Đường dẫn truy cập

Sáu Phận


Sáu Phận
Sáu Phận

2.-

Tôi nằm đó, hơi thở của đất trời làm tôi hồi sinh dần. Tôi nhìn thấy lại những ngày đầu của một Sài Gòn lửa đạn. Đám cháy trong khu Mã Lạng. Quỳnh bế con đứng chờ tôi trong căn nhà ngập nước. Những chiếc guốc nổi lềnh bềnh trong nhà. Mùi hôi của cống rãnh tràn ngập cả con hẻm. Tuấn luật sư mang dép râu, chỉ còn thiếu cái nón cối. Nhớ quán Cái Chùa nơi sáng nào cũng gặp Đình, Nhật, Tâm,…. Nhớ chợ Đủi. Nam, Ký, Lộc, Nghĩa… Tôi thấy những hình ảnh lộn xộn tràn ngập trong trí não tôi.

Bỗng nhiên tôi rùng mình. Một cơn lạnh thấu xương vừa thổi qua trong tôi. Cả khu trại giam còn chìm trong bóng đêm. Tôi chống hai tay trên mặt đất lồm cồm bò dậy. Tôi đi đến bên giếng nước, thả chiếc gầu bằng nhôm xuống, kéo sợi dây buộc ở cây xà ngang. Nước buổi sáng lạnh tanh. Tôi chùi cả hai tay vào ngực áo. Tôi đi vào căn nhà giam, dò dẫm từng bước giữa những người cùng tù đang say ngủ. Tôi tìm ra chỗ nằm của tôi gần rãnh nước. Vị linh mục bên phải tôi, hình như không chợp mắt từ khi tôi bị gọi lên chấp pháp "làm việc", ông trở mình nhường chỗ cho tôi:

"Sao? Họ hỏi anh cái gì?"
"Thưa cha, cũng chung chung vậy thôi."
"Mà anh gặp tên công an đàn ông hay đàn bà?"
"Thưa cha, một nữ công an."
"Có phải tên Nhị Hà không?"
"Thưa cha phải. Mà sao cha biết tên cô ta là Nhị Hà?"
"Ở đây ai mà không biết cô ta. Gặp cô này đỡ hơn là gặp thằng Sáu Phận."

Sáu Phận là tên công an hung dữ nhưng có bộ mặt của một thanh niên đẹp trai. Hắn đi đứng nói năng từ tốn, hơi có phần lễ phép nữa là khác. Linh mục Minh cho tôi biết Sáu Phận là một tay chuyên sưu tập đồng hồ. Hắn luôn luôn thay đổi các loại đồng hồ tùy theo đợt người vượt biên bị bắt. Đối với hắn sự chính xác của giờ giấc ăn uống, nghỉ ngơi và "làm việc" rất là quan trọng. Ai bị hắn gọi lên nữa đêm "làm việc" mà đến trễ quá năm phút, coi như người có hồ sơ xấu. Điều đó có nghĩa là Sáu Phận sẽ tự động phê vào hồ sơ người tù những tội mà người này không hề có. Và hắn sẽ bỏ quên luôn người mà lẽ ra hắn đã phải thẩm vấn và xét xử. Theo lời cha Minh nói, có lần Sáu Phận đứng giữa đám tù hát bài Vàm Cỏ Đông, ở tận sông Hồng, em có biết, quê hương anh cũng có giòng sông… Hắn hát hay như một ca sĩ nhà nghề. Và sau mỗi lần hắn hát như vậy là thế nào cũng có người được hắn "tuyển chọn" cho biệt giam, hoặc chia một chỗ nằm với Tư Long.

Sáu Phận đã từng "bỏ quên" một người tù tên Ayakawa, một thương gia Nhật Bản, không hiểu vì sao sau Bẩy Lăm còn lạc lõng dưới Rạch Giá, bị bắt vì một cớ nào không rõ. Ông Ayakawa chừng bốn mươi tuổi, người gầy và cao, để ria mép. Một đêm Sáu Phận gọi ông lên. Nghe người bên cạnh đập dậy ra dấu đi "làm việc", Ông Ayakawa từ từ xếp lại chỗ nằm, ra giếng múc nước rửa mặt, đánh răng, chải tóc thay quần áo. Ông lên trình diện Sáu Phận. Nhưng không lâu, chỉ chừng năm phút sau, ông trở về chỗ nằm. Người bạn tù bên cạnh hỏi sao nhanh vậy, Ayakawa lắc đầu. Chuyện đó xảy ra hồi năm Bảy Sáu. Bốn năm sau Ayakawa vẫn cứ ở một chỗ. Ông con cháu của Thái Dương Thần Nữ này hoàn toàn bị rơi vào quên lãng. Trường hợp của cha Minh cũng là một "tác phẩm" của Sáu Phận. Hắn lễ phép với cha y như chính hắn là một con chiên ngoan đạo. Tuy vậy có lần hắn hỏi cha một câu giữa bữa ăn trưa của tù là "Chúa có biết rằng cha đang ở tù không? Và Chúa có ý định gì khi đưa cha vào tù?"

