Xin trở lại với bài thơ Con Cóc.
Xin nói ngay: khi phê bình bài thơ Con Cóc, mối quan tâm chính của tôi không phải là chuyện nó hay hay dở. Thật ra, với tôi, đó không phải là vấn đề. Vấn đề chính, quan trọng hơn, là: từ đó, đặt ra và giải quyết một số chuyện liên quan đến lý thuyết văn học.
Nhưng để bàn đến những chuyện lý thuyết văn học như vậy, chúng ta lại phải quay về với cách diễn dịch mới đối với bài thơ Con Cóc:
Ý nghĩa của bài thơ “Con cóc”, như đã phân tích, không chỉ nằm trong văn bản, ở cách ngắt đoạn, ở sự lặp lại của một số câu, ở mật độ dày đặc của chủ từ, ở âm “i” khép và nhẹ như tiếng thở dài hiu hắt. Tất cả những yếu tố này có thật, nhưng dù có thật, chúng cũng khó mà dẫn được đến cách diễn dịch cho ý nghĩa của thơ “Con cóc” là tính chất vô nghĩa của kiếp người, là những mâu thuẫn giữa ảo tưởng cao ngạo của con người và sự thật tầm thường, phù du của thân phận con người.
Khả tính của sự diễn dịch này nằm ở hai điểm: thứ nhất, chúng ta phải đọc nó như là một bài thơ chứ không phải là một lời thông báo bình thường như đã trình bày ở trên; thứ hai, chúng ta có một tiền đề thích hợp và thuận lợi, đó là, với những truyện dân gian như Con cóc là cậu ông trời, Con cóc nghiến răng gọi mưa..., con cóc, từ lâu, trong tâm thức người Việt Nam, được coi là biểu tượng của những gì vừa xấu xí lại vừa kiêu căng. Giả dụ bài thơ “Con cóc” được đổi lại là “Con nhái trong hang / Con nhái nhảy ra”... không chừng cách diễn dịch của chúng ta sẽ đổi khác hoàn toàn.
Cả hai khả tính ấy đều không nằm ở văn bản mà nằm ở một chỗ khác: người đọc.
Có thể nói, nếu việc phát hiện ra tác giả là một phát hiện quan trọng nhất của thế kỷ 19, việc phát hiện ra văn bản là một phát hiện quan trọng nhất của nửa đầu thế kỷ 20 thì việc phát hiện ra người đọc là một trong những phát hiện quan trọng nhất của những thập niên cuối cùng của thế kỷ 20.
Số lượng những nhà lý luận và phê bình văn học nhấn mạnh vào yếu tố người đọc hiện nay đông vô kể. Điều đặc biệt là họ xuất phát từ nhiều trường phái khác nhau, có khi đối lập nhau: phân tâm học, Hình thức luận, hiện tượng luận, cấu trúc luận, hậu cấu trúc luận, giải cấu trúc (deconstruction) (1). Điểm họ gặp nhau là cùng bác bỏ cái thành kiến sai lầm và bất công từng ngự trị cả hàng ngàn năm trong lịch sử phê bình văn học: thành kiến coi người đọc chỉ như một kẻ tiêu thụ, một đối tượng bị tác động, hoặc nói như Louise M. Rosenblatt, một sự hiện hữu vô hình (2). Họ đều thừa nhận nếu không có người đọc sẽ không có tác phẩm văn học nào tồn tại cả. Sự hiện hữu của một tác phẩm văn học không phải trên giá sách mà ở trong việc đọc. Và đọc không phải chỉ giản đơn là một sự tiếp nhận thụ động.
Tác phẩm văn học nào cũng là sự kết hợp giữa nhiều từ, nhiều câu, nhiều hình ảnh; mỗi từ, mỗi câu, mỗi hình ảnh có thể gợi ra nhiều ý nghĩa khác nhau; giữa ý nghĩa của các từ, các câu, các hình ảnh có thể có nhiều khoảng trống. Công việc lấp đầy các khoảng trống ấy để tạo ra một ý nghĩa chung cho cả bài thơ, theo Wolfgang Iser, là công việc của người đọc (3).
Hơn nữa, tác phẩm văn học còn là một không gian đa chiều, nơi hội tụ của nhiều mã văn hoá khác nhau: đọc một bài thơ của bà huyện Thanh Quan không giống việc đọc một bài thơ của Xuân Diệu. Đọc thơ bà huyện Thanh Quan là đọc cả hệ thống thơ Đường luật, mỹ học thời Trung đại trong khi đọc thơ Xuân Diệu là đọc Baudelaire, Thơ Mới, chủ nghĩa lãng mạn và chủ nghĩa cá nhân. Roland Barthes ví văn bản như một tấm vải đan bằng những trích dẫn rút ra từ vô số các trung tâm văn hoá khác nhau; sự thống nhất của nó không nằm ở điểm xuất phát mà ở nơi nhận: người đọc (4).
Tuy nhiên, sẽ đi quá xa nếu nói như Stanley Fish rằng ý nghĩa của một tác phẩm văn học chỉ là kinh nghiệm của người đọc, rằng không có gì ở văn bản cả, rằng mọi thứ trong văn bản, từ ngữ pháp đến các yếu tố hình thức mang chất thơ đều là sản phẩm của sự diễn dịch, rằng mục tiêu của phê bình không phải là tìm hiểu cấu trúc của tác phẩm mà là nghiên cứu các hồi ứng (responses) của người đọc khi tiếp xúc với tác phẩm ấy (5). Mặc dù Fish đã dè dặt đưa ra khái niệm “cộng đồng diễn dịch” (interpretive community) hoặc “chiến lược diễn dịch” (interpretive strategy) để một mặt, ngăn chận những sự diễn dịch quá tuỳ tiện, mặt khác, giải thích hiện tượng tương đồng trong sự diễn dịch của vô số người đọc khác nhau, song ông lại thất bại trong việc cắt nghĩa tại sao, trải qua cả mấy trăm năm, hoặc có khi cả hàng ngàn năm, một tác phẩm văn học nào đó vẫn giữ được một bản sắc hầu như ổn định. Tính chất ổn định - dù một cách tương đối - ấy là điều bất khả nếu ý nghĩa của tác phẩm chỉ hoàn toàn là kinh nghiệm của người đọc, những gì vốn có tính chất duy nhất, không lặp lại bao giờ.
Có lẽ hợp lý và gần sự thật hơn nếu coi ý nghĩa của một bài thơ nằm trong sự tương tác giữa người đọc và bài thơ ấy. Bài thơ “Con cóc” chỉ có từ, âm, vần, điệu, nhịp và hình ảnh nhưng nối kết tất cả các yếu tố rời rạc ấy lại thành một ý nghĩa thống nhất, chung cho cả bài thơ là công việc của người đọc.
Trong sự tương tác này, bài thơ không phải là một tồn tại khách quan tuyệt đối đồng thời người đọc cũng không có tự do tuyệt đối. Điều này có nghĩa là, một, một văn bản sẽ không thành một bài thơ nếu chưa được đọc; hai, khi đọc, người ta không thể diễn dịch bài thơ theo bất cứ cách nào họ thích mà thật ra, họ chỉ có thể diễn dịch nó theo cái hướng mà nó “muốn”.
Có thể ví tác phẩm văn học như một bức phác hoạ bằng bút chì, trên đó, người đọc sẽ tô màu. Tuỳ theo cách nhìn, cách nhận thức và phần nào tuỳ theo tâm trạng, người đọc có thể tô đậm chỗ này hơn chỗ kia, biến chi tiết này thay vì chi tiết khác thành một chủ điểm. Kết quả là chúng ta có nhiều phiên bản khác nhau, nhưng không phải là những bức tranh hoàn toàn khác nhau vì ở đâu rồi cũng có cùng một cảnh vật với những chi tiết giống nhau, hay nói như Nguyễn Bá Trạc trong một câu văn có cái nhịp lửng lơ, lừng chừng mà tôi rất thích: “Này là núi, cũng núi. Này là sông, cũng sông” (6).
Như vậy, tính chất đa nguyên trong ý nghĩa cũng như trong việc diễn dịch là một đa nguyên hạn chế. Những yếu tố giúp chúng ta khám phá ý nghĩa bài thơ cũng đồng thời là những yếu tố ngăn chận sự quá đà trong diễn dịch. Nếu âm “i” trong chữ “đi” cuối bài thơ “Con cóc” gợi ấn tượng buồn bã, thê lương thì nó lại không cho phép chúng ta coi thơ “Con cóc” là một bài thơ vui, có tính chất hài hước, chẳng hạn.
Nói chung, theo tôi, có mấy hạn chế căn bản: một là bản thân bài thơ ấy với một ngôn ngữ và một cấu trúc hình thức cố định; hai là, đằng sau bài thơ ấy là một hệ thống ngôn ngữ với những quy luật và quy ước cố định; ba là, gắn liền với hệ thống ngôn ngữ ấy là một truyền thống văn học và văn hoá với những đặc thù tương đối cố định; bốn là, cách nhìn của người đọc cũng bị giới hạn trong một quan điểm và một tâm thế ít nhiều có tính chất ổn định, ít nhất là trong một thời gian nào đó.
Tính chất đa nguyên hạn chế này không những giải thích hiện tượng một tác phẩm văn học có thể được diễn dịch theo nhiều cách khác nhau mà còn giải thích được hiện tượng vì sao những cách diễn dịch ấy không phải là một số nhiều vô tận. Khám phá một ý nghĩa mới của một tác phẩm văn học bao giờ cũng là một công việc đầy vất vả. Ngay ở Tây phương, nơi tinh thần đa nguyên trong việc diễn dịch vốn được khuyến khích và được áp dụng rộng rãi, sự khác biệt trong cách diễn dịch một tác phẩm văn học cụ thể nào đó cũng không quá nhiều, những cách diễn dịch được công nhận là hợp lý lại càng không nhiều. Có thể tóm tắt những điều được trình bày ở trên trong một biểu đồ:
Theo đồ biểu trên, ý nghĩa của một tác phẩm nảy sinh từ sự tiếp xúc của người đọc với tác phẩm ấy. Đằng sau người đọc là một quan điểm và một tâm thế nhất định, những yếu tố góp phần định hướng cách nhìn và cách đọc của họ. Và văn bản, cũng tương tự, không phải là một cái gì cô lập, phi chu cảnh (contextless). Đằng sau văn bản là một hệ thống ngôn ngữ, một truyền thống văn học và văn hoá, và xa hơn nữa, có khi rõ nét, có khi thấp thoáng, là tác giả, những yếu tố, với những mức độ nhiều ít khác nhau, góp phần soi sáng văn bản. Tất cả những yếu tố góp phần định hướng cách nhìn, cách đọc hoặc góp phần soi sáng văn bản ấy lại cũng đồng thời là những yếu tố giới hạn tự do trong việc diễn dịch: chúng vừa mở lại vừa đóng.
Chú thích:
1. Xem The Reader in the Text, Essays on Audience and Interpretation do Susan R. Suleiman và Inge Crosman biên tập, Princeton University Press xb, 1980 và quyển Reader-Response Criticism from Formalism to Post-structuralism do Tompkins, J.P. biên tập, The Johns Hopkins University Press xb, Baltimore, 1980.
2. Rosenblatt, L.M. (1978), The Reader, the Text, the Poem, Southern Illinois University Press, Carbondale.
3. Iser, W. (1978), The Act of Reading: A Theory of Aesthetic Response, Johns Hopkins University Press, Baltimore.
4. Barthes, R. (1977), Image, Music, Text, Hill & Wang, New York, tr. 146-148.
5. Fish, S. (1980), Is There a Text in this Class? The Authority of Interpretive Communities, Harvard University Press, Cambridge.
6. Nguyễn Bá Trạc (1993), Chuyện của một người di cư nhức đầu vừa phải, Văn Nghệ, California, tr. 123.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.