Các giới chức Hoa Kỳ đã bác bỏ những tin nói rằng một nhà hoạt động Trung Quốc khiếm thị từng ẩn náu tại đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh gần 1 tuần đã bị buộc phải ra đi.
Ông Gary Locke, đại sứ Mỹ tại Trung Quốc nói với các ký giả hôm thứ Ông rằng ông Trần Quang Thành chưa bao giờ xin tỵ nạn và ông đã chọn ở lại Trung Quốc sau khi chính quyền tại đó hứa bảo đảm an toàn và đối xử nhân đạo với ông và gia đình ông. Ông Locke nói:
“Một lần nữa, ông ấy chưa bao giờ xin tỵ nạn trong lúc trú ngụ trong đại sứ quán, và ngay trong video do ông công bố, ông tuyên bố muốn là một nhà đấu tranh cho tự do ngay tại Trung Quốc. Và ngay những người bạn hoạt động mà ông tiếp xúc trước khi đến tòa đại sứ cũng khẳng định rằng ông không muốn đi Mỹ. Nhưng sự việc là, có vẻ ông Trần đã nghĩ lại sao đó, và chúng tôi muốn giải quyết chuyện đó, cho nên chúng tôi muốn ngồi lại cùng ông và gia đình ông, cả vợ ông nữa, xem thực sự họ nghĩ sao, và cùng tìm hiểu các chọn lựa với họ.”
Ông Trần đã rời tòa đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh hôm thứ Tư, không lâu trước khi Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton tới Trung Quốc hội đàm về vấn đề đẩy mạnh quan hệ kinh tế và chiến lược song phương.
Ông đã được đưa tới một bệnh viện gần đó để điều trị bàn chân bị thương khi trốn khỏi nhà nơi bị quản chế.
Trong vòng vài giờ ông nói với các ký giả và bạn hữu là ông muốn rời khỏi Trung Quốc vì lo sợ cho mạng sống và sự an toàn của gia đình ông.
Bà Victoria Nuland, phát ngôn viên bộ ngoại giao Mỹ, cho biết các giới chức Mỹ đã nói chuyện hai lần với ông Trần và vợ ông hôm thứ Năm và rằng “gia đình họ đã đổi ý về việc có nên lưu lại Trung Quốc hay không.” Bà nói họ cần phải nói chuyện nhiều hơn với ông Trần để tìm hiểu mọi chọn lựa.
Trung Quốc đã phủ nhận những cáo buộc họ đã đe dọa vợ ông Trần. Một phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung Quốc, ông Lưu Vị Dân, nói công dân Trung Quốc được đối xử theo luật của quốc gia.
Trong khi đó, chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Ngoại trưởng Clinton khai mạc các cuộc hội đàm thường niên tại Bắc Kinh về các vấn đề kinh tế và an ninh.
Cả hai không nói thẳng vào những rắc rối ngoại giao trong bài diễn văn khai mạc, nhưng ông Hồ kêu gọi hai chính phủ hãy tìm ra điểm chung và tôn trọng sựï khác biệt của mỗi nước.
Về phần bà Clinton, bà nhấn mạnh tầm quan trọng của nhân quyền và các quyền tự do cơ bản mà không đề cập thẳng về trường hợp ông Trần.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1