Trong khi các nhà lãnh đạo phong trào dân chủ của Hong Kong đang suy tính bước kế tiếp trong nỗ lực vận động cho quyền phổ thông đầu phiếu, nhiều người ở Macau, lãnh thổ láng giềng của Hong Kong, nói rằng các cuộc biểu tình Hong Kong đã làm bừng lên một sự thức tỉnh chính trị ở đó.
Macau và Hong Kong là hai đặc khu hành chính của Trung Quốc được hưởng mức độ tự chủ tương đối lớn. Tại Hong Kong, giao ước chính trị cho phép một nền văn hóa chính trị sôi động, với sự tồn tại của nhiều phe phái chính trị ủng hộ dân chủ hơn. Nhưng đặc khu Macau gần đó phần nhiều vẫn thờ ơ với chính trị khi nó trở thành một trung tâm cờ bạc và du lịch toàn cầu.
Tuy nhiên điều này có thể đang thay đổi, vào lúc các nhà hoạt động chính trị Hong Kong thách thức Bắc Kinh cho phép bầu cử trực tiếp ở địa phương để chọn nhà lãnh đạo chính trị hàng đầu của lãnh thổ này.
Bà Emily Lau, Chủ tịch Đảng Dân chủ của Hong Kong, nói về lời kêu gọi song song của Macau có được một bầu cử mở và trực tiếp chọn ra trưởng đặc khu hành chính của họ.
"Cho dù chúng tôi hành động một cách riêng lẻ hay hiệp đồng, tôi hy vọng phong trào dân chủ sẽ tiến mạnh về phía trước và sẽ không bị kiềm giữ lại."
Hôm 31 tháng 8, ông Fernando Chui tái đắc cử chức Trưởng đặc khu hành chính của Macau. Ông được bầu chọn bởi một ủy ban 400 người phần lớn thân Bắc Kinh.
Nhưng một cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức cùng lúc cho thấy những dấu hiệu đáng lo ngại về sự ủng hộ của công chúng đối với ông. Khoảng 89% trong số gần 9.000 người ở Macau tham gia cuộc trưng cầu dân ý nói rằng họ không tin tưởng ông làm lãnh đạo của họ. Khoảng 95% số người được hỏi cho biết họ mong muốn lãnh thổ này tổ chức bầu cử trực tiếp hơn, ngược với hệ thống mà Bắc Kinh ấn định mà theo đó chỉ cho phép những ứng cử viên được ra tranh cử sau khi được tuyển chọn bởi một ban gồm phần lớn thành viên trung thành với Bắc Kinh.
Sau cuộc trưng cầu dân ý của Macau, năm người trong ban tổ chức đã bị cảnh sát Macau bắt giữ và một người đã bị điều tra tư pháp.
Ông Jorge Godinho, một giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Macau, cho biết thành phố đang trải qua một sự thức tỉnh chính trị. Ông cho rằng sự bất mãn là do khoảng cách ngày càng tăng giữa người giàu và người nghèo.
"Đặc biệt là đối với những người trẻ tuổi, những chi phí bất động sản tăng vọt tạo nên trở ngại đáng kể cho việc xây dựng một cuộc sống bình thường mà vài năm trước đây chưa từng có. Nhiều người nói rằng chính phủ đã không hành động đủ để khắc phục điều đó."
Mùa xuân năm ngoái, 20.000 người tại Macau công khai biểu tình ủng hộ dân chủ và phản đối điều mà họ gọi là những bất công xã hội gây nên bởi ngành công nghiệp cờ bạc. Cả Hong Kong và Macau nằm dưới sự cai trị của Trung Quốc nhưng vẫn duy trì hệ thống pháp luật và kinh tế riêng biệt. Khi Anh trao quyền cai trị Hong Kong về cho Trung Quốc vào năm 1997, luật cơ bản của Hong Kong nêu rằng trưởng đặc khu hành chính Hong Kong cuối cùng sẽ được bầu chọn thông qua phổ thông đầu phiếu, và cuộc bầu cử được ấn định sẽ diễn ra vào năm 2017. Không có một thời biểu như vậy ở Macau, và hiến pháp Macau không đề cập đến phổ thông đầu phiếu.
Ông Simon Young, Phó khoa Luật tại Đại học Hong Kong, nói rằng Macau đối mặt với rào cản hơn nữa để đạt được dân chủ.
"Mặc dù hai bộ luật cơ bản được định dạng rất giống nhau, có nhiều điểm tương đồng, nhưng tôi nghĩ chúng tôi có truyền thống pháp trị và tư pháp độc lập mạnh hơn. Và Hong Kong có tiếng nói rất mạnh mẽ về các vấn đề trong luật hiến pháp của mình. Hệ thống chính trị của Hong Kong cũng khác. Hong Kong có thành phần được bầu trực tiếp hiện diện mạnh mẽ hơn trong cơ quan lập pháp, và điều này góp phần vào tiếng nói mạnh mẽ mà cơ quan lập pháp của Hong Kong có thể có. "
Mặc dù không được bầu trực tiếp, Trưởng đặc khu hành chính của Macau có vẻ như đang lưu ý những lời kêu gọi của người biểu tình. Ông Chui cho biết nhiệm kỳ tại chức của ông sẽ ưu tiên giảm bớt bất bình đẳng xã hội và sẽ xây thêm nhà ở vừa túi tiền cho người dân Macau.