Những người bất đồng chính kiến Trung Quốc tỵ nạn tại nước ngoài |
|
Ông Doug Bandow, thuộc viện nghiên cứu Cato cho biết:
“Các trường hợp giống như ông Trần luôn luôn là một thách thức cho Hoa Kỳ. Hoa Kỳ tượng trưng cho những vấn đề nhân quyền cơ bản nhất. Hoa Kỳ hô hào dân chủ. Khi đối phó một với quốc gia rất quan trọng như Trung Quốc, Hoa Kỳ không thể lảng tránh những vấn đề đó.”
Nhưng ông Bandow nói Hoa Kỳ không thể bắt Trung Quốc phải đối xử với nhân dân họ tốt hơn:
“Nếu Hoa Kỳ xem vấn đề này là trọng tâm các cuộc thảo luận với Trung Quốc thì các vấn đề khác sẽ chẳng bao giờ giải quyết được. Do đó, tôi nghĩ cách khả thi nhất, là các nhà đàm phán của Mỹ nói với phía Trung Quốc rằng thôi thì chúng ta tạm gác vấn đề này lại, khi nào giải quyết các vấn đề khác như Sudan, Bắc Triều Tiên, Iran, kinh tế và những vấn đề khác thì chúng ta sẽ quay lại.”
Nhưng bà Sophie Richardson, Giám đốc của Human Rights Watch nói sẽ là sai lầm khi tách biệt nhân quyền khỏi các vấn đề khác trong quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ:
“Cho dù hai bên bàn về mức an toàn của sản phẩm, cho dù nói về thương mại hoặc các hợp đồng có được giữ đúng hay không, những vấn đề đó về cơ bản cũng có tiền đề là bảo vệ nhân quyền cơ bản.”
Các giới chức Hoa Kỳ đi theo Bộ trưởng Ngoại giao Clinton và Bộ trưởng Tài chính Geithner cho rằng phản ứng của Bắc Kinh đối với vụ ông Trần Quang Thành, nhất là sau khi xảy ra vụ Bạc Hy Lai, cho thấy sự bất mãn giữa trung ương và địa phương ngày càng tăng tại Trung Quốc.
Một giới chức Mỹ nói với các nhà báo tại Bắc Kinh rằng ông Trần “chỉ muốn trung ương giúp đỡ ông giải quyết những quan tâm và khiếu nại, chủ yếu liên quan đến chuyện gia đình ông và gia đình ông bị chính quyền địa phương ngược đãi.”
Còn trung ương “nhấn mạnh thêm rằng họ sẽ điều tra các hành vi bất chấp luật pháp của chính quyền tỉnh Sơn Đông đối với ông Trần và gia đình.”
Bà Richardson của Human Rights Watch nói một số người bị truy bức một cách tàn bạo giống như ông Trần Quang Thành không đòi loại trừ đảng Cộng sản Trung Quốc, họ chỉ mong luật pháp được áp dụng giống như đã ghi trên văn bản:
“Người dân Trung Quốc xem cuộc vượt thoát của ông Trần Quang Thành và cuộc thanh trừng ông Bạc Hy Lai là một cơ hội để tạo thay đổi. Hai vụ này cũng cho người dân thấy cơ chế của Trung Quốc cũng không miễn nhiễm, và lãnh đạo cấp cao phải đáp ứng các đòi hỏi xã hội loại này, cho dù đó là tham nhũng, bất bình đẳng, kế hoạch hóa gia đình. Áp đặt các chính sách từ trên cao xuống, bất chấp hậu quả là gì, bây giờ không còn là một chọn lựa nữa.”
Chuyên viên Bandow của Cato nói lãnh đạo Trung Quốc cực kỳ bồn chồn lo âu về những cuộc nổi dậy ở Trung Đông và Bắc Phi:
“Họ giống như ngồi trên một núi lửa. Ý tôi muốn nói đảng cầm quyền Trung Quốc không có tính cách chính đáng, ngoại trừ sự phồn vinh kinh tế. Chúng ta thấy có những hoàng tử đỏ, những người ăn theo, sống nhờ di sản của đảng Cộng sản. Đây là một đảng Cộng sản hoàn toàn khác trong lúc các vấn đề như tham nhũng làm nhân dân Trung Quốc khó chịu.”
Về ngắn hạn, ông Bandow nói, đảng Cộng sản có thể truy bức những người bất đồng, nhưng về dài hạn, phong trào bất đồng có thể mang lại thay đổi:
“Ít ra cũng có một người như Thủ tướng Ôn Gia Bảo thừa nhận rằng nếu không cho phép người ta bộc lộ những bất mãn, tình hình sẽ càng nguy hiểm hơn.”
Bà Richardson cho rằng chính quyền Trung Quốc không đại diện cho nhân dân và cũng không quan tâm đến chuyện đối thoại một cách có hệ thống với nhân dân nói chung về những gì mà nhân dân muốn.
Bà tin rằng vụ Trần Quang Thành và Bạc Hy Lai là một cơ hội lớn để Hoa Kỳ và các nước khác quan tâm đến nhân quyền không những chỉ nói hoan nghênh sự tăng trưởng của Trung Quốc mà còn hoan nghênh sự trỗi dậy của nhân dân, người dân muốn chính phủ phải chịu trách nhiệm về các hành động của mình.
Bà tin rằng đây là một cơ hội lịch sử để những nước như Hoa Kỳ nghĩ đến chuyện nới rộng quan hệ với nhân dân Trung Quốc, thay vì với một chính quyền mà mọi người đều biết là không đại diện cho tâm tư, tình cảm của đa số.