Đường dẫn truy cập

Ngã ở Rạch Sỏi


Ngã ở Rạch Sỏi
Ngã ở Rạch Sỏi

Chiếc xe đò đi Rạch Giá chật ních người. Kiệt đã lấy cho tôi một chỗ ngồi cạnh bác tài. Trong túi tôi đang có một tấm giấy công tác do ông Công cấp. Trên tay tôi là tờ Quân Đội Nhân Dân. Bản tin lớn trang nhất mô tả trận đánh ở vùng biên giới Việt Nam – Kăm-pu-chia, tôi đọc thấy lời khai của một tên Khmer Đỏ nói nay mai người Khmer sẽ chiếm lại Sài Gòn, vì Sài Gòn là của dân tộc Khmer. Thế là thế nào? Khmer Đỏ là Cộng Sản, Hà Nội cũng là Cộng Sản. Còn nhớ trên một tờ báo ảnh của Hà Nội mà tôi đọc thấy sau ngày mất Saigon có hình Pol Pot bắt tay Trường Chinh, trang trước Sihanouk ôm hôn Phạm Văn Đồng… Thế là thế nào? Tôi xếp tờ báo lại. Trong đầu tôi lúc nào cũng nghĩ đến một chuyến đi. Đi bất cứ nơi đâu miễn không phải là Sài Gòn, không phải là Việt Nam. Sài Gòn giờ đây là những tổ dân phố, công an phường, công an quận, là những chợ trời, những quán cà phê vỉa hè, những chiếc ghế bằng gỗ tạp thấp tè đóng vội vàng, và cơm nguội bắp rang, vỏ măng cụt trộn lẫn với cà phê. Sài Gòn của hoài nghi. Sài Gòn của những tin đồn. Gặp nhau, người ta hay hỏi thăm về những người vắng mặt. Người đang bị tù thì tưởng là đã đi rồi. Còn người đã đi được rồi thì đôi khi cứ tưởng như vừa mới gặp hôm qua, hay vẫn còn quanh quẩn đâu đây.

Xếp tờ báo lại, tôi hỏi bác tài bao giờ sẽ đến Rạch Giá. Ông ta nhìn tôi cười:

“Vượt biên sao mà nôn nóng dữ vậy cha nội!”

“Đừng nói giỡn, tù mọt xương ông à!”

“Thì nói giỡn mà! Đất nước độc lập thống nhất rồi ai ngu dại gì bỏ đi đâu chi cho nó cực.” Ông ta vừa nói vừa nheo mắt nhìn tôi cười mỉm. “Nè, tui hỏi thiệt,” giọng ông nhỏ hẳn lại, “đi Rạch Giá chi vậy?”

“Tôi đi công trường An Biên, đào giếng.”

“Bộ ông là cán bộ à?”

“Không…” Tôi ấp úng.

“Tướng ông khó làm cán bộ lắm. Nhưng…” Ông ta lại cười.

Tôi thấy ông có chiếc răng cửa bị gẫy, khuôn mặt sạm đen, da sần sùi, chiếc cổ bạnh, bàn tay đặt trên vô lăng to bè. Tôi không muốn nói chuyện với ông ta. Tôi đoán ra ông ta định ám chỉ cái gì, nhưng tôi không tin lắm. Tốt hơn là đừng nói. Tôi đưa mắt lơ đãng ngó cảnh tượng trước mắt đang bị chiếc xe nuốt dần. Và tôi chợt thấy cái vẻ đẹp kỳ lạ giữa thiên nhiên và con người. Cả một cánh đồng lớn đang chạy lùi dần là những ngôi mộ và trên mỗi ngôi mộ là những tờ giấy (hay vải?) ngũ sắc cắt dài như những cái tua bay phất phới. Một bức tranh hoành tráng với những màu nóng phơi dưới một mặt trời chiều đỏ ối. Nơi yên nghỉ của người chết cũng đẹp đâu thua gì lâu đài của những người sống. Tôi nghĩ vậy. Đẹp. Trời ơi, sao tôi cứ bị cái đẹp theo đuổi hoài. Nhưng mà đẹp thì giải quyết được cái gì chớ? Bỗng nhiên tôi nhớ Quỳnh và con tôi. Tôi nghĩ nếu hôm nay tôi bị bắt thì sao? Làm sao tôi có thể sống mà không có Quỳnh? Nếu xuống bến gặp chuyến đi liệu tôi có đi không nếu không có Quỳnh? Chưa bước chân xuống thuyền mà sao tôi cứ tưởng như cô em út tôi ở Virginia đang chờ tôi ở phi trường, Tôi tưởng như thấy tay mình đang vốc từng nụm tuyết tung lên trời, há cổ nuốt cái lạnh lẽo chỉ thấy trong tiểu thuyết. Tôi nghe tiếng hành khách trong xe chộn rộn. Xe đã vào bến. Tôi mở cửa bước xuống, Lẫn phía sau những người phu xích lô đón khách, tôi thấy Kiệt đưa tay ngoắc tôi.

