Đường dẫn truy cập

Đài Loan ủng hộ phong trào dân chủ tại Hong Kong


Tuần hành ở Hong Kong cổ võ cho dân chủ hôm 1 tháng 7, 2014
Tuần hành ở Hong Kong cổ võ cho dân chủ hôm 1 tháng 7, 2014

Hong Kong có thể phải đối mặt với một vụ đối đầu giữa các nhà lãnh đạo và những người biểu tình đông đảo trên đường phố nếu Bắc Kinh xúc tiến kiểm soát việc chọn người đứng đầu cơ quan điều hành lãnh thổ này. Bên kia eo biển, tại Đài Loan, chính phủ và người dân đảo này ủng hộ các nhà hoạt động đòi dân chủ của Hong Kong vào lúc Đài Loan cũng có vấn đề với Trung Quốc. Thông tín viên VOA Ralph Jennings tường thuật từ Đài Bắc.

Chính phủ Đài Loan tuần này kêu gọi Trung Quốc tôn trọng nguyện vọng của người dân bầu ra người lãnh đạo của họ.

Bắc Kinh đã cai trị Hong Kong, một trung tâm tài chánh thế giới và là cựu thuộc địa của Anh, kể từ năm 1997, nhưng hứa cho lãnh thổ này quyền tự trị.

Người Đài Loan đã theo dõi việc Trung Quốc kiểm soát Hong Kong để xem điều Bắc Kinh gọi là “một quốc gia, hai hệ thống” có thể thực hiện được đối với Đài Loan hay không. Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền đối với Đài Loan tự trị kể từ cuộc nội chiến trong những năm 1940.

Thứ trưởng đặc trách các vấn đề Hoa lục của Đài Loan bà Ngô Mỹ Hồng thúc đẩy hai chính phủ Hong Kong và Bắc Kinh tỏ ra khoan dung.

Bà Ngô nói đối với việc tôn trọng lòng mong muốn của người dân Hong Kong về phổ thông đầu phiếu, văn phòng bà và mỗi một cơ quan tại Đài Loan đều bày tỏ quan tâm và ủng hộ cao. Bà Ngô nói văn phòng bà hy vọng chính phủ Hong Kong và các nhà lãnh đạo Hoa lục sử dụng sự khôn ngoan, sự dung thứ những ý kiến khác biệt và đối thoại hợp lý và những biện pháp ôn hoà khác để đạt được một sự đồng thuận.

Tại Hong Kong, một nhóm biểu tình do một giáo sư trường đại học lãnh đạo đang kêu gọi hàng ngàn người chặn những con đường tại trung tâm tài chánh trước cuối năm nếu chính phủ Trung Quốc bác bỏ yêu cầu phổ thông đầu phiếu để bầu người đứng đầu ngành hành chánh Hong Kong vào năm 2017 và cơ quan lập pháp vào năm 2020.

Trước đây trong tháng, Trung Quốc cho biết không muốn cho phép những cuộc bầu cử mở rộng, và thay vì đó muốn các ứng cử viên trong chức vụ chưởng quan hành chánh phải được một chấp thuận bởi một ủy ban đề cử gồm 1.200 thành viên trong đó nhiều người trung thành với Bắc Kinh.

Người biểu tình tại Đài Bắc vào tháng 3 và tháng 4 năm nay đã bày tỏ sự quan ngại của họ là Trung Quốc sử dụng sức mạnh kinh tế của họ để kiểm soát Đài Loan. Vào lúc đó Quốc hội Đài Loan sắp phê chuẩn hiệp ước mậu dịch tự do Trung Quốc-Đài Loan, nhưng sau đó ngưng lại vì các người biểu tình chiếm các phòng họp Quốc hội trong khi hàng ngàn người tụ tập bên ngoài.

Các chuyên gia về khoa học chính trị nói các vấn đề tại Hong Kong sẽ khiến cho người Đài Loan nghi ngờ là Bắc Kinh có thể bóp nghẹt nền dân chủ của họ nếu hai bên thống nhất. Nền dân chủ của Đài Loan phát triển mạnh kể từ khi chấm dứt thiết quân luật vào năm 1987.

Ông Lại Di trung, phó chủ tịch Cơ quan Nghiên cứu Đài Loan nói Hong Kong đã mất sự lôi cuốn đối với những người Đài Loan kể từ khi Cộng Sản Trung Quốc lấy lại lãnh thổ này từ tay Anh quốc.

“Tôi nghĩ người Đài Loan hiện đang nhìn vào Hong Kong như một lãnh thổ Trung Quốc. Kể từ khi Đài Loan dân chủ hoá và Hong Kong trở về với Trung Quốc, Hong Kong không còn là nơi đại diện cho hy vọng, cho hiện đại hoá, không phải là một nơi để Đài Loan học hỏi.”

Kể từ khi nhậm chức vào năm 2008, tổng thống Mã Anh Cửu đã thiết lập được sự tin cậy với Trung Quốc qua những thỏa thuận thương mại và đầu tư quan trọng. Tuy nhiên ông từ chối thảo luận về những khác biệt chính trị. Phát ngôn viên của Quốc dân đảng cầm quyền Trần Dĩ Tín nói tổng thống Mã, cũng là chủ tịch đảng, lên tiếng ủng hộ các nhà hoạt động Hong Kong trong tuần qua.

Ông Trần nói tổng thống gọi dân chủ và pháp trị là những giá trị cốt lõi của người dân Đài Loan và là mục đích lâu dài của con người. Ông Trần nói thêm là Quốc Dân Đảng sẽ tiếp tục bày tỏ những quan ngại về những diễn biến tại Hong Kong và bày tỏ sự ủng hộ đối với những người đang cố gắng tiến đến dân chủ và cai trị theo luật pháp.

Các nhà phân tích nói cả Hong Kong lẫn Bắc Kinh đều không thay đổi lập trường căn cứ trên lập trường của Hong Kong. Nhưng một số người tin là Trung Quốc có thể tìm cách hạ giảm tầm quan trọng của phản ứng đối với những đòi hỏi dân chủ của Hong Kong, một phần để gây cảm tưởng tốt đối với người Đài Loan, mà quan điểm chính trị vẫn là chìa khố cho mục tiêu dài hạn của Bắc Kinh là thống nhất trong hòa bình.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG