Đường dẫn truy cập

Ông Trần Quang Thành lo ngại cho gia đình lúc nói chuyện với các nhà lập pháp Mỹ


Nhà hoạt động khiếm thị Trung Quốc Trần Quang Thành trong một cuộc phỏng vấn.
Nhà hoạt động khiếm thị Trung Quốc Trần Quang Thành trong một cuộc phỏng vấn.

Luật sư nhân quyền mù ở Trung Quốc, ông Trần Quang Thành, phát biểu trong một cuộc điều trần của Quốc hội Hoa Kỳ hôm thứ Ba là ông lo ngại về những ngược đãi mà thân nhân ông phải đối mặt sau khi ông trốn thoát khỏi lệnh quản thúc tại gia vào tháng Tư và vào tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Bắc Kinh. Việc ông Trần tìm kiếm và nhận được sự bảo vệ của Hoa Kỳ đã làm bùng ra những cuộc đàm phán gay go giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc. Sau đó ông được đưa đến một bệnh viện tại Bắc Kinh và hiện ông đang chờ nhà cầm quyền Trung Quốc chấp thuận yêu cầu được sang Mỹ du học.

Các nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc tỵ nạn ở nước ngoài

  • Phương Lệ Chi: Nhà vật lý thiên văn hàng đầu đã tỵ nạn trong đại sứ quán Hoa Kỳ 13 tháng, sau cuộc đàn áp Thiên An Môn năm 1989. Ông rời Trung Quốc vào năm 1990 và vừa qua đời năm nay tại Mỹ.

  • Ngụy Kinh Sinh: Nhà hoạt động dân chủ chạy sang Hoa Kỳ vào năm 1997 sau hơn 14 năm trong tù.

  • Rebiya Kadeer: Sắc tộc Uighur, bị kết tội xâm phạm an ninh quốc gia, hiện sống tại Hoa Kỳ.

  • Ngô Nhĩ Khai Hy: Lãnh tụ sinh viên đào thoát khỏi Trung Quốc với sự giúp đỡ của một mạng lưới bí mật sau các cuộc biểu tình tại Thiên An Môn.

  • Liêu Diệc Vũ: Nổi tiếng về bài phỏng vấn “Xác chết biết đi” với những người sống bên lề xã hội Trung Quốc, ông chạy qua Đức vào năm 2011.

  • Dư Kiệt: Tác giả một cuốn sách chỉ trích Thủ tướng Ôn Gia Bảo, chạy sang Hoa Kỳ năm 2012 sau khi bị bắt giữ nhiều lần và bị đánh đập.

Ông Trần cho biết từ khi ông bỏ trốn hồi tháng trước trong lúc bị quản thúc tại gia, cả người cháu và người anh của ông đã bị nhà cầm quyền Trung Quốc đánh đập.

Phát biểu qua điện thoại từ bệnh viện tại Bắc Kinh, ông Trần nói nhà chức trách địa phương và các tay côn đồ được thuê mướn đã đột kích nhà anh ông vào lúc nửa đêm ngày 26 tháng Tư và sau đó mang anh ông đi không có lời giải thích.

Trong cuộc nói chuyện với các thành viên của Tiểu ban ngoại giao Hạ viện, ông Trần nói những tên côn đồ đánh đập anh ông và người trong gia đình một cách tàn nhẫn.

Ông Trần Quang Thành nói cháu ông, Trần Khắc Quý, cũng bị đánh đập một cách dã man trong vụ ruồng bố và một số người tấn công ông Quý đã bị thương trong lúc xô xát. Ông Trần Khắc Quý bị truy tố về tội mưu sát, nhưng ông Trần Quang Thành nói cháu ông đã hành động để tự vệ.

Ông Trần nói cháu ông bị đánh đập một cách tàn bạo, mặt mày đầy máu và quần áo bị rách tả tơi. Ông Trần nói 3 giờ sau vụ tấn công, mặt cháu ông vẫn còn chảy máu.

