Đường dẫn truy cập

Khảo sát: Đa số người Mỹ ủng hộ nhận người tị nạn Afghanistan


TƯ LIỆU - Người tị nạn Afghanistan xếp hàng lấy thức ăn tại Doña Ana Village trong căn cứ Fort Bliss nơi họ được cho tạm trú ở Chaparral, bang New Mexico, ngày 10 tháng 9, 2021.
TƯ LIỆU - Người tị nạn Afghanistan xếp hàng lấy thức ăn tại Doña Ana Village trong căn cứ Fort Bliss nơi họ được cho tạm trú ở Chaparral, bang New Mexico, ngày 10 tháng 9, 2021.

Hầu hết người dân ở Mỹ muốn thấy những người Afghanistan từng làm việc với Mỹ được cho tái định cư ở Hoa Kỳ, theo một cuộc khảo sát ý kiến mới. Kết quả này xác nhận sự ủng hộ đến từ mọi quan điểm chính trị dành cho những người từng là phiên dịch viên quân sự và những người khác đang tìm cách thoát khỏi sự cai trị của Taliban.

Cuộc khảo sát từ hãng tin Associated Press và Trung tâm Nghiên cứu Sự vụ Công NORC cho thấy 72% người Mỹ nói rằng họ ủng hộ việc Mỹ cấp quy chế tị nạn cho những người từng làm việc với chính phủ Mỹ hoặc Afghanistan trong cuộc chiến ở Afghanistan, nếu họ vượt qua được cuộc kiểm tra an ninh.

Trong thời buổi chia rẽ chính trị gay gắt, khoảng ba phần tư cả những người theo Đảng Cộng hòa lẫn Đảng Dân chủ đều ủng hộ nhận những người Afghanistan này vào Mỹ tị nạn. Nhìn chung, chỉ 9% người Mỹ nói rằng họ phản đối.

“Chúng ta nợ họ,” Andrew Davis, 62 tuổi, một cựu chiến binh Lục quân và theo Đảng Cộng hòa ở Galloway, bang Ohio, nói với AP: “Nếu họ đã giúp chúng ta, tôi nghĩ họ ở lại đó rất là nguy hiểm.”

Cuộc khảo sát cho thấy nhiều người ủng hộ hơn là phản đối việc Mỹ tiếp nhận những người Afghanistan khác nếu họ vượt qua được kiểm tra an ninh. Dù vậy, chưa đến một nửa, 42%, ủng hộ nhóm người tị nạn đó, trong khi 26% phản đối. Thêm 31% nói rằng họ không ủng hộ hay phản đối.

Nhiều người theo Đảng Dân chủ hơn những người the Đảng Cộng hòa ủng hộ cấp quy chế tị nạn cho những người khác sợ sống ở đất nước do Taliban cai trị, 57% so với 27%. Hai mươi phần trăm người theo Đảng Dân chủ phản đối, trong khi 23% không ủng hộ cũng không phản đối. Trong số những người theo Đảng Cộng hòa, 38% phản đối và 35% không có ý kiến.

Nhiều người gốc Việt ở Mỹ, từng rời khỏi Việt Nam trong hoàn cảnh tương tự khi Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ vào năm 1975, cũng bày tỏ cảm thông và ủng hộ dành cho những người Afghanistan này.

Bác sĩ Nguyễn Văn Nghi, cư dân thành phố Pittsburgh của bang Pennsylvania, rời Việt Nam vài ngày trước 30/4/1975. Ông kể lúc đầu ông chỉ định đưa người chị vợ là nhân viên của lãnh sự quán Mỹ ở Cần Thơ lên Sài Gòn di tản, nhưng rồi ông quyết định cùng di tản khi đến địa điểm tụ tập.

Ông nói trước đó ông đã nhận thư đe dọa từ Việt Cộng trong khi ông công tác trong tư cách một bác sĩ biệt phái dân sự. Quyết định ra đi chóng vánh của ông xuất phát từ nỗi lo sợ những lời đe doạ đó, ông nói.

“Nhìn từ hoàn cảnh của mình, những người ở lại bị bỏ tù hoặc là chết chóc, tôi nghĩ vấn đề đó là vấn đề đạo đức, tình nghĩa mà người Mỹ phải làm,” ông nói. “Người Mỹ đã làm cho người Nam Việt Nam thì người Mỹ cũng phải làm cho người Afghanistan.”

“Tôi hoàn toàn ủng hộ ý kiến phải di tản những người đó và phải đem họ vào trong nước Mỹ và kiếm cách cho họ tạo dựng một đời sống mới.”

Không chỉ ủng hộ, một số người gốc Việt còn chủ động hỗ trợ những người Afghanistan đã đặt chân đến Mỹ, bằng nhiều hình thức khác nhau. Tại thành phố Houston ở bang Texas, có sự ủng hộ rất lớn dành cho những người tị nạn Afghanistan và truyền thông địa phương thường xuyên tường trình về những hoạt động quyên góp hỗ trợ, theo ông Trần Quốc Anh, chủ tịch Cộng đồng Người Việt Quốc gia Houston và Vùng Phụ cận.

“Thời xưa mình cũng là tị nạn cho nên Quốc Anh và cộng đồng mình rất là muốn giúp đỡ những người Afghanistan vì hoàn cảnh của họ cũng y chang như mình,” ông nói và cho biết thêm đã ghi danh với các tổ chức thiện nguyện địa phương để đóng góp đồ dùng gia đình được quyên tặng bởi các thành viên trong cộng đồng người Việt.

“Khi mà người ta dọn về đây ở thì người ta nói là cần bàn, ghế, giường, nồi ăn, bát, đĩa, thì trung tâm sinh hoạt cộng đồng của chúng ta có rất là nhiều những thứ đó… Hễ những gia đình Afghanistan nào tới định cư mà cần những dụng cụ đó thì tới cộng đồng, cộng đồng sẽ chào đón, và cộng đồng chúng ta sẽ giúp, nếu họ cần thứ gì đi nữa.”

Ông Quốc Anh, hiện là trung tá trong lực lượng Dự bị Lục Quân Hoa Kỳ, cho biết ông vượt biên rời khỏi Việt Nam để sang Mỹ tị nạn cộng sản vào năm 1982 .

Cuộc khảo sát của AP-NORC với 1.099 người trưởng thành được thực hiện từ ngày 23 đến 27 tháng 9 bằng cách sử dụng một mẫu được thiết kế để mang tính đại diện cho dân số Mỹ. Biên độ sai số lấy mẫu đối với tất cả người trả lời là cộng hoặc trừ 4,2 điểm phần trăm.

Bài viết sử dụng thông tin của AP.

VOA Express

XS
SM
MD
LG