Đường dẫn truy cập

Vai trò của tác giả


Vai trò của tác giả
Vai trò của tác giả

Nếu ý nghĩa của bài thơ nảy sinh từ sự tương tác giữa người đọc và văn bản (như đã phân tích trong bài trước), vậy thì vai trò của người đọc là gì?

Nói đến tác giả, mặc dù tôi hoàn toàn bác bỏ thuyết chủ định song mặt khác, tôi lại cũng không hoàn toàn chấp nhận quan điểm của nhiều học giả phương Tây hiện nay, bắt đầu từ Roland Barthes (1) và Michel Foucault (2), cho là tác giả, với tư cách là một chức năng, “author-function”, đã chết. Theo tôi, tác giả không chết. Tác giả chỉ lùi ra xa, có khi thật xa, xa lơ xa lắc. Và im lặng. Nhưng dù im lặng, tác giả vẫn có mặt để, một là, thỉnh thoảng gợi ý cho người đọc một phương hướng tiếp cận bài thơ; hai là, để làm cơ sở cho sự đồng cảm của người đọc khi đi vào thế giới thơ.

Phủ nhận tác giả, chúng ta sẽ không thể nào hiểu được những bài thơ kiểu như bài “PSTT” của André Breton, một bài thơ dường như được chép nguyên từ một đoạn trong quyển Niên giám điện thoại tại Paris (3), bài “Lundi rue Christine” của Guillaume Apollinaire, một bài thơ dường như chỉ là sự sao chép nguyên si những gì nhà thơ nghe và nhìn trong một quán cà phê, vào một buổi chiều (4), hoặc bài “This is Just to Say” của William Carlos Williams, một bài thơ dường như chỉ sao chép lời nhắn ai đó để trong bếp (5). Ở tất cả những bài thơ ấy, ngôn ngữ rất mực ngổn ngang hay ngọng nghịu, có vẻ như ai làm cũng được. Thế nhưng, chúng vẫn được xem là những tác phẩm độc đáo, khiến nhiều học giả phải nghĩ ngợi, phải băn khoăn tìm hiểu. Lý do là, như Peter W. Nesselroth đã nêu, đọc những bài thơ như thế, chúng ta không bắt đầu ở dòng thứ nhất, hoặc thậm chí, ở cái tựa của chúng mà bắt đầu ở cái tên của tác giả, những nhà thơ được coi là hiện đại, là siêu thực, là những người thích khám phá và biểu diễn những kỹ thuật mới và lạ (6).

Trường hợp nhiều bài thơ của Bùi Giáng cũng tương tự. Chắc chắn không phải không có ai làm những bài thơ vô nghĩa như Bùi Giáng, nhưng với những bài thơ ấy, chúng ta chỉ coi là những sự vô nghĩa; chỉ với thơ Bùi Giáng, chúng ta mới coi cái sự vô nghĩa ấy là một ý nghĩa. Tại sao? Lý do đơn giản: vì đó là thơ của Bùi Giáng. Ở đây, vấn đề không phải là tiểu sử hay uy tín của nhà thơ mà là quan điểm, phương pháp sáng tác và phong cách của nhà thơ, điều đã được thể hiện tài hoa trong nhiều bài thơ khác nhau. Nếu với những người khác, làm thơ là một cách dùng ngôn ngữ để nói lên một cái gì đó, một nỗi buồn, một nỗi nhớ, một cảm giác lẻ loi v.v..., nếu với Breton, Apollinaire, Williams hoặc một số nhà thơ hiện đại khác, làm thơ còn là một cách phát biểu về thơ (7), với Bùi Giáng, làm thơ còn là một cách dùng ngôn ngữ để phát biểu về chính ngôn ngữ. Việc dùng ngôn ngữ để nói về ngôn ngữ ấy giúp chúng ta có chiếc chìa khoá - trong nhiều thứ chìa khoá khác - để mở những cửa ngõ đi vào cõi thơ Bùi Giáng, một trong những người đi đến tận cùng chủ nghĩa hư vô ở Việt Nam.

Hơn nữa, đọc thơ không phải chỉ là đọc chữ, đọc âm điệu của chữ. Đọc thơ còn là sống một kinh nghiệm, là “nghiệm” lại những gì mình “kinh” qua một cách hững hờ. Xúc động khi đọc một bài thơ bao giờ cũng là xúc động vì một cái gì khác hơn là ngôn ngữ. Cảm giác xúc động khi đọc một bài thơ khác cảm giác xúc động khi ngắm một cảnh đẹp: xúc động trước một cảnh đẹp là một xúc động cô đơn; xúc động trước một bài thơ là một xúc động được chia sẻ. Đọc thơ là một cách đối thoại, cho dù người ta chỉ đọc một mình. Chính hình ảnh tác giả, dẫu xa xôi và mờ nhạt, làm cho sự đối thoại ấy được hình thành.

Nhưng khái niệm tác giả trong vai trò là người gợi ý - thỉnh thoảng - và là người tạo cơ sở cho việc đồng cảm lúc đọc thơ, trong quan niệm của tôi, hoàn toàn khác khái niệm tác giả chúng ta hay dùng.

Tác giả, theo cách hiểu thông thường, là người tạo ra tác phẩm, là một nhà văn hay nhà thơ cụ thể nào đó, là một người mang tên Hàn Mặc Tử, Vũ Hoàng Chương, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thuỳ Yên, Chân Phương, Đỗ Kh. Theo tôi, trên thực tế, không bao giờ có một tác giả nào như thế cả. Chỉ có nhà thơ Hàn Mặc Tử, Vũ Hoàng Chương, Thanh Tâm Tuyền... cụ thể, chứ không có tác giả Hàn Mặc Tử, Vũ Hoàng Chương, Thanh Tâm Tuyền... cụ thể.

Tác giả là một khái niệm tổng hợp. Trong lúc nhà thơ là người làm thơ, tác giả chỉ là người được người đọc tạo thành. Nhà thơ Nguyễn Du, lúc viết Truyện Kiều, là một con người cụ thể, có lẽ khoảng 40 tuổi, với một hoàn cảnh gia đình, một hoàn cảnh sống và một tâm trạng cụ thể. Ông là ông, một cá nhân, một cá thể, một cái gì duy nhất. Bạn bè ông, vợ con ông có thể nhận diện ông dễ dàng. Nhưng Nguyễn Du, với tư cách là tác giả Truyện Kiều, lại khác. Diện mạo của ông sẽ thay đổi hẳn tuỳ theo những cách diễn dịch khác nhau về Truyện Kiều. Với những ai coi Truyện Kiều là tiếng khóc trước cảnh trầm luân của những người tài hoa, Nguyễn Du là một người đa cảm; với những ai coi Truyện Kiều là lời ngợi ca lòng trung hiếu, Nguyễn Du là một nhà đạo đức; với những ai coi Truyện Kiều là một tâm sự hoài Lê, Nguyễn Du là một nhà chính trị theo quan điểm Nho giáo; với những ai coi Truyện Kiều là bản cáo trạng lên án những bất công, thối nát trong xã hội, một ước mơ “tháo cũi sổ lồng”, Nguyễn Du là một người có “quan điểm nhân dân” rõ ràng; với những ai coi Truyện Kiều chỉ là một cái đẹp héo úa, đang phôi pha, Nguyễn Du chỉ là người bệnh hoạn và phản tiến hoá v.v... Mai đây, nếu có ai diễn dịch Truyện Kiều theo một cách nào khác, diện mạo của Nguyễn Du, tác giả Truyện Kiều, lại thay đổi nữa.

Rõ ràng, người đọc không những chỉ thực thể hoá ý nghĩa của tác phẩm, người đọc còn tạc khắc chân dung của tác giả. Kẻ góp phần soi chiếu văn bản và kẻ mà người đọc đồng cảm không phải là nhà thơ hay nhà văn mà chính là tác giả theo ý nghĩa đã xác định ở trên.

Chú thích:

1. Barthes, R. (1968), “The Death of the Author”, in lại trong Modern Criticism and Theory, A Reader do David Lodge biên tập, Longman, London, 1988, tr. 167-172.
2. Foucault, M. (1969), “What is an Author”, in lại trong Modern Criticism and Theory, A Reader do D. Lodge biên tập, tr. 196-210.
3. Breton, A. (1966), Clair de Terre, Paris, tr. 49.
4. Apollinaire, G. (1965), Oeuvres poétiques, M. Adéma và H. Décaudin biên tập, Paris, tr. 180-182.
5. Wiliams, W. C. (1938), The Complete Collected Poems 1906-1938, New Directions, Norfork, tr. 179.
6. Nesselroth, P.W. (1985) “Literary Identity and Contextual Difference” in trong tập Identity of the Literary Text do Mario J. Valdés và Owen Miller biên tập, University of Toronto Press, Toronto, tr. 41-53.
7. Xem Culler, J. (1975), sđd, chương “Poetics of the Lyric”, tr. 161-188.

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Nguyễn Hưng Quốc

    Nhà phê bình văn học, nguyên chủ bút tạp chí Việt (1998-2001) và đồng chủ bút tờ báo mạng Tiền Vệ (http://tienve.org). Hiện là chủ nhiệm Ban Việt Học tại trường Đại Học Victoria, Úc. Đã xuất bản trên mười cuốn sách về văn học Việt Nam.

Đường dẫn liên quan

VOA Express

XS
SM
MD
LG