Đường dẫn truy cập

Tiến sỹ Trương: Chưa thấy dấu hiệu Mỹ hạ thấp vai trò ở châu Á, Biển Đông


VN 'nghe ngóng' khả năng thay đổi chính sách Mỹ về Biển Đông
please wait

No media source currently available

0:00 0:01:29 0:00

VN 'nghe ngóng' khả năng thay đổi chính sách Mỹ về Biển Đông

Học viện Ngoại giao Việt Nam phối hợp với Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông và Hội Luật gia vừa tổ chức một hội thảo với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực” trong hai ngày 14 và 15/11 tại thành phố Nha Trang.

Hội thảo quốc tế thứ 8 về Biển Đông có sự tham gia của hơn 150 chuyên gia, nhà ngoại giao, và học giả đến từ nhiều nước. Tiến sỹ Lê Vĩnh Trương thuộc Quỹ Nghiên cứu Biển Đông cũng tham gia hội thảo và trả lời phỏng vấn của VOA về những vấn đề đáng quan tâm.

VOA: Xin ông cho biết một số vấn đề nổi bật nhất hoặc mới nhất từ trước đến nay được thảo luận tại hội thảo về Biển Đông ở Nha Trang vừa qua?

TS. Lê Vĩnh Trương: Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ 8 về Biển đông với chủ đề Hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực trong các ngày 14 và 15/11/2016 tại Nha Trang, theo quan sát của chúng tôi, xoay quanh các chủ đề như là tình hình biển Đông sau khi Tòa trọng tài thường trực ra phán quyết ngày 12/7/2016 (phán quyết PCA 12/7/2016); tình hình cải tạo đá phi pháp của Trung Quốc ngày càng nghiêm trọng; vấn đền môi trường theo đó cũng xuống cấp: hơn 20 bãi san hô tại Trường Sa đã bị phá hủy; các cuộc tái cơ cấu quyền lực ảnh hưởng đến tình hình Biển Đông nói chung.

Như Tiến Sĩ Nguyễn Vũ Tùng mở đầu, suốt tám lần tổ chức hội nghị vẫn chỉ một câu hỏi trăn trở. Đó có lẽ là an ninh và phát triển, mục tiêu lớn nhất của hội nghị.

VOA: Ông thấy có phân tích, nhận định, dự báo nào gây chú ý nhất, hoặc gây tranh cãi nhất? Cơ sở thực tiễn của những phân tích, nhận định, dự báo đó vững chắc hoặc không vững chắc đến mức nào?

TS. Lê Vĩnh Trương: Chúng tôi nhận xét vấn đề đáng chú ý nhất là sự khẳng định của các học giả Trung Quốc rằng Trung Quốc sẽ không thay đổi đường hướng đối với đường chữ U [còn gọi là đường lưỡi bò], bất chấp phán quyết PCA 12/7/2016 như thế nào.

Tác giả Teng Jianqun (TQ) nhắc lại rằng Trung Quốc đã đề nghị “gác tranh chấp, cùng khai thác” song không được hưởng ứng và hiện nay TQ sẽ đi đường lối của mình. TS Shi Yinhong (TQ) còn nhắc lại phán quyết PCA là "một đống giấy lộn".

Song TS Tống Yến Huy (Đài Loan) nhận xét TQ có thay đổi, không phải cứng nhắc trong các lý lẽ. Dĩ nhiên, các thay đổi đó, nếu có, có nhằm hướng đến một khung cảnh an ninh và phát triển hơn đối với khu vực và thế giới hay không, đó lại là một chuyện khác.

Điều thứ hai đáng lưu ý là các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống đã được gia tăng quan tâm từ các diễn giả đến khắp từ nơi, như Elina Noor nói về tin tặc và tình báo mạng, Ulises Granados nêu ra các ghi chép lịch sử bổ sung sẽ có thể giúp giải quyết vấn đề Biển Đông, Gregory Poling với các hình ảnh về việc tôn tạo đảo của TQ và các nước.

Các diễn giả và người thảo luận đã làm việc rất trách nhiệm và khoa học hướng đến giải trừ những nguy cơ bàng bạc khắp Biển Đông.

Những phân tích và dự báo có sâu sát đến mấy đi nữa cũng không thể được đánh giá sẽ vững chắc đến đâu, song điều có thể xem là lạc quan đó chính là hội nghị sẽ có thể chuyển tải các mối quan tâm này đến các nhà làm chính sách và giảm nhẹ các yếu tố ẩn (hidden agenda) của các quốc gia để chính giới các nước có quyết định phù hợp.

VOA: Ông thấy Việt Nam thể hiện thái độ, mức độ quan ngại thế nào đối với kết quả bầu cử Mỹ và tác động của nó đến Biển Đông?

TS. Lê Vĩnh Trương: Như đã nêu, bản thân tên gọi của hội nghị bao hàm “an ninh và phát triển”, có an ninh mới có thể có phát triển bền vững. Những nhà tổ chức cũng khẳng định từ đầu rằng vấn đề các tái cơ cấu quyền lực sẽ ảnh hưởng lớn đến động hướng của các nước.

Không chỉ ở các điều chỉnh từ lớn nhất là Mỹ, Philippines, Malaysia, những thay đổi có thể xảy ra ở Hàn Quốc cũng được bàn luận. Cả hội nghị nói chung và người VN quan tâm nói riêng có mặt trong hội nghị đều quan ngại lớn đến các điều chỉnh từ các nước vừa nêu do các nước này là những tác nhân (player) chính trong vấn đề Biển Đông và xa hơn là Đông Á.

VOA: Ông dự báo thế nào về những động thái hoặc chính sách của chính quyền mới của Mỹ đối với Biển Đông?

TS. Lê Vĩnh Trương: Theo chúng tôi quan sát, ông Donald Trump đưa ra một loạt các chương trình trong tranh cử, song sau tranh cử thì chưa có dấu hiệu tiến hành trong các việc như Obamacare, xây dựng hàng rào Mexico, ứng xử với bà Hillary Clinton, điện thoại trấn an bà Park Geun-hye do vậy chính sách của chính quyền mới cũng sẽ theo một hướng có tham cứu hơn đối với Biển Đông.

Ông Donald Trump đánh giá cao sức mạnh đàm phán người-người và đặt nặng vấn đề thương mại với Trung Quốc như 1 thương gia. Mỹ đã có sức mạnh mặc cả không nhỏ với Trung Quốc tại Biển Đông.

Nếu là một tổng thống-thương gia tốt chính quyền Trump sẽ không đột ngột xoay ngược trục mà không có lợi ích đi kèm hoặc đánh đổi đơn giản.

Ngoài ra, các tham mưu tương lai - theo các báo mạng - của ông Trump như Peter Navarro, Judy Giuliani, Michael Pillsbury cho thấy họ là những người hiểu chính trị thực dụng và hiểu Trung Quốc, do vậy tại Biển Đông chúng tôi đánh giá chưa có sự hạ thấp vai trò từ ê kíp của ông Trump.

VOA: Ông dự báo thế nào về những động thái hoặc chính sách của Trung Quốc liên quan đến Mỹ và Biển Đông?

TS. Lê Vĩnh Trương: Trung Quốc sẽ quan sát sức mặc cả của chính quyền Donald Trump trong các phát biểu mang tính chủ nghĩa cô lập Mỹ như thế nào, các quốc gia đồng minh và đối tác của Mỹ ứng xử ra sao với thái độ và hành động mới của Mỹ - tự lo cho an ninh đến mức nào, và lo được đến mức nào - thì sẽ chuyển biến.

Chúng tôi dự báo các chuyển biến này của TQ sẽ diễn ra rất nhanh từ kinh nghiệm Việt Nam ở năm 1974, 1988, 1990.

Song về vấn đề Biển Đông chúng tôi chưa thấy dấu hiệu của một sự tự hạ thấp vai trò của Mỹ thông qua D.Trump và ê kíp của Tổng thống tân cử.

VOA: Xin cảm ơn Tiến sỹ Trương!

XS
SM
MD
LG