Đường dẫn truy cập

Tối cao Pháp viện Bangladesh y án tử hình lãnh tụ phe Hồi giáo


Ông Kamaruzzaman, 62 tuổi, phó Tổng thư ký Đảng Jamaat-e-Islami, bị xét can tội giết hại mấy mươi thường dân trong cuộc chiến đẫm máu năm 1971.
Ông Kamaruzzaman, 62 tuổi, phó Tổng thư ký Đảng Jamaat-e-Islami, bị xét can tội giết hại mấy mươi thường dân trong cuộc chiến đẫm máu năm 1971.

Tối cao Pháp viện Bangladesh đã y án tử hình của một chính khách Hồi giáo bị tòa xét là đã phạm các tội ác chiến tranh trong cuộc chiến giành độc lập năm 1971. Theo tường thuật của thông tín viên Anjana Pasricha của đài VOA ở New Dehli, đây là phán quyết có tội thứ ba mà tòa án tội ác chiến tranh ở Bangladesh loan báo trong tuần qua, và một số người cho rằng công lý rốt cuộc đã được thể hiện trong lúc một số người nói rằng đây chỉ là những vụ trả thù chính trị.

Một nhóm các cựu chiến binh đã reo hò mừng rỡ bên ngoài trụ sở Tối cao Pháp viện khi tòa án y án tử hình mà một tòa án đặc biệt đã tuyên cho ông Mohammad Kamaruzzaman cách nay một năm rưỡi.

Ông Kamaruzzaman, 62 tuổi, phó Tổng thư ký Đảng Jamaat-e-Islami, đã bị tòa xét là can tội giết hại mấy mươi thường dân khi ông chỉ huy một nhóm dân quân thân Pakistan trong cuộc chiến đẫm máu năm 1971, khi Bangladesh tách khỏi Pakistan để độc lập.

Phán quyết hôm nay được loan báo một ngày sau khi một lãnh tụ cấp cao khác của Đảng Jamaat-e-Islami, ông Mir Quasem Ali, bị tòa xét là can tội sát nhân, bắt cóc và tra tấn. Nhiều người tin rằng nhà tài phiệt ngành truyền thông này là một nhà tài trợ chính của Đảng Jamaat-e-Islami.

Phán quyết thứ ba trong tuần qua liên quan tới bị cáo nổi tiếng nhất của tòa án xét xử tội ác chiến tranh – đó là người đứng đầu Đảng Jamaat-e-Islami, ông Motiur Rahman Nizami. Ông bị tuyên án tử hình hôm thứ tư sau khi bị xét là can tội diệt chủng, tra tấn và hãm hiếp.

Hàng vạn người đã bị các dân quân Hồi giáo thân Pakistan giết hại của cuộc đấu tranh giành độc lập của Bangladesh.

Các công tố viên nói rằng những bản án này sẽ chấm dứt điều họ gọi là “văn hóa của sự phạm tội mà không bị trừng trị.”

Cho đến nay, các bản án của 12 người đã được tuyên bởi tòa án được thiết lập năm 2010 bởi Thủ tướng Sheikh Hasina. Tất cả các bị cáo là chính khách thuộc phe đối lập, và hầu hết là người thuộc Đảng Jamaat-e-Islami.

Sự kiện này khiến những người chỉ trích tố cáo Thủ tướng Hasina lợi dụng các phiên xử để đàn áp phe đối lập.

Giáo sư Atur Rahman của Đại học Dhaka nói rằng tuy công chúng phần lớn ủng hộ việc mang những kẻ có tội trong cuộc chiến 1971 ra trước ánh sáng công lý, nhưng một số người có thái độ nghi ngờ trước việc hàng loạt án tử hình được tuyên.

"Tôi có thể nói rằng người dân nói chung là hài lòng với những vụ xét xử, nhưng họ không hài lòng với các bản án. Bởi vì hầu hết các bản án là án tử hình. Án tử hình trong tất cả các vụ án có vẻ như công lý không được thể hiện. Cho nên nó giống như một việc được dàn dựng."

Những bản án nặng nề đã làm bùng ra những phản ứng bạo động hồi năm ngoái, gây tử vong cho hơn 200 người trong những vụ xuống đường biểu tình. Tuy nhiên, bạo động dường như đã giảm dần. Một cuộc đình công toàn quốc đã được kêu gọi ngày hôm qua, nhưng không có tin gì về bạo động.

Những vụ xử này là một thất bại đối với Đảng Jamaat-e-Islami, đảng Hồi giáo lớn nhất nước. Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo rằng đảng này vẫn có sự hậu thuẫn rộng rãi trong quần chúng, mặc dù các nhân vật lãnh đạo cấp cao của họ bị cầm tù hoặc bị tòa án kết tội.

Giáo sư Amena Mohsin của Đại học Dhaka cho rằng các bản án này không phải là một đòn nặng giáng vào Đảng Jamaat-e-Islami.

"Đây là những gì đã xảy ra vào năm 1971. Có hàng ngũ lãnh đạo trẻ hoặc thế hệ trẻ đang xuất hiện. Có thể là thế hệ này của đảng này cũng muốn giũ bỏ những tội lỗi này để xuất hiện như một đảng khác, như một đảng dân chủ. Đó là những gì mà Jamaat cần phải giải quyết bên trong nội bộ của họ."

Tuy 3 án tử hình được tuyên liên tiếp trong tuần vừa qua, nhiều nhà phân tích tin rằng chính phủ của bà Hasina có thể sẽ không vội vã thi hành các bản án để tránh xảy ra những vụ rối loạn hoặc khích động những tố cáo về trả thù chính trị. Bà Hasina nói rằng đây là một nỗ lực lẽ ra phải được thực hiện từ lâu để mang lại công lý cho nạn nhân của những tội phạm cách nay hơn 4 thập niên.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG