngợi Việt Nam, lúc bị mếch lòng, lại không ngần ngại tung ra những lời lẽ xúc xiểm, thậm chí tạo ra những hành động đi ngược lại lợi ích của Việt Nam. Đôi lúc, ông cũng không quên lịch sử, từng bày tỏ lòng biết ơn đối với Việt Nam, vì đã giúp đỡ Cambodia thoát khỏi thảm họa diệt chủng của Khmer Đỏ, nhưng ngay sau đó lại sử dụng những phát biểu hoặc động thái như công cụ để củng cố vị thế cá nhân và để chiều lòng Trung Quốc (3). Những lời ca ngợi của Hun Sen nhiều lúc trở thành những tuyên bố đầy toan tính, chỉ là lớp vỏ bọc cho các hành động thực dụng nhằm gia tăng quyền lực trong nước hoặc tranh thủ viện trợ từ Trung Quốc. Sự mâu thuẫn này không chỉ làm xói mòn bang giao giữa Việt Nam và Cambodia, mà còn cho thấy Hun Sen không ngần ngại lợi dụng cả lịch sử lẫn lòng biết ơn như một món hàng đổi chác trong chính trị.
Trong khi Hà Nội đón tiếp Quốc vương Norodom Sihamoni với thái độ nồng nhiệt (4), Hun Sen lại nhanh chóng tìm kiếm sự hậu thuẫn từ Trung Quốc để hiện thực hóa tham vọng xây dựng kênh đào Funan. Công trình này được giới chuyên gia đánh giá là không chỉ tham vọng tạo ra luồng giao thương mới mà điều nguy hiểm là nó rình rập nhiều rủi ro chiến lược nghiêm trọng cho Việt Nam. Nếu được xây dựng, kênh đào Funan có tiềm năng làm thay đổi địa hình chiến lược khu vực, có khả năng sẽ mở đường cho các khu kinh tế do Trung Quốc hậu thuẫn và các nút hỗ trợ hậu cần quân sự ở miền Nam Cambodia (5). Điều này đặc biệt đáng lo ngại trong bối cảnh Cambodia đã cho phép Trung Quốc mở rộng căn cứ hải quân Ream. Căn cứ hải quân này được dự đoán có thể trở thành căn cứ quân sự lớn nhất Đông Nam Á, hiện là tâm điểm của những lo ngại về việc Bắc Kinh sử dụng Cambodia như một bàn đạp quân sự để gia tăng áp lực trên Biển Đông và toàn bộ khu vực Tây Nam Việt Nam (6).
“Phương trình đa biến” Việt – Miên – Trung
Quan hệ giữa Việt Nam, Cambodia và Trung Quốc là một bài toán ngoại giao phức tạp, với nhiều biến số về chính trị, kinh tế, lịch sử và chiến lược đan xen. Trong phương trình này, Cambodia dưới sự lãnh đạo của Hun Sen là một biến số khó lường. Chính sách thực dụng, dựa trên lợi ích tức thời, đã đẩy quan hệ Việt – Miên – Trung vào trạng thái bất ổn trong mấy năm gần đây (7). Với vai trò bên “tung hứng quyền lực” lớn nhất, Trung Quốc từ lâu xem Cambodia như “cánh tay nối dài” trong chiến lược bành trướng ảnh hưởng tại Đông Nam Á. Bắc Kinh không tiếc nguồn lực, từ viện trợ kinh tế, đầu tư hạ tầng đến hỗ trợ quân sự, nhằm đổi lấy sự trung thành của Phnom Penh. Trong bối cảnh này, Hun Sen tận dụng vị trí địa-chính trị của Cambodia để đẩy mạnh hợp tác với Trung Quốc, coi đây như công cụ duy trì quyền lực cá nhân. Cho dù, tham vọng ấy có thể làm suy yếu quan hệ lịch sử vốn có với láng giềng Việt Nam.
Một trong những ví dụ điển hình chính là dự án kênh đào Funan, được Trung Quốc hậu thuẫn và thúc đẩy như một phần trong chiến lược dài hạn kiểm soát Đông Nam Á. Dự án này không chỉ mang ý nghĩa kinh tế, mà còn tiềm ẩn khả năng trở thành công cụ chiến lược, tạo ra lợi thế quân sự cho Trung Quốc trong khu vực (8). Trong mắt Bắc Kinh, Cambodia là “mắt xích yếu” nhưng quan trọng để siết chặt ảnh hưởng tại Đông Dương, gây sức ép lên Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam đã từng giúp Cambodia thoát khỏi thảm họa diệt chủng Khmer Đỏ, coi Cambodia là đối tác quan trọng để bảo vệ ổn định khu vực và biên giới phía Tây Nam. Tuy nhiên, những năm gần đây, sự "đu dây" của Hun Sen, khi thì ca ngợi hữu nghị với Việt Nam, lúc lại nghiêng hẳn về Trung Quốc, đã đẩy Việt Nam vào thế khó xử. Những động thái như thúc đẩy dự án Funan hay mập mờ trong vấn đề biên giới là minh chứng cho sự bất nhất trong chính sách của Hun Sen.
Trong phương trình bang giao này, Việt Nam đứng trước hai thách thức lớn: vừa bảo vệ lợi ích quốc gia trước các áp lực từ Trung Quốc và Cambodia, vừa duy trì quan hệ hữu nghị với Phnom Penh để tránh rơi vào bẫy “tứ bề thọ địch”. Hiện nay, Việt Nam vẫn tăng cường đầu tư kinh tế tại Cambodia nhằm góp phần tạo ra đối trọng chiến lược, mặt khác tiếp tục nâng cao năng lực phòng thủ biên giới phía Tây, giám sát và có kế hoạch ứng phó sít sao đối với các dự án nhạy cảm như kênh đào Funan hoặc căn cứ hải quân Ream (9). Chắc hẳn Việt Nam cũng không loại trừ khả năng liên lạc với lực lượng đối lập Cambodia, tránh phụ thuộc hoàn toàn vào chính quyền hiện tại, từ đó giảm thiểu rủi ro từ chính sách “đu dây” của Hun Sen. “Phương trình đa biến” Việt – Miên – Trung vẫn còn là một bài toán đầy thách thức, đặc biệt khi Hun Sen vẫn là một yếu tố khó đoán định. Tại làng Ba Chúc, một đài tưởng niệm sừng sững giữa trời xanh vẫn như một lời nhắc nhở nỗi kinh hoàng về vụ Khmer Đỏ đã thảm sát hơn 3.157 thường dân vô tội vào năm 1978 (10).
Tham khảo:
(3) https://www.voatiengviet.com/a/hun-sen-hoang-xuan-chien-cach-chuc/6346513.html
(7) https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/vietnam-cambodia-relations-12102021130227.html
Diễn đàn