Vài ngày trước các cuộc họp song phương thường niên, Hoa Kỳ và Trung Quốc đang giữ thái độ phần lớn trầm lặng về vụ nhà phản kháng mù vừa trốn khỏi tình trạng quản thúc tại gia và được cho là đang được Hoa Kỳ bảo vệ tại thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc.
Nhà ngoại giao hàng đầu về Đông Á, ông Kurt Campbell đã tới Bắc Kinh hôm Chủ nhật. Theo dự kiến, ông sẽ nói chuyện với các giới chức Trung Quốc về ông Trần Quang Thành, một luật sư và là nhà tranh đấu đã bị tuyên án 4 năm tù vào năm 2006 vì đã nêu bật những vụ vi phạm nhân quyền phát xuất từ chính sách một con của Trung Quốc.
Sau khi thụ hết án tù, ông Trần đã bị đặt dưới sự theo dõi nghiêm ngặt tại nhà của ông trong tỉnh Sơn Đông.
Giới tranh đấu nói vụ ông Trần bị quản thúc tại gia phần lớn được thực thi bởi các tay du thủ du thực được các giới chức thuê mướn tại huyện Lâm Nghi.
Giới tranh đấu nói ông Trần Quang Thành đã thực hiện một cuộc bỏ trốn táo bạo ra khỏi nhà của ông hồi tuần trước và đã đi ẩn náu nhiều ngày trước khi xin trú ẩn tại nơi mà nhiều người tin là với các nhà ngoại giao Hoa Kỳ ở Bắc Kinh.
Các giới chức đại sứ quán Hoa Kỳ chưa xác nhận các bản tin.
Vụ rắc rối của ông Trần xảy ra trước cuộc Đối thoại Sách lược và Kinh tế, dự trù bắt đầu vào thứ năm tuần này tại Bắc Kinh.
Ngoại trưởng Hillary Clinton, người trước đây đã làm áp lực chính phủ Trung Quốc đòi phóng thích ông Trần, và Bộ trưởng Tài chính Timothy Geithner dự trù họp với các đối tác để thảo luận về quan hệ và mở rộng phạm vi hợp tác giữa hai nước.
Ông Chu Phong, giáo sư về quan hệ Trung-Mỹ tại trường Đại học Bắc Kinh, gọi vấn đề này là một “củ khoai nóng” – nghĩa là một đề tài tế nhị – cho cả hai nước. Ông nói, “Trước hết, họ muốn duy trì một biện pháp kín đáo, và có một thỏa thuận ngầm rằng không nên làm rùm beng.”
Trong khi vụ ông Trần bỏ trốn đã lên tin hàng đầu trên khắp thế giới, thì không có tin gì về tình trạng của ông trên các cơ quan truyền thông Trung Quốc. Giới kiểm duyệt internet của Trung Quốc cũng đã ém nhẹm mọi thảo luận trên mạng về vụ này.
Ngoài vụ ông Trần, còn có các vấn đề khác dự trù sẽ gây xung đột tại cuộc họp trong tuần này, kể cả khả năng chính quyền Obama có thể chấp thuận việc bán máy bay chiến đấu cho Đài Loan.
Tòa Bạch Oác chỉ nói là đang cứu xét đề nghị bán máy bay, sẽ gây ra sự chỉ trích gay gắt tại Bắc Kinh. Nhà cầm quyền Trung Quốc coi Đài Loan là một phần của Trung Quốc, và coi việc bán vũ khí cho hòn đảo này là một sự can thiệp không được hoan nghênh vào nội bộ của Trung Quốc.
Bởi vì đây là một năm bầu cử ở Hoa Kỳ, giáo sư Chu Phong nói chính quyền Obama đang ở vào một thế rất khó khăn trong các cuộc đàm phán với Trung Quốc. Theo ông, “nguyên tắc cơ bản là Hoa Kỳ không nên nhượng bộ dễ dàng cho Trung Quốc, nhưng đồng thời ông Obama không thể không muốn có một vụ xung đột nghiêm trọng với Trung Quốc về nhân quyền hay về việc bán vũ khí cho Đài Loan vì ông nhận thấy rằng các ảnh hưởng kinh tế và tài chính của Trung Quốc sẽ rất nghiêm trọng.