Đường dẫn truy cập

Bài thơ “Con cóc” hay ở chỗ nào?


Bài thơ “Con cóc” hay ở chỗ nào?
Bài thơ “Con cóc” hay ở chỗ nào?

Bài thơ “Con cóc” hay ở chỗ nào?

Trước hết và có lẽ cũng hiển nhiên hơn hết, đó là bài thơ hay nhất trong tất cả những bài thơ miêu tả cái dở, cái kém nghệ thuật và kém thẩm mỹ. Ở mức độ nào đó, có thể coi thơ “Con cóc” cũng tương tự bức chân dung Thị Nở của Nam Cao. Nếu Thị Nở là điển hình của cái Xấu, thơ “Con cóc” sẽ là điển hình của cái Dở. Chỉ riêng ở khía cạnh này, thơ “Con cóc” đã là một cái gì khá mới mẻ và đầy táo bạo, khác hẳn mỹ học truyền thống vốn đồng nhất cái đẹp của tác phẩm nghệ thuật với cái đẹp của đối tượng được tác phẩm nghệ thuật miêu tả, từ đó, hình thành một lối đi độc đạo trong sáng tác: mọi người đều chăm chăm chọn những nhân vật đẹp, những khung cảnh đẹp. Văn học dân gian và tiểu thuyết thoát ly ra khỏi quan điểm hẹp hòi này khá sớm có lẽ do bản chất dân chủ của chúng. Thơ cứ đắm đuối mãi trong cõi mộng mơ. Cái xấu, cái tầm thường bị gạt qua một bên, trở thành lãnh địa dành riêng cho thơ trào phúng.

Ngay trong giới hạn của thơ trào phúng, cho đến nay, người ta cũng chỉ thành công trong việc khắc hoạ những cái xấu theo nghĩa đạo đức học hoặc xã hội học, tức những nhân vật, những sự kiện lố bịch, nhố nhăng, chướng tai gai mắt, nhưng lại không thành công trong việc miêu tả cái xấu theo nghĩa thẩm mỹ học. Tất cả những bài thơ phê phán cái dở đều... khá dở. Còn lại, chỉ còn lại trong suốt lịch sử văn học Việt Nam, hai câu thơ này của Hồ Xuân Hương:

Một đàn thằng ngọng đứng xem chuông
Chúng bảo nhau rằng: ấy ái uông.

Nhưng Hồ Xuân Hương, trong hai câu thơ này, không có chủ tâm nói về cái dở. Bà chỉ nhằm chế diễu sự bất tài mà thôi.

Như thế, có thể coi bài thơ “Con cóc” là bài thơ duy nhất thành công trong việc nêu bật đặc điểm của những bài-thơ-thị-nở vốn ê hề, xưa cũng như nay, trong cũng như ngoài nước.

Tuy nhiên, giá trị bài thơ “Con cóc” không phải chỉ có như vậy. Đọc bài thơ một cách nghiêm chỉnh như đọc một bài thơ trữ tình và quên đi câu chuyện tiếu lâm ngớ ngẩn chung quanh nó, chúng ta sẽ phát hiện ra một số điều rất lạ.

Trước hết, về phương diện kết cấu, bài thơ rất ngắn, chỉ có sáu câu, lại được cắt ra làm ba đoạn. Câu đầu của đoạn sau lặp lại nguyên vẹn câu cuối của đoạn trước. Thành ra, trừ câu đầu và câu cuối, tất cả các câu thơ còn lại đều xuất hiện hai lần, cách nhau một quãng ngắt hơi, một quãng im lặng dài vì là thuộc hai đoạn thơ khác nhau. Cái quãng ngắt hơi ấy tạo ra cảm giác nghiêm trang, trịnh trọng cho cái động tác được miêu tả. Đây chỉ là một kỹ thuật thông thường khi kể chuyện, đặc biệt những chuyện có vẻ ly kỳ, rùng rợn. Thế nhưng, khác với các câu chuyện ma, chẳng hạn, sau mỗi lần người kể lặng im để tạo tâm thế căng thẳng, hồi hộp cho người nghe hoặc người đọc là một chi tiết bất ngờ, hoàn toàn bất ngờ, bài thơ “Con cóc”, ngược lại, sau mỗi lần ngắt hơi, lại lặp lại nguyên văn những điều đã nói. Điều này tạo nên một cảm giác nghịch lý: nó vừa nghiêm trang, trịnh trọng lại vừa rất nhàm, rất nhảm.

Tính chất nghịch lý ấy lại được nhìn thấy ở một phương diện khác: hình tượng “con cóc”, lặp đi lặp lại sáu lần, chiếm nửa số lượng từ vựng trong bài, luôn luôn đứng làm chủ ngữ trong mọi câu thơ, nổi bật, uy nghi, vừa như một tượng đài lại vừa như một quyền lực. Nửa số từ vựng còn lại chỉ vừa đủ để diễn tả bốn động tác căn bản của con cóc: ở trong hang, nhảy ra, ngồi lại và cuối cùng, nhảy đi. Những động tác này không những nhàm, nhảm mà còn vô nghĩa nữa. Sự vô nghĩa này lại được cố tình trình bày một cách trịnh trọng: yếu tố hài hước của bài thơ được khơi dậy từ đây; lý do chính khiến thơ “Con cóc” bị coi là điển hình của cái dở nằm ở đây. Và cũng từ đây, chúng ta thấy được chủ đề của bài thơ: nó không phải là bài thơ tả con cóc mà, qua con cóc, bài thơ nói về những sự trịnh-trọng-vô-nghĩa.

