Đường dẫn truy cập

Công an Trung Quốc bị tố đánh gần chết một người Tây Tạng


Người biểu tình Tây Tạng ở Denma giơ ngón tay cái lên trời trong một cuộc biểu tình hồi tháng Tám.
Người biểu tình Tây Tạng ở Denma giơ ngón tay cái lên trời trong một cuộc biểu tình hồi tháng Tám.

Những người Tây Tạng lưu vong nói rằng một người biểu tình khác đã bị đánh đập dã man gần chết khi bị cảnh sát câu lưu trong một khu vực người Tây Tạng ở tỉnh Tứ Xuyên.

Nguồn tin cho ban tiếng Tây Tạng của VOA biết rằng bà Dawa Lhamo 64 tuổi đã phải nhập viện sau khi cảnh sát đánh trọng thương đầu của bà cách đây một tháng. Tin tức nói bà đã được trả về nhà vì ít có cơ hội sống sót.

"Người ta đang làm lễ cho bà ấy," ông Tenpa, một nhà sư ở Ấn Độ từng sống ở khu vực này và biết gia đình bà Dawa, cho biết. Ông nói một buổi lễ như vậy được cử hành cho những bệnh nhân còn ít cơ hội sống sót.

Theo tổ chức Chiến dịch Quốc tế vì Tây Tạng, bà Dawa Lhamo đã bị "tra tấn tàn bạo" tại một trung tâm tạm giam địa phương, khiến bà bất động và không thể nói.

Bà là một trong số ít nhất 25 người Tây Tạng bị bắt vào ngày 12 tháng 8 sau khi tổ chức một cuộc biểu tình ở làng Denma thuộc châu tự trị Ganze. Ông Tenpa và những người Tây Tạng lưu vong khác sống ở khu vực này cáo buộc rằng ít nhất sáu người đã chết trong lúc bị câu lưu vì những vết thương không được chữa trị và hai người đã tự sát.

Nhiều người trong số những người thiệt mạng là họ hàng và người nhà của một trưởng làng bị bắt vào đêm trước khi xảy ra vụ việc, vì theo nguồn tin lưu vong, ông tổ chức một lễ hội ngựa địa phương mà không được chính quyền cho phép.

Vào ngày 12 tháng 8, hàng trăm người Tây Tạng tụ tập bên ngoài văn phòng chính quyền địa phương ở làng Denma đòi thả trưởng làng Wangdrak.

Những hình ảnh phát tán trên trang mạng Wechat cho thấy những người Tây Tạng có hình thức biểu tình phản đối bất thường là giơ ngón tay cái lên trời. Trong văn hóa Tây Tạng, chỉ ngón tay cái lên trời là một cử chỉ cầu xin.

Cho đến giờ chưa có bất kỳ tường thuật nào nói rằng các cuộc biểu tình của người Tây Tạng là bạo động. Nhưng theo tường thuật của những người Tây Tạng lưu vong, lực lượng an ninh Trung Quốc đã bắn vào người biểu tình và bắt giữ hàng chục người. Trong số những người bị bắt, họ nói có người con trai 22 tuổi của trưởng làng. Thanh niên này sau đó đã chết trong lúc bị tạm giam với những viên đạn trong người.

Vào ngày 18 tháng 8, người chú của trưởng làng Wangdrak, ông Tsewang Gonpo, con rể Jinpa Tharchen, và một người họ hàng tên Yeshi cũng chết trong trại tạm giam vì bị "tra tấn" và do những vết thương không được chữa trị.

Một số hình ảnh lưu truyền trong cộng đồng người Tây Tạng lưu vong qua Wechat cho thấy những vết thương trên cơ thể, nhưng khó xác định liệu những vết thương này là do đạn cao su hay đạn thật gây nên. Tuy nhiên, Kalsang Gyaltsen Bapa, một nhà phân tích người Tây Tạng có tiếng tại Dharamsala và là một cựu quan chức Cục Công tác Thống nhất của Trung Quốc, khẳng định đó là những vết đạn thật.

Theo tổ chức Chiến dịch Quốc tế vì Tây Tạng, một sĩ quan Trung Quốc thiệt mạng sau khi bị binh sĩ vô tình bắn trúng khi họ nổ súng vào những người biểu tình Tây Tạng.

Giới chức Trung Quốc chưa bình luận gì về vấn đề này và vụ việc không được đề cập trên báo chí chính thức của Trung Quốc.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG