Đường dẫn truy cập

Tư Long


Tư Long
Tư Long

2.

Những tia sáng của mặt trời chiếu qua song khung cửa đánh thức tôi dậy.

Suốt đêm tôi đã ngủ theo kiểu duỗi chân và lưng tựa tường. Người cùng tù cũng ngủ theo cách đó. Nếu không có thêm một người thứ hai có thể ông ta đã nằm co gối ngủ được. Tôi thấy ông đang nhìn mình. Hai con mắt thụt sâu vào như hai cái hố. Cả khuôn mặt như cái đầu lâu của người chết nếu bóc đi làn da nhăn nheo. Đầu ông ta không có lấy một sợi tóc. Tôi gần bốn mươi tuổi. Ông gần năm mươi hai. Hơn nhau một con giáp, ông ta nói như vậy đêm qua, nhưng nhìn ông tôi tưởng đó là người của trăm năm. Hay đúng hơn, một người đã chết vừa đội mồ đứng dậy. Hai cánh tay khẳng khiu da bọc xương của ông xếp lại đặt lên bụng, cả hai bàn tay ấp lên sợi xích sắt. Ông mặc quần đùi. Hai ống xương chân như hai cây que. Và một sợi xích sắt khác buộc vào sát cổ chân. Mùi hôi từ thân thể ông ta bốc ra cùng với cái thùng nhỏ bằng nhựa đặt ở phía tay phải tôi.

"Nè, người anh em…" Ông nói.

Tôi nhìn thấy quai hàm ông cử động. Quả thật đêm qua tôi đã hình dung ông ta khác hẳn con người bằng xương - chớ không bằng thịt trước mắt tôi.

"Không sợ hãi. Không căm thù." Ông ta tiếp, "Rượu đã rót ra rồi phải uống, uống cho đến cặn." Ông ta lặp lại những lời tôi đã nghe đêm qua.

Nhưng mà tôi không hiểu gì hết. Tôi nhớ Quỳnh, nhớ con tôi, nhớ khuôn mặt của Tâm Khô-Khốc-Thiền-Sư khi nhắc đến chuyện vợ con đã bị làm mồi cho biển cả trong chuyến vượt biên. Cái hình ảnh Nam đứng với tôi trên con đường nhỏ trước một ngôi nhà ở Phú Nhuận, dưới chân đầy những sổ thông hành, bỗng nhiên hiện ra trong trí tôi. Năm năm rồi, Nam đã bị chế độ mới bắt nhốt giam giữ tù đày ra tận miền Bắc. Những tin tức vọng về cho biết Mùa Hè Đỏ Lửa luôn luôn dũng cảm. Bố là đảng viên trung kiên không thuyết phục được Nam "phản tỉnh" về những gì anh đã viết. Bố anh không cứu được anh, hay không dám cứu anh. Mà Nam cũng chẳng cần kêu cứu. Sự can đảm của người trong tù luôn luôn là liều thuốc khích lệ những kẻ ngoài tù. Kỳ lạ không, chính những con người như tôi đã sống bằng hy vọng của những người đang bị giam hãm. Ký cũng đi tù chỉ để bên ngoài mối "sầu ở lại." Lộc trình diện quân quản mang theo những kỷ niệm tình ái của Sorbonne Paris, những đêm say ngất trời Chợ Đủi. Yvonne, Denise, Catherine, Rosalie, Dominique…tóc vàng sợi nhỏ…, hắn mang tuốt luốt theo vào nhà giam. Nghĩa biến mất. Phùng biệt tăm. Đình thu mình vào khu làng báo chí Thủ Đức. Những chuyến vượt biên hụt, những lời nói mở ra đóng lại, hoài nghi cả người thân ruột thịt…Kiệt đâu? Tôi chợt nhớ đến người học trò đã đưa tôi đi xem ghe. Tôi lo cho Kiệt. Tôi sợ chú nhỏ không chịu nỗi những nhục nhằn. Nỗi đau khổ về cái chết của người cha chưa nguôi trong trái tim chú, bây giờ chính chú gánh thêm trên vai những điều đau đớn khác. Những điều tôi từng giảng trong lớp học, tôi nghiệm ra chưa đủ giải tỏa cho tôi, liệu nó có giải tỏa được gì cho Kiệt. Đau khổ sẽ tăng lên nếu nó đi sau một hạnh phúc. Niềm vui lúc nào cũng lớn sau một điều bất hạnh. Hạnh phúc chỉ là khoảnh khắc, và tình yêu cũng không là vĩnh cửu. Và Niccolo Machiavelli? A, tôi nhớ ra rồi, "kẻ thiết lập một nền độc tài mà không giết Brutus, thì chắc chắn ba bảy hai mươi mốt ngày…" Nhưng nó là cái gì. Chế độ mới nó là bá đạo hay vương đạo? Vương thế nào được! Machiavélisme.

