Đường dẫn truy cập

Truyền thông Trung Quốc chỉ trích Hoa Kỳ và ông Trần Quang Thành


Luật sư mù Trần Quang Thành nói chuyện điện thoại trong lúc đi cùng với Ðại sứ Hoa Kỳ tại Trung Quốc Gary Locke tới một bệnh viện ở Bắc Kinh, ngày 2/5/2012
Luật sư mù Trần Quang Thành nói chuyện điện thoại trong lúc đi cùng với Ðại sứ Hoa Kỳ tại Trung Quốc Gary Locke tới một bệnh viện ở Bắc Kinh, ngày 2/5/2012

Báo chí Trung Quốc đang tăng cường chỉ trích nhân vật bất đồng chính kiến Trần Quang Thành, người đã bỏ trốn đến Bắc Kinh trong tháng trước, và Hoa Kỳ, nước đã cho ông nương náu trong 6 ngày ở đại sứ quán. Từ Bắc Kinh, thông tín viên VOA Stephanie Ho gửi về bài tường thuật sau đây.

Những người bất đồng chính kiến Trung Quốc tỵ nạn tại nước ngoài

  • Phương Lệ Chi: Nhà vật lý thiên văn hàng đầu đã tỵ nạn trong đại sứ quán Hoa Kỳ 13 tháng, sau cuộc đàn áp Thiên An Môn năm 1989. Ông rời Trung Quốc vào năm 1990 và vừa qua đời năm nay tại Mỹ.

  • Ngụy Kinh Sinh: Nhà hoạt động dân chủ chạy sang Hoa Kỳ vào năm 1997 sau hơn 14 năm trong tù.

  • Rebiya Kadeer: Sắc tộc Uighur, bị kết tội xâm phạm an ninh quốc gia, hiện sống tại Hoa Kỳ.

  • Ngô Nhĩ Khai Hy: Lãnh tụ sinh viên đào thoát khỏi Trung Quốc với sự giúp đỡ của một mạng lưới bí mật sau các cuộc biểu tình tại Thiên An Môn.

  • Liêu Diệc Vũ: Nổi tiếng về bài phỏng vấn “Xác chết biết đi” với những người sống bên lề xã hội Trung Quốc, ông chạy qua Đức vào năm 2011.

  • Dư Kiệt: Tác giả một cuốn sách chỉ trích Thủ tướng Ôn Gia Bảo, chạy sang Hoa Kỳ năm 2012 sau khi bị bắt giữ nhiều lần và bị đánh đập.

Mặc dầu câu chuyện dài về ông Trần Quang Thành chiếm ngự các bài tường thuật trên các cơ quan truyền thông quốc tế trong tuần trước về các cuộc đàm phán giữa Washington và Bắc Kinh, câu chuyện này đã bị các cơ quan truyền thông tin tức ở Trung Quốc làm lơ và bị kiểm duyệt trên các trang blog và truyền thông xã hội.

Một vài bài xã luận trên các tờ báo của nhà nước đề cập đến vấn đề chủ yếu tập trung vào lời chỉ trích của Bộ Ngoại giao Trung Quốc về vai trò của Washington trong vụ này. Hôm nay, một bài bình luận trên phiên bản tiếng Anh của báo Global Times lên án Hoa Kỳ là dùng ông Trần như một con cờ trong điều mà họ mô tả là một “âm mưu chống Trung Quốc.” Một bài xã luận trên tờ China Daily tố cáo Hoa Kỳ là vi phạm luật quốc tế chỉ riêng qua sự kiện để cho ông Trần được vào sứ quán. Các giới chức Trung Quốc hôm thứ sáu cho hay ông Trần được tự do nộp đơn xin du hành ra nước ngoài, nhưng phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hồng Lỗi hôm nay tập trung vào việc lập lại sự bất bình của Trung Quốc đối với Hoa Kỳ.

Người phát ngôn Trung Quốc tố cáo Hoa Kỳ là can dự vào nội bộ Trung Quốc. Ông cũng kêu gọi phía Mỹ rút ra một bài học từ vụ việc này và tiến hành điều ông gọi là “các biện pháp cụ thể để duy trì quyền lợi toàn diện của mối bang giao giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.”

Đồng thời, ông không lập lại lời kêu gọi của Bắc Kinh đòi Washington xin lỗi.

Các giới chức Hoa Kỳ đã gọi vụ việc này là “bất thường” và nói họ không trông đợi sẽ xảy ra thêm một lần nữa. Ông Trần là một nhà hoạt động đã bị ở tù 4 năm vì lên tiếng phản đối việc các giới chức kế hoạch hóa gia đình cưỡng bức cư dân triệt sản và phá thai. Sau khi được phóng thích khỏi nhà tù vào năm 2010, ông đã bị theo dõi gắt gao và có tin cho rằng ông còn bị đánh đập nữa, tại nhà ông ở tỉnh Sơn Đông.

Bài xã luận của báo Global Times hôm nay nói rằng việc bỏ tù nhà hoạt động lập pháp khiếm thị này cách đây vài năm không phải vì việc ông giúp những người bất hành mà là vì một sự xung đột về quyền sử dụng nước.

Bài báo nói ông Trần đã xung đột với hàng xóm bởi vì ông đào một cái giếng hút nước của họ. Các cố gắng tiếp xúc với ông Trần hôm nay đều không đem lại kết quả.

Ông Trần đã thực hiện một vụ bỏ trốn ngoạn mục ra khỏi tình trạng quản thúc tại gia hồi tháng trước và xuất hiện tại sứ quán Hoa Kỳ ở Bắc Kinh. Ông vẫn còn đang được điều trị tại một bệnh viện ở Bắc Kinh về những thương tích gây ra trong vụ bỏ trốn đó. Trong một cuộc phỏng vấn quan Skype hôm nay, người bạn và có cùng chí hướng với ông là bà Hà Bội Dung nói với hãng tin Reuters rằng ông Trần đã tự mình hoạch định cuộc bỏ trốn ra khỏi căn nhà bị canh gác cẩn mật.

Bà Hà Bội Dung cho biết đôi khi ông nghỉ tạm trong một chuồng heo hay một cánh đồng, và ông đã nhẩy qua nhiều bức tường.

Bà nói bà đã nhận được một điện thư của một thành viên trong gia đình ông Trần sau khi ông bỏ trốn, và sau đó giúp lái ông đến Bắc Kinh sau khi ông đi thoát khỏi thôn xã của mình.

Giáo sư luật khoa Jerome Cohen của trường Đại học New York tỏ ý hy vọng rằng tin tức nói rằng các giới chức Trung Quốc đã gặp ông Trần trong mấy ngày vừa qua là một dấu hiệu tốt.

Giáo sư Cohen hy vọng dấu hiệu mà Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra hôm thứ sáu nay sẽ được tôn trọng và sẽ dẫn tới việc ông Trần mau chóng được ra đi và đến Hoa Kỳ.

Ông Cohen là người đã giúp cố vấn cho ông Trần trước khi nhân vật bất đồng chính kiến này quyết định rời khỏi sứ quán Hoa Kỳ hồi tuần trước và nói rằng ông hy vọng các giới chức Trung Quốc cũng đang thảo luận về các tình huống của việc ông Trần trở lại Trung Quốc.

Trường Đại học New York đã dành một học bổng cho ông Trần. Ông Trần nói ông mong rằng Bắc Kinh sẽ để cho ông và gia đình đi Hoa Kỳ mà không gặp thêm rắc rối nào khác, nhưng ông nói thêm rằng ông không chắc ông sẽ phải mất bao lâu để hoàn thành thủ tục du hành. Phó Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden cho hay Hoa Kỳ sẵn sàng cấp thị thực cho ông Trần “ngay tức khắc.”

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG