Đường dẫn truy cập

Trung Quốc: Taliban nóng lòng muốn được đối thoại với thế giới


Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (phải) và người đồng sáng lập Taliban Mullah Abdul Ghani Baradar tại một cuộc gặp ở Thiên Tân ngày 28/7.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (phải) và người đồng sáng lập Taliban Mullah Abdul Ghani Baradar tại một cuộc gặp ở Thiên Tân ngày 28/7.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị hôm 27/10 cho biết rằng Taliban nóng lòng muốn được đối thoại với thế giới và cho rằng cộng đồng quốc tế nên giúp Afghanistan phát triển.

Trong bài phát biểu qua video truyền tới một hội nghị ở Iran, ông Vương cho biết Bắc Kinh sẵn sàng tổ chức thêm các cuộc đàm phán giữa Afghanistan và các nước láng giềng về tương lai của đất nước này.

"Taliban rất nóng lòng được đối thoại với thế giới ... Trung Quốc sẽ tổ chức cuộc họp Các nước láng giềng của Afghanistan lần thứ ba vào thời điểm thích hợp," ông Vương nói trong phần phát biểu được kênh truyền hình nhà nước Iran truyền hình trực tiếp.

Cuộc họp của Afghanistan và các nước láng giềng có sự tham dự trực tiếp của ngoại trưởng các nước Pakistan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan, trong khi Trung Quốc và Nga tham dự qua video.

Các cuộc đàm phán diễn ra sau một hội nghị tương tự liên quan đến các quốc gia láng giềng của Afghanistan do Pakistan tổ chức vào tháng 9, nhằm thiết lập hòa bình lâu dài ở Afghanistan.

Trung Quốc, quốc gia không tham chiến ở Afghanistan, có thái độ hoà hoãn với Taliban kể từ khi nhóm này giành lại quyền lực ở Kabul sau khi lực lượng của Mỹ rút lui khỏi Afghanistan vào tháng 8.

Mỹ và các nước phương Tây khác đang tìm cách dàn xếp với Taliban và đảm bảo nguồn viện trợ nhân đạo được đưa vào nước này, mà không công nhận tính chính danh của Taliban.

Các quan chức Mỹ và đại diện của Taliban trong tháng này đã thảo luận về việc hỗ trợ nhân đạo cho Afghanistan tại Qatar nhưng Washington cho biết các cuộc họp này không có nghĩa là Mỹ công nhận Taliban.

Mỹ và các quốc gia phương Tây khác miễn cưỡng trong việc cung cấp tài chính cho Taliban cho đến khi phong trào chiến binh Hồi giáo này đưa ra những đảm bảo rằng họ sẽ duy trì nhân quyền, và đặc biệt là quyền của phụ nữ.

Tại hội nghị hôm 27/10 ở Iran, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Hossein Amirabdollahian đã ủng hộ việc thành lập một chính phủ toàn diện ở Afghanistan, theo truyền hình nhà nước đưa tin. Phát biểu của ông lặp lại lập trường chính thức của Iran.

Người Hồi giáo Shia ở Iran luôn là kẻ thù của Taliban theo phái Hồi giáo Sunni trong nhiều thập kỷ qua, nhưng trong vài năm gần đây, họ đã công khai gặp gỡ các thủ lĩnh Taliban. Vào tháng 7, Tehran đã tổ chức một cuộc họp của các đại diện của chính phủ Afghanistan lúc đó với một ủy ban chính trị cao cấp của Taliban.

Iran đã chỉ trích Taliban, lực lượng chiếm quyền kiểm soát Afghanistan vào tháng 8, vì không đưa các thành phần dân tộc thiểu số vào chính phủ.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG