Đường dẫn truy cập

TQ trục xuất ký giả nước ngoài lần đầu tiên trong vòng 14 năm


Phóng viên của đài Al-Jazeera Melissa Chan tại văn phòng ở Bắc Kinh, ngày 8/5/2012
Phóng viên của đài Al-Jazeera Melissa Chan tại văn phòng ở Bắc Kinh, ngày 8/5/2012

Trung Quốc đã trục xuất ký giả Melissa Chan của đài truyền hình al Jazeera Anh ngữ, vì lý do mà nhiều người cho là sự tức giận của chính phủ ở Bắc Kinh đối với một cuốn phim tài liệu do đài này thực hiện hồi tháng 11. Theo tường thuật do thông tín viên Stephanie Ho của đài VOA gởi về từ Bắc Kinh, đây là lần đầu tiên một phóng viên nước ngoài bị trục xuất trong vòng 14 năm.

Bà Melissa Chan làm phóng viên ở Trung Quốc cho đài truyền hình al Jazeera Anh ngữ từ năm 2007, chuyên tường thuật về những vấn đề như thiên tai, tham nhũng, rối loạn sắc tộc, và giam giữ người trái phép.

Nhưng bà Chan không liên can gì tới câu chuyện mà nhiều người nói là đã làm cho chính phủ Trung Quốc tức giận: một cuốn phim tài liệu nói về nạn cưỡng bách lao động ở các nhà tù Trung Quốc và tố cáo chính phủ Trung Quốc về nạn nô lệ do nhà nước bảo trợ.

Một số những người được phỏng vấn trong cuốn phim này là những cựu tù nhân của hệ thống nhà giam được gọi là lao động cải tạo hay lao cải.

"Chúng tôi bị nhốt trong tù. Chúng tôi không hề được trả lương. Những ai không chịu làm việc sẽ bị đánh đập."

Phim tài liệu này cho rằng lao động không được trả lương ở các nhà tù, thực hiện bởi những người bị bắt giam mà không được tòa án xét xử, đã góp phần giúp cho kinh tế Trung Quốc tăng trưởng một cách nhanh chóng.

Ông Peter Ford, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Ký giả Ngoại quốc ở Trung Quốc, gọi tắt là FCCC, nói rằng phim tài liệu này là một trong các lý do khiến chính phủ ở Bắc Kinh không gia hạn visa cho bà Chan.

Ông Ford cho biết: "Lập trường của FCCC chúng tôi là không chấp nhận việc chính phủ dùng nội dung biên tập như một tiêu chuẩn để cấp phát hoặc thu hồi visa của ký giả."

Ông Ford là một trong các nhà báo tham dự cuộc họp báo thường lệ tại Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày hôm nay và yêu cầu phát ngôn viên Hồng Lỗi nói rõ lý do tại sao chính phủ Trung Quốc không gia hạn visa cho bà Chan.

Ông Hồng Lỗi đã yêu cầu các ký giả nước ngoài làm việc ở Trung Quốc tuân thủ các luật lệ và qui định.

Ông Hồng Lỗi nói rằng Trung Quốc cũng tuân hành những luật lệ và qui định về ký giả nước ngoài. Ông nói thêm rằng các nhà báo biết rõ qui định nào đã bị vi phạm, nhưng ông không cho biết chi tiết hoặc thông tin nào khác, trong một hành động vốn đã trở thành một cách trả lời tiêu chuẩn của Trung Quốc.

Ông Hồng Lỗi cũng không trả lời khi được hỏi tiếp là các nhà báo nước ngoài có thể đến đâu để tìm hiểu về những gì được chính phủ Trung Quốc xem là “những qui định có liên quan”.

Ông Ford cho biết ông cảm thấy lo ngại bởi vì Bắc Kinh rõ ràng là qui lỗi cho ký giả Chan vi phạm các luật lệ và qui định nhưng họ lại không chịu giải thích kỹ lưỡng.

Ông Ford nói: "Nếu chính phủ Trung Quốc không nêu rõ những luật lệ và qui định nào mà bà ấy vi phạm thì chúng tôi phải tin rằng họ đuổi bà ấy đi vì hoạt động tường thuật của bà ấy, vì hoạt động tường thuật của kênh truyền hình mà bà ấy làm việc, về những sự việc ở Trung Quốc. Vì vậy, chúng tôi thật sự lo ngại là chính phủ đang dùng vụ việc này để đe dọa các nhà báo và cảnh cáo với họ là nếu họ tường thuật những sự việc ở Trung Quốc theo một cách thức mà chính phủ Trung Quốc không thích thì visa của họ có thể bị thu hồi."

Đài al Jazeera Anh ngữ đã đưa ra một thông cáo bày tỏ sự thất vọng. Họ nói rằng họ sắp sửa đóng cửa văn phòng ở Bắc Kinh vì Trung Quốc không gia hạn thẻ nhà báo cho bà Chan mà cũng không chấp thuận yêu cầu được gởi phóng viên khác tới thay. Văn phòng al Jazeera tiếng Ả Rập ở Bắc Kinh không bị ảnh hưởng.

Đây là lần đầu tiên Trung Quốc trục xuất một nhà báo nước ngoài kể từ năm 1998, khi Bắc Kinh không gia hạn visa cho một nhà báo Nhật và một nhà báo Đức.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG