Đường dẫn truy cập

Ông Netanyahu tuyên bố Israel sẽ vẫn là đồng minh chủ chốt của Mỹ bất kể ai thay thế Tổng thống Biden


Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (trái) gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden bên lề cuộc họp Đại hội đồng Liên hợp quốc lần thứ 78 tại New York ngày 20/9/2023.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (trái) gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden bên lề cuộc họp Đại hội đồng Liên hợp quốc lần thứ 78 tại New York ngày 20/9/2023.

Israel sẽ là đồng minh mạnh nhất của Hoa Kỳ ở Trung Đông bất kể ai được bầu làm tổng thống Mỹ vào tháng 11, Thủ tướng Benjamin Netanyahu cho biết như vậy hôm 22/7 trước khi bay tới Washington, nơi ông dự kiến sẽ phát biểu trước Quốc hội Hoa Kỳ.

Đây sẽ là chuyến thăm đầu tiên của ông Netanyahu tới đồng minh quốc tế quan trọng nhất của ông kể từ khi ông trở lại làm thủ tướng sau khi giành được nhiệm kỳ thứ sáu kỷ lục vào cuối năm 2022. Chuyến đi đã bị lu mờ bởi quyết định không tái tranh cử của Tổng thống Joe Biden.

Ông Netanyahu cho biết ông sẽ cảm ơn ông Biden vì tất cả những gì vị tổng thống Mỹ đương nhiệm đã làm cho Israel trong suốt sự nghiệp của mình và thảo luận với ông về các vấn đề như đảm bảo thả con tin Israel ở Gaza, đánh bại nhóm Hồi giáo Hamas ở Palestine cũng như đối đầu với Iran và các lực lượng ủy nhiệm của nước này trong khu vực.

Cuộc gặp với ông Biden dự kiến được lên kế hoạch cho ngày 23/7 nếu vị tổng thống 81 tuổi khỏi bệnh sau khi nhiễm Covid-19. Ông Netanyahu dự kiến sẽ phát biểu trước Quốc hội Mỹ vào ngày 24/7.

“Tôi sẽ nói với bạn bè của mình ở cả hai phía rằng bất kể người dân Mỹ chọn ai làm tổng thống tiếp theo, Israel vẫn là đồng minh mạnh mẽ và không thể thiếu của Mỹ ở Trung Đông,” ông nói với các phóng viên trước khi máy bay cất cánh.

“Trong thời điểm chiến tranh và bất ổn này, điều quan trọng là kẻ thù của Israel biết rằng Mỹ và Israel sát cánh cùng nhau hôm nay, ngày mai và luôn luôn như vậy”, ông Netanyahu nói và cho biết thêm ông muốn “thu hút sự ủng hộ của lưỡng đảng, vốn rất quan trọng đối với Israel”.

Sau nhiều tháng quan hệ lạnh nhạt với Washington về cách Israel tiến hành cuộc tấn công ở Gaza theo sau cuộc tấn công do Hamas lãnh đạo vào ngày 7 tháng 10, chuyến thăm mang đến cho ông Netanyahu một nền tảng để tìm cách thiết lập lại quan hệ với Washington.

Bài phát biểu của ông trước Quốc hội dự kiến sẽ tập trung vào việc phối hợp phản ứng của Israel và Mỹ trước tình hình bất ổn ở Trung Đông, nơi có nguy cơ ngày càng tăng rằng cuộc chiến Gaza sẽ lan sang một cuộc xung đột khu vực rộng lớn hơn.

Bài phát biểu có thể sẽ ít mang tính đối đầu hơn bài phát biểu mà ông Netanyahu đưa ra trước Quốc hội Mỹ vào năm 2015, khi ông chỉ trích nỗ lực của ông Barack Obama với tư cách là tổng thống vì một thỏa thuận hạt nhân với Iran.

Áp lực

Áp lực của Mỹ đối với Israel về việc nối lại các cuộc đàm phán nhằm đạt được thỏa thuận chính trị với người Palestine và lời đe dọa từ chối cấp vũ khí của Mỹ đã làm tăng thêm nhận thức ở Israel rằng mối quan hệ với Washington đã suy yếu dưới thời ông Netanyahu. Ông cũng phải đối mặt với các cuộc biểu tình ở Israel yêu cầu ngừng bắn ở Gaza.

“Một phần của mục tiêu là cố gắng chứng tỏ rằng bất chấp tất cả những gì đã nói, bất chấp tất cả các cuộc biểu tình, ông Netanyahu vẫn là nhà lãnh đạo, vẫn có sự ủng hộ, ông ấy vẫn có mối quan hệ bền chặt với Mỹ,” chuyên gia quan hệ quốc tế tại Đại học Do Thái ở Jerusalem, Yonatan Freeman, cho biết.

Lời mời ông Netanyahu phát biểu tại một cuộc họp chung của Quốc hội – một vinh dự hiếm hoi thường dành cho các đồng minh thân cận nhất của Hoa Kỳ – được dàn dựng bởi lãnh đạo Đảng Cộng hòa của Hạ viện. Họ cáo buộc ông Biden không thể hiện đủ sự ủng hộ đối với Israel.

Không có dấu hiệu ngay lập tức cho thấy ông Netanyahu sẽ gặp ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump. Hai người đã xây dựng mối quan hệ thân thiết trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump nhưng ông Trump sau đó đã chỉ trích ông Netanyahu và nói rằng cuộc chiến ở Gaza phải kết thúc nhanh chóng.

Mặc dù sự chào đón đối với ông Netanyahu tại Quốc hội Mỹ nói chung là nồng nhiệt, nhưng các cuộc biểu tình đang làm náo loạn các trường đại học ở Hoa Kỳ cho thấy sự tiếp đón ông Netahyahu bên ngoài Washington có thể mang tính thù địch.

Các nhà hoạt động phản đối cuộc tấn công của Israel ở Gaza và sự ủng hộ của Washington đối với Israel đã lên kế hoạch biểu tình tại Tòa nhà Quốc hội Mỹ vào ngày 24/7. Cảnh sát dự kiến rằng sẽ có "một số lượng lớn người biểu tình" và đang thực hiện các biện pháp an ninh bổ sung nhưng cho biết chưa có mối đe dọa nào được biết đến.

Israel đã bị quốc tế cô lập vì chiến dịch của họ ở Gaza, trong đó cơ quan y tế Gaza cho biết đã làm gần 39.000 người Palestine thiệt mạng. Chiến dịch đã mở rộng xây dựng khu định cư ở Bờ Tây bị chiếm đóng và làm dấy lên các cuộc tấn công của người định cư Do Thái vào người Palestine.

Một quan điểm được Tòa án Công lý Quốc tế đưa ra hôm 19/7 rằng việc Israel chiếm đóng các vùng lãnh thổ của Palestine là bất hợp pháp đã bị Washington chỉ trích. Nhưng trước đó đã có những quan điểm tương tự, bao gồm quyết định của công tố viên Tòa án Hình sự Quốc tế nhằm xin lệnh bắt giữ ông Netanyahu.

Tại Israel, ông Netanyahu phải đối mặt với những lời kêu gọi ngày càng tăng về một thỏa thuận nhằm tạm ngừng giao tranh ở Gaza và cho phép trao trả 120 con tin – dù còn sống hay đã chết – hiện còn bị giam giữ trong khu vực do nhóm chiến binh Hamas ở Palestine điều hành.

Ông Netanyahu đã chống lại áp lực yêu cầu một cuộc điều tra về những sai sót an ninh trước cuộc tấn công vào Israel ngày 7 tháng 10, trong đó 1.200 người đã thiệt mạng và hơn 250 người bị bắt cóc ở Gaza.

Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy hầu hết người Israel đều cho rằng ông Netanyahu phải chịu trách nhiệm và sẽ loại bỏ ông nếu cuộc bầu cử được tổ chức.

Đi cùng ông Netanyahu tới Washington có bà Noa Argamani, một con tin được biệt kích Israel giải cứu vào tháng trước. Sự hiện diện của bà đã bị các gia đình của các con tin khác chỉ trích vì cho rằng ông Netanyahu đã chưa làm đủ để đảm bảo việc thả những người thân yêu của họ.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG