Đường dẫn truy cập

Gặp lại Nhị Hà


Gặp lại Nhị Hà
Gặp lại Nhị Hà

1.

Tôi biết chắc người ngồi trước mặt tôi là Nhị Hà, cô học sinh những ngày đầu tiên của một Saigon vừa thất thủ. Có tất cả ba người tù cùng ngồi với tôi trên băng ghế dài chờ hỏi cung. Nhị Hà mặc quần áo công an. Cô đang chăm chú đọc một tờ giấy, thỉnh thoảng cô quay sang người công an bên cạnh, đã trọng tuổi, trao đổi điều gì đó rồi lại tiếp tục cúi xuống tờ giấy. Tôi cúi xuống nhìn hai bàn tay mình. Những ngón gầy, đen. Những móng tay dài cáu bẩn. Tôi nhìn xuống chân. Hai bàn chân không dép còn đen đúa hơn cả hai bàn tay. Khi bắt đầu đi chân không, tôi nhói lên khi dẫm phải một viên sỏi, nhưng bây giờ chỉ một thời gian ngắn, tôi thấy gan bàn chân mình đã quen với các vật cứng nhọn. Da chân đã tương đối dày đủ để chống với sức nóng mặt đường và những hòn sỏi cứng. Tôi chợt nhớ tới lớp học những buổi đầu sau ngày Ba mươi tháng Tư. Nhị Hà ngồi một mình ở bàn đầu, mặc áo may theo kiểu nửa sơ mi, nửa bà ba, hai con mắt sắc, giọng nói đặc biệt của những người Bắc bảy lăm. Bài giảng là một đoạn trích trong tiểu thuyết "Cái Sân Gạch" của Đào Vũ,…Và tôi đã giảng bài như một con vẹt. Nhị Hà hồi đó giống như cái phong vũ biểu của tôi. Tôi nhìn mắt của cô bé này để đo lường bài giảng tôi chính xác đến mức độ nào. Tôi không nghĩ là cô ta giỏi, nhưng tôi tin là cô bé thuộc lòng quan điểm chính trị mà bố cô có lẽ là một đảng viên và cô đang là một đoàn viên. Cái cánh đưa tay lên xin phát biểu ý kiến của Nhị Hà cũng khác cách đưa tay của các em học sinh Saigon.

Tôi nhớ Nhị Hà nói "Thưa thầy, em nghĩ rằng nhân vật trong Cái Sân Gạch là một nhân vật lạc hậu…" Hồi đó tôi luôn luôn nhận biết là không cách gì còn có thể đứng nổi trên cái bục giảng nữa. Bục giảng đã không còn là của tôi. Những học sinh Saigon của tôi không làm sao có thể chấp nhận được thứ ngôn ngữ hay lập luận của một người thầy mà mới vừa hôm qua còn là xanh mà hôm nay đã là đỏ. Còn những học sinh từ ngoài Bắc vô hay từ chiến khu về, chắc cũng chẳng thể nào chấp nhận được cái ngọng nghịu ngượng ngập của một người thầy mà mỗi lần nói cứ phải cầm chặt lấy tờ giáo án, soi rọi từng chữ, từng nghĩa, lo lắng trước từng phản ứng của từng ánh mắt người học trò để xem mình có nói đúng hay sai quan điểm, lập trường. Nhị Hà luôn luôn nhìn vào mắt tôi khi tôi giảng bài. Tôi có cảm tưởng cô như một người được chỉ định để theo dõi tôi. Mỗi lớp học cần có một đoàn viên "nắm" những ông thầy bà cô “ngụy”, nhất là những người "có vấn đề". Hình như có lần một đồng nghiệp cũ nói với tôi như vậy.

"Nè, có phải ông tên là Thăng không?" Người tù ngồi bên thúc cùi chỏ vào hông tôi làm tôi giật mình.

"Phải! Sao?" Tôi nhìn ông ta.

"Công an gọi ông kìa!" Ông ta hướng mắt về phía Nhị Hà.