“Để em đưa thầy đến nhà chú Chín, ngủ qua đêm. Chú Chín người miền Trung nhưng làm nghề biển, theo gia đình vào Nam sống gần chục năm nay. Chú có ghe nhưng không tính vượt biên. Chú nói còn làm ăn được, nên không vội. Chú đã giới thiệu em với một người chủ ghe khác. Ghe đó hiện ở Rạch Sỏi. Sáng mai anh Hiệp tài công sẽ gặp mình ở quán này, rồi cả ba sẽ đi Rạch Sỏi.”

Có lẽ hàng quán ở bến xe đò nơi nào cũng giống nhau. Cái vẻ tạm bợ thấy rõ trên từng tấm bạt căng trên các “cọng” cây xiêu vẹo. Một tấm phản làm bàn kê trên mấy hòn gạch nung. Chén bát ly tách bẩn thỉu bụi bặm. Người đàn bà chủ quán pha cà phê bít tất đổ vào cái ly nhựa màu ngà sần sùi. Tôi hớp một ngụm, ho sặc sụa. Tôi đói bụng. Tôi muốn tìm cái gì để ăn. Kiệt nói cậu cũng đói. Và cậu dẫn tôi đi luồn ra bến xe, băng qua một chiếc cầu làm bằng xi măng. Chiếc cầu nhỏ có lan can. Nước dưới cầu đã cạn, lấp lánh chút màu vàng ối của mặt trời sắp lặn. Chúng tôi bước vào thành phố. Những tiệm buôn nhỏ. Tiệm thuốc Bắc, tiệm vàng, tiệm vải. Kiệt kéo tôi vào một tiệm mì.

“Coi ghe xong, tuần tới là mình đi. Thầy tính sao?” Kiệt châm thuốc, thở khói sau câu hỏi.

Tôi nhìn Kiệt. Kiệt đã thay đổi nhiều. Vẻ thư sinh của Kiệt ngày nào không còn nữa. Tóc Kiệt cắt ngắn sát da đầu, hai con mắt sáng nhìn thẳng, gò má nhô xương, da sạm đen, vai ngang, tay gân guốc.

“Thầy thấy em bây giờ khác lắm phải không?”

“Phải. Em khác trước nhiều lắm!”

“Em chạy xe ôm mà thầy.” Kiệt cười khi nhìn thấy mắt tôi ngó chăm cậu.

“Chạy xe ôm?” Tôi hỏi lại.

“Em chưa quen, nhưng đỡ nhức đầu. Nếu đi được, em sẽ tiếp tục học. Em thích khoa học hơn…”

“Tôi mong sao tất cả chúng ta đi được. Tương lai đang chờ em trước mặt. Nhưng…”

“Thầy nói sao?”

Nhưng… tôi nghĩ tới những gì sẽ xảy ra cho tôi và Quỳnh và con chúng tôi, nếu tôi bị bắt. Và nếu chuyến đi trót lọt liệu ghe có bị chìm giữa biển, nếu ghe không chìm trên biển liệu ghe có bị hải tặc. …

“Thầy ơi. Năm mươi phần trăm thoát, năm mươi phần trăm cho cá mập hay đồn công an, em biết vậy, nhưng mà… chúng ta chỉ có sự đi chứ không có sự ở…”

Tôi thấy mình như già hẳn đi. Tôi nghĩ đến Quỳnh, đến đứa con của chúng tôi.

“Nếu không đi được, em sẽ làm gì?” Tôi hỏi Kiệt.

Kiệt nhìn tôi, ngập ngừng:

“Em không biết là có một tổ chức kháng chiến nào không. Em muốn…”

Tôi đưa tay nắm bàn tay Kiệt. Bàn tay cậu có những ngón tay chai cứng. Chắc đã lâu Kiệt không cầm bút.

***

Hiệp, Kiệt và tôi gặp nhau ở bến xe Lam. Buổi sáng trời nắng vừa. Chúng tôi ngồi cách nhau như những người không hề quen. Xe chạy đến Rạch Sỏi thả chúng tôi xuống một chợ nhỏ. Chợ loe hoe mấy người đàn bà ngồi xổm bán rau cải thịt cá tươi. Mặt đường hẹp, nước sệt bùn đen quánh, trơn trợt. Hiệp lầm lũi băng qua chợ đi thẳng đến bờ sông. Tôi theo chân Kiệt. Từ bờ, như con rái cá, Kiệt nhảy vọt lên ghe. Tôi phân vân nhìn khoảng cách, nhảy theo, nhưng, hụt chân ngã sấp xuống sông. Bùn đặc quánh. Hai tay chống xuống bùn nước. Tôi nghe chân đau nhói. Nước và bùn mấp máy đến cằm tôi. Tôi nghẹt thở. Kiệt từ trên ghe nhảy xuống, ôm chầm lấy tôi.

“Thầy có sao không?”

Tôi không trả lời. Tôi không thể trả lời được. Tôi đau.

“Thầy có sao không?” Kiệt nắn nắn chân tôi.

“Không, không sao.” Tôi nói dối.

Tôi đau nhức như thể có người cầm dao thọc vào ngực tôi. Tôi bẹp dí như cái bong bóng bị kim đâm. Bùn với nước bết vào tóc tai, quần áo. Tôi lăn trở đau đớn.

Có gì đâu! Chỉ là một cái sẩy chân, tại sao tôi có thể bị chấn thương như vậy.

Tôi nghiêng đầu ngó lên. Môt góc trời xanh với những đám mây trắng xốp đứng sững. Không một chút gió. Tôi thấy nhiều khuôn mặt chụm lại, cúi xuống. Những con mắt hau háu. Những mái tóc xù. Những hàm răng nhọn.

“Anh kia, đứng dậy.” Có tiếng nói như ra lệnh.

Kiệt cúi xuống sát mặt tôi, hai tay vẫn nắn chân tôi.

“Bể rồi, thầy ơi!”

Tôi mở mắt nhìn lên. Tất cả những khuôn mặt vừa chụm lại ngó xuống bỗng giãn ra. Bầu trời lại xanh. Đám mây trắng đang bay qua. Tôi thấy mấy cánh tay dài chìa xuống xốc nách Kiệt.

“Cả tên này nữa!”

Một tiếng nói khác. Một khuôn mặt khá trẻ. Hai cánh tay dài phóng xuống chộp lấy vai tôi.

“Đứng dậy!” Tiếng nói ra lệnh.

“Nè, đừng làm dzậy. Người ta bị gãy chưn rồi!” Tiếng nói lẫn trong đám đông. Nhiều tiếng xì xầm.

Người ra lệnh vừa rồi luồn tay dưới ngực tôi, gần như lôi tôi dậy.

“Đau quá!” Tôi nghe tiếng mình nói rất nhỏ.

“Anh đã bị bắt!” Người thanh niên nắm cổ áo sau ót tôi.

Chân tôi khuỵu xuống, tựa hồ như cái bản lề ở đầu gối và mắt cá bị sút ốc.

“Xin đồng bào giải tán. Bắt bọn vượt biên phản quốc chớ có gì đâu mà coi!”

Người nói là một trung niên tóc bạc, gầy ốm, nhỏ thó, đang đứng trước mặt tôi.

Đám đông tản ra. Còn lại một vài con mắt tò mò.

“Trói lại!” Hắn nói.

Tôi ngạc nhiên khi nhìn thấy không có một tên nào ăn mặc đồng phục công an hay bộ đội. Tất cả đều thường phục. Tên đang trói tôi có khuôn mặt trẻ hơn là lúc đầu tôi tưởng.

“Các anh có biết vượt biên là phản quốc, là liếm gót giày tư bản không?”

Người trung niên nói. Y mặc áo ca rô bỏ ngoài quần rộng thùng thình, dép da kiểu dân Saigon. Tôi bị trói ngoặt tay sau lưng. Tôi nhìn thấy Kiệt cũng bị trói thúc ké. Hiệp không có mặt.

“Đưa họ về trụ sở trước. Tôi sẽ làm việc với họ sau.” Người trung niên ra lệnh.

Đám đông mở ra. Một tên đi trước. Kiệt bị đẩy bước theo. Tôi không giở chân lên nổi. Tên còn trẻ đẩy chúi tôi. Tôi khuỵu chân, lại ngã xuống.

“Có sao không thầy?” Kiệt quay lại hỏi.

“Chắc tôi phải lết quá!” Tôi nói với Kiệt.

“Thầy phải cố lên!”

Tôi nghe hơi lạnh của bùn thấm vào gò má và tai tôi. Tôi gượng dậy. Tôi lết đi trên một chân.