Cánh cửa phòng bỗng xịch mở. Mở hé thôi. Một bàn tay đẩy vào hai chén cơm. Cơm không, không có thứ gì khác. Cánh cửa đóng lại. Bây giờ tôi mới nghe tiếng khóa. Tôi bưng chén cơm đưa cho người cùng tù. Ông ta không buồn cầm. Hai con mắt ông ngó chén cơm, chân phải ông co lại, duỗi ra, sau đó chân trái ông làm một động tác y như vậy. Tôi nhìn ông, đặt chén cơm xuống đất. Tôi thấy đói, đói lắm. Tôi dúm tay bốc cơm. Tôi ăn bằng những ngón tay. Tôi nghe vị ngọt ở đầu lưỡi. Những hột cơm đi qua cuống họng, sau khi đã bị răng nghiền nát, thơm như mùi chả ram. Mắt tôi, cả thân thể tôi chằm chằm vào chén cơm. Tôi đói như chưa bao giờ đói như thế. Bỗng nhiên có một cái gì đó nhói trong đầu tôi. Tôi ngước nhìn lên, người tù già đang nhìn tôi. Tôi đặt chén cơm xuống đất. Nhưng ngón tay tôi còn dính một hột cơm. Tôi không biết để vào đâu bàn tay của mình.

"Ông không đói sao?"

"Không." Ông ta lắc đầu. "Chưa tới giờ ăn của tôi." Ông tiếp tục nhìn tôi đỗi lâu, tiếp, "Mà người anh em chưa ăn uống mấy bữa rồi?"

Tôi nhớ lại lúc bước chân xuống xe lam ở Rạch Sỏi. Hình như hai ngày tôi không có gì bỏ bụng. Tôi có được uống nước, nhưng ăn thì không. Tôi không muốn trả lời người tù già. Tôi thấy đói. Tôi đang đói. Người ta không chỉ sống bằng bánh mì. Ai nói vậy? Người ta đâu chỉ sống bằng cơm gạo. Đúng vậy. Nhưng không có bánh mì, cơm gạo thì trước hết người ta sống bằng cái gì? Tôi cúi xuống vét tiếp những hột cơm còn thừa trong chén. Tôi làm sạch không còn một hột. Tôi xòe bàn tay ra. Tôi gặm những ngón tay còn vướng cơm. Tôi biết người tù già đang nhìn tôi. Mặc kệ. Tôi phủi tay, tựa lưng vào vách nhà giam. Tôi thở.

"Nè, người anh em…" Người tù gọi.

Tôi nhìn ông. Chiếc đầu không sợi tóc của ông như cái đầu lâu. Những hốc mắt, hố mũi, hố miệng, răng. Một xác chết biết nói.

"Kêu tôi là Tư Long."

Tư Long kể ông ta là đảng viên, là cựu thành viên Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng. Tư Long hoạt động nội thành, làm nghề lái tắc xi. Trong vụ Tổng tấn công Tết Mậu Thân, quân "giải phóng" bị bại nặng khi quân lực Việt Nam Cộng Hòa phản công mạnh. Bộ đội vừa đánh vừa tháo chạy. Nhiều tên lạc đường bị bắt. Lúc đó Tư Long phụ trách một đường dây. Tư Long chở hai người bộ đội bị thương đi "ém" ở một địa điểm gần xã Bình Chánh. Tư Long quen một bác sĩ quân y Saigon. Tư Long đến than với người y sĩ là vợ mình bị bệnh nặng sắp chết. Người y sĩ bị cấm trại, vừa xếp đặt với một đồng nghiệp về thăm nhà mấy tiếng đồng hồ, thấy tình cảnh đáng thương của Tư Long nhận lời. Tư Long chở ông ta đến chỗ ém mấy người bộ đội bị thương, bắt điều trị. Sau khi Tư Long đưa bác sĩ quân y trở về, một người bộ đội được cứu đưa ra bưng trở lại. Người kia đang hấp hối. Khi người bác sĩ quân y trở về anh ta cũng vừa tắt thở. Tư Long đành chôn người bộ đội tại chỗ. Tư Long bị nghi là cấu kết với "sĩ quan ngụy" giết bộ đội. Tư Long bị gọi vô bưng, bị bắt giam một nơi trong rừng. Nhà tù của "quân giải phóng" là một cái hầm sâu trên ba thước, bên trên được đậy bằng một tấm phên tre và phủ bằng các nhánh cây. Ban đêm tù nhân bị còng dính chung vào một thanh sắt dài và nặng, không cách nào đứng dậy được. Muốn tiểu tiện gì phải "đi" tại chỗ. Phần ăn mỗi ngày một bữa, khoai mì và muối. Đói là căn bản. Cho nên ban ngày hay ban đêm, bất cứ lúc nào vồ được con nhái, con cào cào là bỏ ngay vào miệng ngấu nghiến. Tư Long bị tù từ trong rừng tù ra. Tư Long nói tù ở đây sướng hơn tù ở rừng. Mặc dầu cơm chỉ được ngày một bữa, nhưng là cơm chớ không phải khoai mì. Vả lại tuy bị cùm chân còng tay, nhưng là cùm chân một mình chứ không phải cùm chung bằng một thanh sắt dài. Tư Long nói có lần đau khổ quá không chịu nổi, Tư Long buột miệng niệm Phật Quán Thế Âm Bồ Tát, tên bộ đội canh giữ tình cờ nghe được đập cho một báng súng AK. Tư Long bị quy thêm tội tư sản, lạc hậu, mê tín, dị đoan!...

Người ta muốn đem Tư Long ra xử, nhưng không biết xử như thế nào cho phải. Tư Long có thành tích cách mạng, có tuổi đảng, nhưng Tư Long chỉ có một tội là bị tình nghi. Lúc đầu Tư Long lý luận mình không có làm gì sai trái, trước sau chi rồi "đảng" cũng sẽ rõ, sẽ thấu, sẽ trả tự do cho mình, sẽ được minh oan. Cá nhân mình có phải gánh chịu một vài đau khổ thì có sá gì với nỗi khổ đau của cả dân tộc. Tư Long lý luận kiểu đó để an ủi mình nhưng dần dà niềm tin được ngọn đèn "công lý cách mạng" chiếu rọi bị lung lay. Tư Long nhiều lần nói với người coi tù xin được đưa ra tòa án xét xử. Nhưng lời kêu xin của ông như tiếng kêu trong sa mạc. Có lần Tư Long nài nỉ xin được tờ giấy cây bút, Tư Long làm đơn gửi lên trên xin sớm được đem ra xét xử. Nhưng một lần nữa tiếng kêu của ông không hề được vọng lại. Tư Long mòn mỏi chờ, mỗi ngày thêm một tuyệt vọng. Tư Long bắt đầu chửi, chửi từ trên xuống dưới. Tư Long đem tên tuổi tất cả lãnh đạo đảng ra phỉ báng. Có lần Tư Long đánh người coi tù đưa cơm, vì "câm miệng hến" nhất định không trả lời bất cứ câu hỏi nào của Tư Long. Tư Long bị cùm tay cùm chân, nhốt riêng. Ít lâu sau Tư Long không chửi nữa. Người ta tháo cùm cho Tư Long. Tư Long bóp cổ người coi tù. Tư Long vượt ngục hụt. Tư Long bị cùm cả tay chân trở lại. Tư Long đang chết mòn trong chờ đợi thứ ánh sáng công lý mà có lúc Tư Long tin tưởng.

Tôi hiểu tại sao Tư Long nói với tôi "tội tình nghi" chắc là sẽ ở lâu.

Tư Long hỏi:

"Nè, người anh em…ở đâu vậy?"

" Sài Gòn."

"Đường nào?"

"Đường Võ Tánh. Khu Mã Lạng."

"Gần rạp Quốc Thanh phải không?"

"Sao ông rành vậy?"

"Trời, dân tắc-xi mà!"

Ông nhắc thời kỳ chạy tắc-xi ở Sài Gòn. Nghề tắc-xi có nhiều kỷ niệm.

"Tội nghiệp cái ông đại uý bác sĩ có lần bị tôi gạt. Không biết ổng có đi vượt biên được không?"

"Nếu đi không được cách mạng cũng phải đền ơn đáp nghĩa ổng chớ! Ổng đã từng cứu người của cách mạng mà!"

"Mà ai làm chứng là ổng có cứu người của cách mạng? Người nào? Ở đâu? Hồi nào?"

"Thì ông làm chứng."

Tư Long khua sợi xích sắt cười không ra tiếng.

"Nè, người anh em…Tổ mẹ nó, tui như vầy tôi còn làm chứng cho ai!"

Tôi không ở lâu với Tư Long. Một tuần sau tôi được cho ra ngoài. Chân tôi đã hết đau từ hôm nào tôi cũng không rõ. Tôi có một chỗ nằm bên rãnh nước chảy từ nơi rửa chén của cái giếng giữa nhà giam. Tôi hít thở được khí trời. Thỉnh thoảng trong đêm tôi nghe tiếng xích sắt khua trong xà lim của Tư Long.

Tôi không biết bao giờ mình được đem ra xét xử. Tôi không biết Quỳnh và con bây giờ sống chết ra sao. Tôi ở đây cứ cho là yên thân đi. Tôi thấy mình lo cho người thân ở ngoài hơn là lo cho chính bản thân tôi.

Cũng như Tư Long, tôi chờ đợi.

Tôi không phải chờ đợi lâu. Một tuần sau khi được đưa ra nằm bên rãnh nước rữa chén, tôi bị tên coi ngục đánh thức đi "làm việc" vào lúc nửa khuya về sáng. Người công an chấp pháp ngồi trước mặt tôi khá quen. Cô tên Nhị Hà.

Trích Bụi Và Rác – Chương Mười Hai /Phần 2

* Blog của nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

XS
SM
MD
LG