Thủ tướng Ấn Ðộ hô hào cho sự hợp tác của nước ông với Trung Quốc để xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho thế giới. Theo tường thuật của thông tín viên Anjana Pasricha của đài VOA ở New Dehli, Ấn Ðộ và Trung Quốc theo dự liệu sẽ tăng cường các mối quan hệ thương mại trong chuyến viếng thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình trong tuần này, nhưng một vụ đụng độ ở biên giới nêu bật vụ tranh chấp lãnh thổ kéo dài lâu năm và gây mất tin tưởng chính trị giữa hai nước.
Thủ tướng Ấn Ðộ Narendra Modi đã bày tỏ sự lạc quan trong lúc chuẩn bị tiếp đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày mai. Nhà lãnh đạo Ấn Ðộ nói rằng “những mối quan hệ của chúng tôi có một hiệu ứng hóa học đặc biệt,” và hai nước nên hợp tác với nhau để thúc đẩy cho sự tiến bộ của hai cường quốc châu Á cũng như của toàn thể châu Á và của cả thế giới.
Tuy nhiên, một ngày trước khi nhà lãnh đạo Trung Quốc đến Ấn Ðộ, một vụ đụng độ giữa binh sĩ hai nước đã xảy ra dọc theo biên giới ở Hy Mã Lạp Sơn. Đây là vụ mới nhất trong một loạt những vụ đối đầu ở biên giới đã làm gia tăng sự nghi ngại của Ấn Ðộ đối với ý đồ thật sự của Bắc Kinh.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ấn Ðộ Syed Akbaruddin hôm nay khẳng định nước ông sẵn sàng bảo vệ biên giới và cho biết vụ tranh chấp này sẽ nằm trong nghị trình thảo luận giữa hai nhà lãnh đạo.
"Các quân nhân dũng cảm của chúng tôi ở biên giới sẽ ứng phó với bất cứ vấn đề nào xảy ra ở biên giới. Chúng tôi tin rằng biên giới của chúng tôi đang nằm trong những đôi tay an toàn. Về phần những vấn đề sẽ được mang ra thảo luận, những vấn đề chưa giải quyết kể cả vấn đề biên giới, có được bàn tới hay không? Câu trả lời của tôi là có."
Tuy không mấy ai nghĩ rằng sẽ có một giải pháp nhanh chóng cho vụ tranh chấp kéo dài và từng gây ra cuộc chiến tranh giữa Ấn Ðộ với Trung Quốc vào năm 1962, nhưng cả New Dehli lẫn Bắc Kinh đều tuyên bố vấn đề này không nên gây cản trở cho việc cải thiện quan hệ.
Theo dự liệu, cao điểm của chuyến viếng thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ là việc loan báo những dự án đầu tư nhiều tỉ đô la của Trung Quốc vào các lãnh vực đường sắt, chế tạo và cơ sở hạ tầng ở Ấn Ðộ.
Ấn Ðộ muốn thu hút thêm đầu tư của Trung Quốc để tìm cách cân bằng khoản thâm hụt mậu dịch với Trung Quốc lên tới hơn 35 tỉ đô la. Một số nhà quan sát nói rằng nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể hứa hẹn những khoản đầu tư nhiều hơn Nhật Bản, là nước hồi gần đây đã cam kết đầu tư 34 tỉ đô la vào Ấn Ðộ.
Mặc dù quan hệ thương mại đang có đà tiến, cả hai cường quốc này đang tìm cách tăng cường vị thế chiến lược của họ ở Châu Á.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc đến Ấn Ðộ sau khi tới thăm Sri Lanka và quần đảo Maldive. Đây là lần đầu tiên một vị chủ tịch nước của Trung Quốc tới thăm 2 quốc gia Nam Á này.
Tại Sri Lanka, ông Tập Cận Bình sẽ dự lễ khởi công của một dự án 1 tỉ 400 triệu đô la của Trung Quốc để xây dựng một thành phố cảng.
Tuy những hoạt động đầu tư như vậy giúp cho vị thế của Trung Quốc tăng cao trong khu vực, bao gồm những tuyến hàng hải vô cùng quan trọng cho công nghiệp Trung Quốc, các dự án đó làm gia tăng mối lo ngại của Ấn Ðộ về việc bị Bắc Kinh bao vây.
Để đáp lại, New Dehli cũng đang tìm cách nâng cao vị thế ở Đông Á. Hôm thứ hai vừa qua, Ấn Ðộ quyết định cung cấp cho Việt Nam một khoản tín dụng 100 triệu đô la để thực hiện những thương vụ quốc phòng và đồng ý hợp tác thăm dò dầu khí ở Biển Đông, bất chấp sự phản đối của Trung Quốc. Thủ tướng Ấn Ðộ Narendra Modi cũng đến thăm Nhật Bản hồi gần đây để xây dựng những mối quan hệ chiến lược gần gũi hơn.
Ông Bashkar Roy, một nhà phân tích của Tập đoàn Phân tích Nam Á ở New Dehli, cho biết diễn tiến đó cho thấy Thủ tướng Modi sẽ thực hiện một chính sách ngoại giao có tính chất tự tin nhiều hơn.
"Ông Modi có thể gọi thẳng tên sự việc một cách mạnh dạn hơn và bảo vệ một cách rõ ràng hơn các quyền lợi của chúng tôi. Chúng tôi cũng cần phải cư xử cho đúng với tầm cỡ và mức độ phát triển của mình."
Ông Tập Cận Bình ngày mai sẽ bắt đầu chuyến viếng thăm tại Gujarat, tiểu bang nhà của Thủ tướng Modi. Tại đây ông sẽ ký kết những hiệp định để xây dựng một khu công nghiệp.