Sự kết hợp giữa hai yếu tố trịnh trọng và vô nghĩa góp phần mở rộng trường liên tưởng của bài thơ: với loài cóc, chỉ có thể có sự vô nghĩa chứ không có sự trịnh trọng. Trịnh trọng là khái niệm dùng cho con người, một loài vật có trí tuệ và khả năng tự giác để gán cho hành động của mình một giá trị nào đó có khi chính nó không có.

Bài thơ “Con cóc”, như thế, đang nói về con người. Về tôi. Về chị. Về anh. Về tất cả chúng ta. Trong cuộc đời, chúng ta làm bao nhiêu công việc, đôi khi, một cách cực kỳ nghiêm cẩn. Chúng ta đắn đo trước khi khởi sự. Đã đành. Chúng ta còn có thói quen tự chiêm ngưỡng mình lúc đang hành động. Chúng ta tự khoác lên chúng ta cơ man những hào quang lấp lánh. Chúng ta lạm dụng tính từ để miêu tả, để tô vẽ việc làm của chúng ta. Cuối cùng, chúng ta chỉ sống với sự diễn dịch về cuộc đời chứ không phải với chính cuộc đời. Huyền thoại lên ngôi. Ảo ảnh che khuất hiện thực. Lê Duẩn và những người lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam vào năm 1975, khi hứa hẹn chỉ trong vòng 10, 15 năm Việt Nam sẽ trở thành một cường quốc, là nạn nhân của chính cái nhìn tự mê hoặc của họ: thay vì nhìn đất nước Việt Nam như một xứ sở tan nát sau cuộc chiến tranh khốc liệt và dai dẳng, họ chỉ nhìn nó như là sự anh hùng và sự sáng suốt, những khả năng có thể làm được phép lạ. Hiện nay, Đảng cộng sản cứ tiếp tục sống trong thế giới phi thực ấy khi họ khăng khăng khẳng định chỉ có họ mới đủ sức cứu vãn đất nước và một mực từ chối yêu cầu dân chủ hoá chế độ. Và cả chúng ta nữa, liệu chúng ta có thoát khỏi sự diễn dịch về hành động bỏ nước ra đi của chúng ta để nhìn thẳng vào thực tế của cuộc đời? Bài thơ “Con cóc” nhắc nhở chúng ta một sự thật: cuộc đời là cái nó là chứ không phải cái nó được nghĩ là. Bỏ hết những tính từ lộng lẫy, những sự diễn dịch đầy chủ quan, và do đó, đầy ảo tưởng, cuộc đời nào cũng chỉ còn lại vài động tác căn bản, đại khái nhảy vào, nhảy ra, thế thôi. Ừ, thì cuối cùng cũng chẳng ra làm sao cả. Ở trong nước nhảy vọt qua Indonesia; từ Indonesia nhảy vọt qua Pháp, rồi từ Pháp lại nhảy vọt qua Úc, tưởng làm được điều gì ghê gớm lắm; té ra, không, chỉ ngồi ỳ một chỗ với áo cơm, với nợ nần, với mộng tưởng, với nhớ nhung lan man, chờ một ngày lại nhảy đi nữa.

Mà đi đâu? Bài thơ mở ra bằng một không gian hẹp, xác định và không chừng ấm áp lắm: cái hang. Các động từ kế tiếp đều là những động từ chỉ phương hướng, rõ ràng: nhảy ra, ngồi đó. Ở câu cuối cùng, bài thơ đóng lại bằng một động từ không phương hướng để mở ra một không gian vô định: nhảy đi. Đi đâu? Ai mà biết. Chỉ nhảy đi. Vậy thôi. Bể vô tận sá gì phương hướng nữa (Vũ Hoàng Chương). Trời đất bao la, ai hơi đâu theo dõi cóc làm gì. Khác với tất cả những từ ở trên kết thúc bằng những nguyên âm mở (a/o), động từ “nhảy đi” kết thúc bằng một nguyên âm hẹp, hẹp nhất trong các nguyên âm: i. Nó gợi nhớ cái âm hao áo não ê chề trong thơ của Tú Xương ngày nào:

Tấp tểnh người đi, tớ cũng đi
Cũng lều cũng chõng cũng vô thi

(Đi thi)

Bụng buồn còn biết nói năng chi
Đệ nhất buồn là cái hỏng thi

(Thi hỏng)

Con đường đi vào cõi Hư không mênh mông và tịch lặng, như thế, lại là một con đường hẹp. Và ngậm ngùi. Vô cùng ngậm ngùi.

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Nguyễn Hưng Quốc

    Nhà phê bình văn học, nguyên chủ bút tạp chí Việt (1998-2001) và đồng chủ bút tờ báo mạng Tiền Vệ (http://tienve.org). Hiện là chủ nhiệm Ban Việt Học tại trường Đại Học Victoria, Úc. Đã xuất bản trên mười cuốn sách về văn học Việt Nam.

Đường dẫn liên quan

VOA Express

XS
SM
MD
LG