Một giảng viên ngành thương mại ở Hà Nội quan ngại rằng cải cách ở Việt Nam sẽ chậm lại khi Mỹ rời bỏ TPP.
Tổng thống tân cử của Mỹ Donald Trump hôm 21/11 đã công bố video cho hay một trong những việc ưu tiên của ông trong ngày đầu tiên nắm quyền ở Tòa Bạch Ốc là rút Mỹ khỏi hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP. Ông Trump sẽ bắt đầu nhiệm kỳ từ ngày 20/1/2017.
TPP là hiệp định về tự do hóa thương mại giữa 12 nước ven Thái Bình Dương trong đó có Việt Nam. Hồi đầu năm nay, nhiều nước đã ký kết hiệp định nhưng nó phải được quốc hội các nước thông qua mới có hiệu lực.
Với các điều khoản chứa đựng các tiêu chuẩn cao về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, minh bạch, giảm vai trò của doanh nghiệp nhà nước, cũng như thúc đẩy cải cách và công đoàn độc lập, nhiều chuyên gia và doanh nhân Việt Nam kỳ vọng TPP sẽ tăng tốc độ cải cách thể chế cũng như tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Giờ đây, khi Mỹ sẽ không tham gia TPP nữa, bà Nguyễn Hoàng Ánh, một giảng viên của Đại học Ngoại thương Hà Nội, nhìn nhận đó là “một bước lùi đáng tiếc” cả về kinh tế, xã hội và chính trị đối với Việt Nam.
Nói qua điện thoại với VOA hôm 22/11, Phó Giáo sư Tiến sỹ Ánh coi việc Mỹ rời bỏ TPP là một tin không vui cho phe cấp tiến ở Việt Nam. Bà nói:
“Bất kỳ chính phủ nước nào cũng có phe cấp tiến và phe bảo thủ. Bây giờ, cán cân khi Mỹ rút ra thì đối trọng rơi vào phe bảo thủ nhiều hơn. Điều đó cũng sẽ làm cho Việt Nam chậm lại trong tiến trình cải cách của mình. Điều này chắc chắn cũng sẽ ảnh hưởng đến địa chính trị của khu vực, cũng như ảnh hưởng đến quan hệ thương mại, phát triển quan hệ thương mại giữa Việt Nam với Mỹ”.
Bà Ánh phân tích rằng thế giới và bản thân nước Mỹ đã thay đổi trong hàng chục năm qua, do vậy việc Mỹ tự thu hẹp vai trò của mình có thể gây bất lợi cho chính họ về dài hạn:
“Có thể trong ngắn hạn, nước Mỹ có thể tránh được việc phải chia sẻ lợi ích của một đất nước giàu có hơn, phát triển hơn với những nước cùng trong khu vực mà kém phát triển hơn. Tuy nhiên, không có lợi thế nào là vĩnh viễn, và như vậy Mỹ sẽ để ngỏ cửa gây ảnh hưởng đối với những nước trong khu vực cho Nhật, cho Trung Quốc. Chúng ta cũng biết là về mặt vị thế, Mỹ không có được như những năm 40, 50, 60 của thế kỷ trước. Cho nên nếu Mỹ rời bỏ cái sân đấy thì chắc chắn có nhiều người sẵn sàng nhào vào. Về dài hạn, tôi tin chắc chắn đấy là một bước lùi của Mỹ”.
Từ cách đây vài tháng, khi có những phát ngôn không ủng hộ TPP của cả hai nhân vật tranh cử tổng thống Mỹ, ông Trump của đảng Cộng hòa và bà Clinton của đảng Dân chủ, các nước đã chú ý nhiều hơn đến cuộc thương thảo về Hiệp định RCEP.
Với tên đầy đủ là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực, hiệp định này từng được coi là đối trọng của TPP. Cuộc đàm phán về hiệp định thương mại tự do này đã bắt đầu từ năm 2012 giữa 10 nước ASEAN trong đó có Việt Nam, Trung Quốc và một số nền kinh tế lớn khác ở châu Á-Thái Bình Dương, song không có Mỹ.
Tuy nhiên, Phó Giáo sư Tiến sỹ Ánh dự báo rằng tác động của các hiệp định thương mại khu vực khác sẽ không có tính cơ bản như TPP:
“Tôi nghĩ rằng chắc là các hiệp định sau người ta sẽ không tham vọng như TPP. Bởi vì nói chung hầu hết sẽ còn các nước châu Á thôi. Các nước châu Á nói chung cũng mang tính dĩ hòa vi quý hơn. Cho nên chắc là phạm vi của hiệp định sẽ bị thu hẹp lại, và chắc chắn nó sẽ tập trung vào kinh tế nhiều hơn. Tại vì những nước còn lại như Nhật Bản những nước đấy không quan tâm lắm đến tác động của cải cách thể chế cho các nước thành viên. Và nếu mà Trung Quốc có ý định tham gia vào thì thực tế mà nói thì cũng chưa chắc là tin hay cho Việt Nam”.
Với những điều kiện về xuất xứ của nguyên liệu trong TPP, nhiều người kỳ vọng Việt Nam sẽ giảm dần việc lệ thuộc thương mại và nhiều mặt khác vào Trung Quốc. Nay TPP trong tình trạng “chết lâm sàng” và RCEP nổi lên, một số nhà quan sát dự báo Việt Nam khó có thể giảm sự lệ thuộc vào Trung Quốc.
Hồi tuần trước, trả lời chất vấn tại Quốc hội, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc nói Việt Nam “đã chuẩn bị đầy đủ điều kiện tham gia” TPP, tuy nhiên, sau khi Mỹ “tuyên bố dừng”, Việt Nam “chưa có đủ cơ sở” trình Quốc hội thông qua việc tham gia TPP.
Ông Phúc nói thêm rằng dù có hay không tham gia TPP, Việt Nam “vẫn tham gia hội nhập sâu rộng” về nền kinh tế. Ông nhấn mạnh Việt Nam hiện tham gia 12 hiệp định tự do thương mại.