Trạm công an không xa chợ, đứng giữa cánh đồng lúa vừa gặt, trơ trọi. Bên trong chỉ có một cái bàn mấy cái ghế ọp ẹp. Tôi thấy Hiệp và một đám khác ngồi lố nhố bên trong. Trừ mấy đứa bé còn nắm tay mẹ, số còn lại đều bị trói thúc ké.

Nền nhà bằng đất lồi lõm.

Tên trẻ tuổi dùng ngón tay trỏ chỉ vào từng đầu người lẩm nhẩm đếm. Tôi nghe tiếng một đứa bé khóc. Một bà bị trói, đứa bé bò quanh chân. Mấy người ngồi trước mặt nói chuyện bằng tiếng Tàu.

Tôi nhớ Quỳnh. Tôi như nghe tiếng khóc của con tôi. Tôi thấy lại đám tang anh Thúc. Hai đứa cháu đang nằm trong trại tù tập trung cải tạo. Nước mắt bà chị dâu ký vào tờ giấy giao nhà. Những tờ giấy ngũ sắc bay phất phới trên các ngôi mộ dọc đường xuống Rạch Giá. Chiến tranh biên giới Việt-Miên. Pol Pot bạn hôm qua của Hà Nội, kẻ thù ngày nay của Việt Nam.

Tên trung niên tóc bạc, gầy nhom, nhỏ thó bước vào giữa phòng.

“Đồng chí Bảy Ca. Đồng chí cởi trói mấy ông bà này dùm tôi.”

Tên còn trẻ từ cửa hông bước vào. Y đi chậm rãi tới trước mặt từng người một, cúi xuống, tháo gút.

“Tất cả nghe đây!” Tên trung niên đứng giữa phòng nói, “Theo thứ tự trước sau, mọi người ai có đồng hồ mắt kiếng, tiền bạc giấy tờ mang lên đây nộp theo lệnh gọi. Nghe chưa?”

Một người ở hàng đầu bỗng đưa tay lên.

“Anh kia, muốn gì?” Tên trung niên hỏi.

“Tôi muốn đi tiểu.” Người bị bắt nói giọng lớ lớ.

Cả đám bật cười.

“Đứng dậy. Ra chái sau.” Tên trung niên nói.

Tên trẻ đi trước dẫn đường cho người bị bắt. Nhiều người lần lượt đứng dậy bước lên tháo bỏ đồng hồ, tiền bạc và giấy tờ trên mặt bàn.

Tên trung niên cầm từng chiếc đồng hồ lên săm soi. Những tờ giấy bạc y lùa sang một bên không thèm để ý. Tôi ngạc nhiên thấy y không hề liếc mắt trên những tờ giấy đi đường.

Sau Kiệt, tôi đứng lên tháo chiếc đồng hồ Seiko đặt trước mặt y. Tôi móc hết tiền trong túi ra. Tôi lấy tờ giấy công tác do ông Công cấp chậm rãi mở ra, cố ý cho y nhìn.

“Tôi không phải là người vượt biên.” Tôi nói mắt nhìn thẳng vào mặt y.

Y cũng nhìn tôi ngạc nhiên.

“Anh không vượt biên?” Y hỏi. “Vậy chớ anh đi đâu giờ này? Chỗ này? Mà anh là ai?”

“Tôi đi công tác ở An Biên.” Tôi nói y như những gì ông Công dặn.

“Giấy công tác đâu?”

“Đây!” Tôi đặt tờ giấy nhỏ có đóng mộc đỏ xuống mặt bàn. Y cầm lên, chỉ liếc mắt rồi vất sang đống giấy tờ đủ loại.

“Giấy giả!”

“Không phải. Giấy công tác của tôi là thứ thiệt mà!” Tôi cãi.

“Tôi nói giả là giả. Anh xuống trở lại chỗ ngồi đi. Tôi sẽ làm việc với anh sau!” Dừng lại một phút, y đổi giọng: “Bảy Ca! Đồng chí Bảy Ca!”

Tên trẻ tuổi từ chái sau bước lên.

“Làm gì dưới đó mà lâu quá vậy?” Tên trung niên hỏi.

Bảy Ca không trả lời. Hắn đến sát bên lưng tên trung niên, cúi xuống nói rất nhỏ vào tai tên này. Y gật gật đầu mắt sáng lên, nhìn tứ phía.

“Ai là bà con nhà Lâm Diệp đứng dậy!”

Chừng hơn một chục con người ríu rít đứng thẳng lên. Kiệt khều tay tôi. Tôi có cảm giác như có tiếng cười trong đám người đang xí xô xí xào kia. Họ được trả tự do.

Trích Bụi & Rác – Chương Mười Một

please wait
Embed

No live streaming currently available

0:00 0:00 Live

VOA Express

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

XS
SM
MD
LG