Tôi thấy cô không ngồi chỗ cũ nữa. Cô đang đi về phía tôi, trên tay vẫn còn cầm tờ giấy và cây bút. Nhị Hà đi chậm rãi. Mái tóc cô đã uốn quăn, chải khéo, khiến khuôn mặt cô có vẻ trẻ hơn hồi năm Bảy Lăm. Tuy nhiên, bộ quần áo công an màu vàng làm cho Nhị Hà có cái dáng vẻ của một người bộ đội khi mới vào Saigon hơn là của một cô gái đã ở thành phố hơn năm năm.

"Có phải là thầy không? Thầy Thăng?" Nhị Hà hỏi vừa khi đứng sát cạnh tôi.

Tôi nhìn thẳng vào mắt Nhị Hà. Tôi nói:

"Phải. Tôi là Trần Lâm Thăng."

"Thầy không nhận ra em sao?" Nhị Hà hỏi rất nhỏ. "Thầy theo em. Em muốn nói chuyện với thầy." Cô quay lưng, đi thẳng đến một bàn trống ở góc phòng.

Tôi đứng dậy bước theo. Tôi không nghĩ là có điều gì tốt cho tôi, nhưng tôi cũng không nghĩ là tôi đang gặp điều gì xấu.

"Đây là tờ giấy để thầy khai. Thầy cứ điền vào chỗ trống trả lời các câu hỏi. Chỗ nào không rõ xin thầy cứ hỏi em." Nhị Hà nói giọng nhỏ nhẹ.

Tôi cúi xuống tờ giấy, bản khai của người tù, tôi đọc lướt qua. Quá nhiều mục. Tôi bắt đầu điền vào những chỗ trống. Ngắn và gọn. Tôi không hỏi Nhị Hà. Tôi cứ thế mà ghi. Tôi chờ xem. Ở mục học lực, tôi ghi là biết đọc biết viết. Ở chỗ liên hệ với gia đình cách mạng, tôi ghi không. Ở chỗ lý do bị bắt, tôi viết tình nghi vượt biên. Tôi trả tờ giấy lại cho Nhị Hà sau khi ký. Tôi ký bằng một chữ ký khác với chữ ký tôi vẫn dùng. Nhị Hà cầm lên đọc bằng mắt. Có một đôi chỗ cô dừng lại, hơi nhíu mày. Nhìn mắt cô, tôi đoán ra được, cô đang ngừng lại ở đâu. Biết đọc biết viết, chắc cô không muốn như vậy. Nghề nghiệp: lái xe ủi đất đào giếng ở công trường An Biên. Đây chỗ này cũng làm cho Nhị Hà dừng hơi lâu.

Khi đặt tờ giấy xuống mặt bàn, Nhị Hà hỏi:

"Sao thầy không khai là có liên hệ với đồng chí Mười Tân?"

Câu hỏi của Nhị Hà làm tôi giật mình. Tôi không nghĩ là cô sẽ hỏi tôi câu đó. Mười Tân? Tôi đã gặp ông ta ít nhất là một lần khi ông đến thăm Quỳnh, ngay sau ngày Sài Gòn vừa mất. Nhưng tôi có nhiều dịp nghe nói về ông ta. Những buổi nói chuyện của ông ở Thành Đoàn lôi cuốn một số đông người nghe, những người trẻ tin tưởng vào lý thuyết của chế độ mới, những người trí thức khuynh tả, những người hôm qua bị đè nén áp bức, những người lo sợ chế độ mới sẽ làm mình mất đi những gì mà mình đã tạo ở chế độ cũ. Các bạn tôi, ngồi ở quán cà phê, vẫn thường nhắc đến ông Mười Tân, lúc đầu với một thái độ nể sợ, về sau với một thái độ lo lắng. Kết buộc, lên án, đanh thép… gần như là toàn bộ luận điệu trong những bài nói của Mười Tân. Người ta nói Mười Tân của miền Nam cũng giống như Tố Hữu của miền Bắc. Trong thơ văn của hai ông này có chứa đựng quyền uy và sắt thép. Người ta luôn nhắc tới một bài nói chuyện của ông Mười Tân hơn một tháng sau khi Sài Gòn bị mất. Đó là một bài nói lên án văn nghệ Sài Gòn trước Bảy Lăm, nền văn nghệ mà đồng loạt cả Hà Nội lẫn trong "bưng" ra gán cho cái tên là phản động và đồi trụy. Văn chương chống cộng thì gọi là phản động và văn chương viết về tình yêu thì bị gọi là đồi trụy. Cách nào thì cách, không có một chỗ đứng nào cho nền văn nghệ này. … Người ta nói những bài viết của Mười Tân như những nhát búa chứ không phải những bông hoa. Có lần Mười Tân nói với Quỳnh rằng “chồng em cũng là một chướng ngại vật của cách mạng, nói với nó cứ im đi thì sống còn ngo ngoe là không tồn tại đâu. Đừng nói chi xa, tên nào vượt biên thì vài tháng về, còn nó cứ cầm chắc bốn chục năm cho phải lẽ”.