Tại cuộc điều trần, nhà hoạt động nhân quyền Phó Hy Thu nêu lên sự kiện là nhà cầm quyền Trung Quốc đã ngăn chận nỗ lực tìm luật sư cho ông Trần Khắc Quý. Nhà cầm quyền đã rút giấy phép hành nghề của một số luật sư và cấm những luật sư khác đến tỉnh Sơn Đông, nơi người cháu của ông Trần Quang Thành bị giam giữ.

Ông Phó Hy Thu nói: "Tôi vô cùng quan tâm về việc chính phủ Trung Quốc, đặc biệt là chính quyền huyện Lâm Nghi, sẽ dựa trên những tố cáo ngụy tạo để dàn dựng một phiên xử và sẽ nhanh chóng đưa ra một bản án rất nặng cho ông Trần Khắc Quý."

Vào năm 2006, ông Trần Quang Thành bị kết án 4 năm tù vì đã phanh phui những hành vi chà đạp nhân quyền mà các giới chức Trung Quốc đã thực hiện trong lúc thi hành chính sách cưỡng bức phá thai để kiểm soát dân số. Sau khi được thả khỏi nhà tù vào năm 2010, ông Trần bị giam giữ tại gia một cách nghiêm nhặt. Ông trốn thoát vào ngày 22 tháng 4 vừa qua và sau đó vào tòa đại sứ Mỹ ở Bắc Kinh và cư ngụ tại đây trong 6 ngày.

Cuộc điều trần qua điện thoại hôm thứ Ba là cuộc điều trần thứ nhì của ông Trần Quang Thành trước Quốc hội Hoa Kỳ trong vòng chưa đầy hai tuần lễ. Khi được dân biểu Chris Smith đảng Cộng hòa, chủ tịch Tiển ban Ngoại giao Hạ viện, hỏi ông có muốn nói gì với dân chúng Hoa Kỳ hay không, ông Trần cho biết ông biết ơn những người quan tâm đến tình trạng của ông và gia đình ông.

Ông Trần cũng nói ông không phải là một người anh hùng, mà chỉ là một người làm theo lương tâm của mình. Ông nói ông không thể im lặng khi phải đối mặt với hành vi tội ác nhắm vào phụ nữ và trẻ em, như cưỡng bách phá thai.

Ông Trần nói các nhà ngoại giao Hoa Kỳ được yêu cầu không làm ồn ào vụ này giữa lúc những cuộc thảo luận đang tiếp tục với đối tác Trung Quốc về kế hoạch đưa ông đến New York để học thêm.

Trong một cuộc phỏng vấn với Đài VOA sáng thứ Ba, ông Trần nói một viên chức Trung Quốc, được lệnh của chính phủ trung ương, vừa mới đến bệnh viện để thảo luận chi tiết về chuyến đi Hoa Kỳ của ông.

Ông Trần nói tuy chưa có nhiều tiến triển, ông nghĩ là chuyến đi của ông rồi ra sẽ được thực hiện.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Victoria Nuland hôm thứ Ba tuyên bố Hoa Kỳ đã hoàn tất tiến trình cấp visa cho ông và visa đã sẵn sàng từ hơn một tuần nay.

Ông Trần Quang Thành cho biết mẹ ông và cháu trai của ông hiện này có thể đi quanh quẩn trong làng mà không bị theo dõi. Tuy nhiên, anh ông bị cấm không được ra khỏi nhà vì những cáo trạng mà chính quyền đưa ra đối với người con trai của ông ấy.

Trong cuộc họp ngày hôm nay ở Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc bác bỏ tố cáo của ông Trần Quang Thành.

Phát ngôn viên Hồng Lỗi cũng lập lại yêu cầu đòi Hoa Kỳ tạ lỗi về vụ ông Trần Quang Thành vì điều mà Trung Quốc cho là can thiệp vào công việc nội bộ.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG