Tại Bangladesh, ngư dân được sự hỗ trợ của các đối tác khác thường: đó là những con rái cá sống trong sông ngòi. Từ nhiều thế hệ, ngư dân đã huấn luyện những con rái cá sông này đi bắt cá. Nhưng truyền thống hiếm có này đang phai mờ vì sông ngòi thay đổi và trở nên ô nhiễm hơn, không còn nhiều cá để đánh bắt nữa. Từ Khulna, thông tín viên VOA Amy Yee gửi về bài tường thuật.
Trên chiếc thuyền gỗ dài, những chú rái cá sông vặn vẹo kêu la bên trong một cái hộp tre. Vào ngày mùa thu ấm áp này tại Quận Narail, ngư dân lái chiếc thuyền dọc theo dòng nước xanh trên con sông Chitra. Khi mở chiếc hộp ra, 6 con rái cá màu nâu chen nhau ra và nhảy vào nước. Chúng vui mừng lướt theo thuyền do ngư dân lái bằng những mái chèo dài.
Từ ít nhất 2 thế kỷ, rái cá nổi tiếng về tài bắt cá đã giúp ngư dân ở miền tây nam Bangladesh đuổi cá vào một cái lưới to móc vào thuyền. Ngày nay, 3 trong số những con rái cá bóng loáng được cột bằng dây chừng gắn vào những thanh kéo dài từ thuyền ra. Những sợi “xích” này để cho rái cá bơi cách thuyền khoảng 6 mét.
Đây là một gia đình rái cá với bố mẹ và 4 đứa con khoảng 1 tuổi. Những con rái cá nhỏ không bị xích vào thuyền nhưng không đi lạc ra xa cha mẹ lúc bơi. Những con rái cá trưởng thành nặng từ 6 đến 10 kí, hoặc 20 cân Anh, và dài khoảng 90 phân, đo từ mũi đến đuôi.
Chúng bơi lội trong dòng sông với những gương mặt trông giống như những con mèo thò đầu ra khỏi nước. Rồi chúng liệng vào một bờ sông sình lầy và vui đùa lăn lộn trước khi nhảy trở lại vào nước.
Những con rái cá này đang chơi hay làm việc? Ngư dân hạ lưới xuống nước vào lúc tiếng kinh cầu vang trên dòng sông. Khi kéo lưới lên thì chỉ được một mẻ tôm và cá con thảm hại. Họ ném phần lớn những con bé trở lại dòng sông nơi những con rái cá dùng những bàn chân có mạng để bắt cá.
Nhưng ngư dân và những con rái cá làm việc tốt nhất là vào ban đêm, là lúc bắt được từ 10 đến 15 kí cá. Họ có thể kiếm được khoảng 2.000 taka, tương đương với 25 đôla, một ngày, chia ra giữa nhiều ngư dân. Họ cho những con rái cá ăn khoảng 4 kí cá mỗi ngày. Và những con rái cá này có thể kiếm ăn thêm trong khi làm việc.
Ông Robin Biswas là một ngư dân 40 tuổi ở xã Gopra và là chủ những con rái cá này. Ông nói cha và ông nội của mình cũng đã đi đánh cá cùng với những con thú này. Nhưng vào đời cha ông, thì có khoảng 100 gia đình trong xã đi đánh cá cùng với những con rái cá. Ngày nay chi còn có 12 gia đình.
Ông Biswas nói nước sông mặn hơn vì thế ít cá hơn. Các cửa cống kiểm soát luồng nước chảy giữa các con sông cũng ngăn sự đi lại của cá lớn hơn. Và dân làng muốn làm những công việc dễ dàng và đáng tin cậy hơn.
Ông Biswas nói, “Nay chúng tôi không kiếm được nhiều tiền. Thời cha tôi, họ kiếm được nhiều hơn.”
Đi đánh cá cùng những con rái cá là một truyền thống chỉ ở vài quận tại Bangladesh gần vùng rừng ngập mặn. Nước này có hàng trăm con sông, nhưng dã sinh bị đe doạ vì ô nhiễm nước và sự xâm lấn môi trường sinh sống. Các nhà sinh học nói ngư dân giúp duy trì số rái cá còn sống bằng cách cho ăn và chăm sóc chúng.
Có khoảng 300 ngư dân đánh cá cùng với những con rái cá ở các quận Narail và Khulna, theo các nhà khảo cứu thuộc trường Đại học Jahngirnagar ở Dhaka. Họ ghi nhận có 176 con rái cá giúp ngư dân, theo một cuộc khảo cứu công bố vào năm 2011.
Cách đây hơn 1 thập niên, có hơn 500 con rái cá đi săn cá.
Tuy nhiên, ông Biswas nói ông sẽ tiếp tục làm việc cùng những con rái cá này, chừng nào còn cá để đánh bắt.
Ông nói: “Rái cá là truyền thống của chúng tôi. Nó đến cùng với ông nội chúng tôi. Chúng tôi yêu rái cá và chúng tôi sống nhờ đánh bắt cá. Rái cá giúp chúng tôi.”
Nhưng nếu ngư dân không thể kiếm sống, thì họ không thể nuôi rái cá được nữa.
Truyền thông độc đáo huấn luyện rái cá bơi cạnh những ngư thuyền ở Bangladesh có thể sẽ chỉ còn lại trong ký ức.