Cách nói của Mười Tân cho người nghe hiểu rằng tất cả cái gì thuộc chế độ cũ đều xấu xa và đáng phải bị tiêu diệt, đặc biệt là nền văn học nghệ thuật miền Nam.

Tôi còn nhớ tháng trước tình cờ gặp nhạc sĩ Trịnh ở một quán cà phê vỉa hè nhà bà luật sư Đại, Trịnh vô tình nhắc đến Mười Tân khi anh hỏi tôi có bao giờ nghe những ca khúc mới của anh không. Trịnh nói mặc dù âm nhạc của anh luôn luôn được quần chúng ưa thích, nhưng ông Mười Tân đã có lúc cho người gọi anh đến và nói rằng âm nhạc của anh chẳng qua là thứ "nhân đạo chủ nghĩa". Đó là một loại hình văn học "kết án chiến tranh mà không cần phân biệt loại chiến tranh nào, kết án bạo lực mà không cần hiểu xuất xứ, tính chất mục đích của mỗi thứ bạo lực."

"Theo ông Mười, âm nhạc của mình", Trịnh nói, "có chứa đựng những lời than thở phản chiến, nhưng nó cũng làm đảo lộn mọi thứ, nó lẫn lộn trắng đen, trung và nịnh, yêu nước và cướp nước." Trịnh rùng mình khi nhắc lại chuyện trên. Lúc đó tôi nhìn thấy hai bàn tay anh run giật lên như người mắc kinh phong. "Ông ta làm cho mình có cảm tưởng chỗ nào cũng tội lỗi, cái gì cũng tội ác. Cõi tạm. Mình phải xem đời sống này chỉ là cõi tạm, trăm năm chẳng qua cũng chỉ là kẻ ở trọ của ngàn năm thôi."

Con chim ở đậu cành tre,
Con cá ở trọ trong khe nước nguồn

……..

Tôi nay ở trọ trần gian
Trăm năm về chốn xa xăm cuối trời

……..

hoặc

Em đi qua chuyến đò
Thấy con trăng đang nằm ngủ
Con sông là quán trọ
Và vầng trăng tên lãng du.

……

Ừ thì cũng chỉ là trọ thôi. Có lúc Trịnh thở ra, "Tôi như đứa trẻ tìm nơi nương tựa mà sao vẫn cứ lạc loài…. Đừng tin tôi nhé, vì tiếng cười." Đó là những lúc tôi thấy khuôn mặt Trịnh vốn nhỏ và nhô xương, hai con mắt sâu núp dưới đôi kính trắng, tối sầm lại. "Dường như quanh đây có điều gì tuyệt vọng." Trịnh nói lửng lơ. Tôi hiểu bạn.

"Thầy Thăng!" Tiếng gọi tên tôi làm tôi giật mình.

"Thầy có sao không?" Nhị Hà hỏi tiếp.

"Không. Không có gì!"

"Em muốn hỏi sao thầy không ghi có liên hệ gia đình với đồng chí Mười Tân?"

Tôi nhìn thẳng vào mặt Nhị Hà. Tôi không trả lời.

"Thầy tốn bao nhiêu vàng trong chuyến vượt biên này?"

