Trong các chiến dịch vận động tranh cử Tổng thống Mỹ, từ Tổng thống Carter tới Tổng thống Reagan, không phải là tất cả những lời hứa hẹn đưa ra đều trở thành hiện thực. Theo ông Ralph Cossa thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế thì tới phân nửa những lời hứa hẹn của ứng cử viên sẽ không được thực hiện: “Thách thức ở đây là tìm ra phân nửa nào sẽ được thực hiện”.
Ông Cossa nói với VOA:
“Sẽ không mấy thực tế và công bằng đối với ứng cử viên nếu chúng ta tập trung quá mức vào những lời hứa hẹn to tát đưa ra trong chiến dịch tranh cử. Giả thiết của tôi là mọi sự sẽ như cũ cho tới khi có ai đó thuyết phục được tôi là chính quyền mới thực sự có ý định thay đổi hiện trạng, và có khả năng để biến điều đó thành hiện thực.”
Nhưng những tuyên bố của ông Trump về chính sách đối với Châu Á xem ra vượt quá giới hạn thông thường so với các ứng cử viên Tổng thống Mỹ khác. Nhiều tuyên bố của ông là đề tài đang làm bận tâm Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khi ông và ông Trump gặp nhau ở New York vào chiều tối ngày thứ Năm, cuộc gặp đầu tiên của Tổng thống tân cử Mỹ với một nguyên thủ nước ngoài kể từ sau cuộc bầu cử.
Sau đây là một trong số những tuyên bố của tỷ phú Donald Trump về chính sách châu Á trong cuộc vận động tranh cử của ông:
Ông Trump đề nghị Hoa Kỳ nên rút binh lính ra khỏi Nhật Bản và Nam Triều Tiên trừ phi hai nước chia sẻ gánh nặng tài chính cho sự hiện diện của lực lượng Mỹ trú đóng tại những nước này. Trên thực tế, Seoul và Tokyo trả phân nửa chi phí đóng quân của Mỹ.
Ông nói rằng hai quốc gia này nên tự túc về an ninh. Trong tình huống rút hết binh sĩ Mỹ mà xảy ra chiến tranh giữa Nhật Bản và Bắc Triều Tiên thì ông Trump hồi tháng Tư nói Nhật Bản phải tự phòng vệ.
Ngoài ra, Ông Trump cũng có những phát biểu rất mạnh mẽ về chính sách đối với Trung Quốc. Ông hứa sẽ áp đặt mức thuế 45% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, một động thái có thể gây ra một chiến tranh thương mại với nước này.
Ông chống đối Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, tâm điểm của các nỗ lực của Toà Bạch Ốc nhằm tái cân bằng lực lượng của Mỹ, xoay trục sang Châu Á.
Về vấn đề Bắc Triều Tiên, một quốc gia trong khu vực đang làm đau đầu cộng đồng quốc tế, ông Trump không có một thông điệp nhất quán, ông nói ông sẵn sàng thương lượng với lãnh tụ Kim Jong Un của nước này, và có lúc tỏ ý mong Trung Quốc ám sát ông Kim.
Những lời bình luận này đã gây quan ngại sâu sắc cho giới quan sát, họ cho rằng quan điểm của ông Trump hình như thể hiện một sự thay đổi căn bản trong chính sách của Hoa Kỳ về châu Á được sự đồng thuận của cả hai đảng trong nhiều thập kỷ qua.
Ông James Schoff, một nhà nghiên cứu lão thành thuộc Viện Carnegie nghiên cứu hoà bình quốc tế ở thủ đô Washington, nói:
“Trong lúc nhiều ứng viên tổng thống đề xuất thay đổi chiến lược châu Á, đa số làm như vậy trong khi vẫn trấn an các đồng minh của Hoa Kỳ là họ không muốn lật ngược trật tự thế giới sau chiến tranh thế giới thứ 2.”
Ông Katsuyuki Kawai, cố vấn của Thủ tướng Nhật Bản cũng là người giàn xếp cuộc gặp gỡ giữa ông Trump và ông Abe, cho biết các cố vấn của ông Trump đã nói với ông rằng: “Chúng tôi không bận tâm xét nét từng lời phát biểu của ông Trump khi vận động trước công chúng.”
Nhiều nhà lãnh đạo châu Á đang dõi theo mọi động thái của ông Trump
Tại một sự kiện ở Washington hôm thứ Tư, Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ ông Phạm Quang Vinh không muốn bình luận về chính sách của chính quyền mới của Mỹ. Đại sứ Vinh nói: “Tôi không dám phán xét về những gì chưa xảy ra.” Nhưng ông tỏ ra lạc quan rằng mối quan hệ Mỹ-Việt và với khu vực sẽ không thay đổi quá nhiều. Ông nói:
“Châu Á tiếp tục đóng vai trò quan trọng đối với Hoa Kỳ và muốn Hoa Kỳ hiện diện trong khu vực. Và chính quyền mới nên tiếp tục duy trì sự hiện diện trong khu vực.”
Nhà phân tích Cossa ở Hawaii cũng đồng ý với ý kiến của Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ. Ông dự báo chính sách châu Á của Hoa Kỳ sẽ “tiếp tục theo hướng đi hiện nay.”