"Còn Nhị Hà thì sao thưa cha?" Tôi tò mò.
"Khá hơn. Có vẻ có học. Nhưng tôi có cảm tưởng là cô có một mối thù với ai đó."
"Suỵt! Tù không được nói chuyện."

Bất ngờ có tiếng người nói rất gần. Tôi quay nhìn. Như một bóng ma, người nói là Bình, nhân vật đã ngồi cạnh tôi ngoài sân khám Rạch Giá đêm đầu tiên tôi bị giải về đây.

"Nhà anh có được tin là anh bị giam ở đây chưa?"
"Chưa."
"Anh có muốn gia đình anh biết là anh hiện ở đây không?"

Câu hỏi của anh ta nhắc tôi nhớ là cả tháng nay tôi không được thăm nuôi. Gần như mọi người trong tù tuần nào cũng có người thăm nuôi. Tôi không biết Quỳnh bây giờ ra sao. Hai mẹ con sống như thế nào? Căn nhà ở khu Mã Lạng. Mùa mưa. Ông Mười Tân có biết tôi bị bắt không. Tuấn luật sư dép râu, áo bỏ ngoài quần. Biệt tăm.

"Nếu tôi muốn thì sao?" Tôi hỏi anh ta.
"Chẳng có làm sao làm siết gì hết. Anh muốn thì tôi giúp cho. Thế thôi!"
"Anh làm ơn…"
Trời chưa sáng hẳn nên tôi không nhìn rõ lắm khuôn mặt của anh ta. Tôi nóng lòng gặp lại Quỳnh và con tôi.
"Anh cứ biên mấy chữ kèm tên bà chị và địa chỉ nhà ở Sài Gòn tới giờ cơm tôi lấy." Anh ta nói xong đứng dậy đi ngược ra phía giếng nước.
"Thưa cha…" Tôi ngập ngừng.
"Anh muốn biết ông Bình này là loại người gì phải không?" Cha Minh hỏi tôi giọng chậm rãi.
"Thưa cha, phải. Ông ta chẳng có vẻ tù chút nào hết. Mà chả lẽ ông ta là cán bộ?"
"Hiểu sao cũng được. Tù cò mồi của Sáu Phận đó mà."

Cha kể chuyện tên Bình này ra vào nhà tù như đi chợ. Tù lâu năm ở đây ai cũng nhẵn mặt anh ta. Anh ta làm tiền cho Sáu Phận bằng cách chuyển thơ của tù mới bị giam về cho thân nhân. Anh ta là trung gian giữa Sáu Phận và người tù. Phần bên ngoài như liên lạc với thân nhân người bị giam thì Sáu Phận lo. Nhiều người bị bắt đợt hai, đợt ba, cho biết gia đình bị Sáu Phận làm tiền trắng trợn. Cái yếu điểm của hắn là đồng hồ. Hắn say mê đồng hồ hơn mê gái. Có lần một người làm nghề sửa đồng hồ ở Sài Gòn vượt biên bị bắt được Sáu Phận đặc biệt ưu đãi, kể lại với cha là nhà Sáu Phận có nhiều đồng hồ đến nỗi có thể mở một chớ hai cửa tiệm cũng được. Người ta đồn Nhị Hà và Sáu Phận yêu nhau. Nhưng tình yêu đó cứ trắc trở vì mấy cái đồng hồ của Sáu Phận. Trời có vẻ sáng hơn. Tôi không dám nằm xuống. Tôi sợ giấc ngủ sẽ bắt tôi nằm bẹp luôn. Tôi tựa lưng vào vách, duỗi dài hai chân, nhắm mắt, thở. Bỗng nhiên tôi nhớ mấy câu thơ của Bùi Giáng mà Ký đã đọc ở Chợ Đủi, những câu thơ làm tôi tức cười đến nôn ruột.

"Người con gái lội qua khe
Bàn chân với nước lạnh đè lên nhau
Nỗi niềm tưởng lại xưa sau
Bàn chân với nước cùng nhau lại đè!"

Đó là lúc tôi nghe tiếng kẻng ở giếng nước vang lên. Tù đang thúc nhau dậy xếp mùng màn và chiếu. Cha Minh đặt tay lên vai tôi, vỗ vỗ mấy cái. Tôi nhìn thấy hai mắt cha hấp háy dưới chiếc kính cận dày. Một ngày tù bắt đầu như mọi ngày.

Trích Bụi Và Rác. Chương Mười Ba / Phần hai

VOA Express

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

XS
SM
MD
LG