"Tôi có vượt biên đâu mà tốn vàng!"

"Thầy là người tổ chức hay sao?"

"Không."

"Thế thì ai là người tổ chức? Thầy ghi vào đây, chỗ này."

Nhị Hà đặt tờ giấy xuống mặt bàn, để thuận chiều về phía tôi.

"Đó là cách duy nhất để thầy sớm được khoan hồng."

"Tôi không biết."

"Tại sao?" Phải có người tổ chức vượt biên thì mới vượt biên được chứ!"

"Tôi không vượt biên. Chuyến đi Rạch Sỏi này là đi công tác đào giếng ở công trường An Biên." Tôi nhắc lại những lời của ông Công dặn.

Nhị Hà không nói thêm. Cô lật lật mấy tờ giấy, trong đó có cái thẻ công nhân viên của tôi do ông Công cấp.

"Thầy không biết cái ‘Tổ Hợp Kiến Tạo’ của ông Công này là một tổ hợp ma chuyên bán giấy đi đường cho người vượt biên sao?"

"Không." Tôi vẫn nhìn vào mặt Nhị Hà.

"Tại sao cô không đi chuyến này với Thầy?"

"Tôi không đi vượt biên. Nhà tôi vẫn còn ở Sài Gòn."

"Nhưng hồ sơ công an xã ghi thầy đi với một nhóm người Hoa, bị bắt vừa lúc xuống ghe mà."

"Không. Tôi không hề đi với nhóm người Hoa nào. Tôi đi một mình."

Nhị Hà cầm tờ khai trước mặt tôi:

"Thầy không gặp Kiệt sao?" Giọng cô nhỏ nhẹ, nhưng giống như cái búa đập lên đầu tôi, làm tôi ngã lăn ra.

Tôi quên khuấy chuyến đi có Kiệt, quên khuấy Kiệt là bạn học của Nhị Hà, dù chỉ là bạn học của một tháng.

"Kiệt đâu rồi?" Cả tuần nay tôi không thấy cậu ấy đâu cả!"

"Kiệt đã được đưa xuống Kinh Làng Thứ Bảy lao động cải tạo trong tuần lễ thầy bị biệt giam."

Tôi nhìn Nhị Hà. Tôi không đọc được tình cảm trong mắt cô khi cô nói đến việc một người bạn cùng lớp bị bắt. Kiệt đã bị đưa đi cải tạo. Còn tôi tại sao tôi còn ở đây? Người tù tên Bình bữa hôm qua mon men đến chỗ nằm của tôi gợi chuyện, hỏi là tôi có muốn về sớm hay không? Tôi hỏi lại muốn thì sao. "Dễ ợt. Đi hai cây thì về cũng hai cây." Tôi nghi ngờ. Bỗng nhiên tôi giật mình nhớ đến lời hắn nói ngay trong đêm đầu tiên ngồi xếp hàng trong cải hối thất Kiên Giang. "Tôi bảo đảm là trước sau gì ông cũng phải nhớ đến tôi."

"Thầy nên khai vượt biên bị bắt thì sẽ tính được ngày thả, nếu không…"

"Tôi muốn nhắn với gia đình tôi là tôi hiện bị giam ở đây. Tôi không vượt biên."

Nhị Hà nhìn tôi lắc đầu. Cô xấp xấp mất tờ giấy cho đồng đều rồi đứng dậy.

"Em muốn giúp thầy. Em ghi là thầy vượt biên nhé! Như vậy thầy sẽ sớm về hơn. Phần thầy đã xong. Chào thầy."

Tôi đứng dậy, hai tay thọc túi quần, đi len qua dãy ghế. Cánh cửa hông nhà giam núp dưới hàng rào kẽm gai. Tên công an theo sau tôi ra dấu tên lính trên chòi gác mở cửa. Tôi bước chân qua thanh gỗ nằm chắn lối đi mà tôi không thấy. Tôi ngã chúi. Đầu tôi va mạnh lên nền đất.

Đêm lạnh lẽo.

Trích Bụi và Rác – Chương Mười Ba / Phần một

VOA Express

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

XS
SM
MD
LG