Đường dẫn truy cập

Từ dân chủ đến phát triển


Từ dân chủ đến phát triển
Từ dân chủ đến phát triển

Trong bài “Từ phát triển đến dân chủ”, tôi đã trình bày một số ý kiến chính về mối quan hệ giữa phát triển và dân chủ: một mặt, dân chủ gắn liền với hiện đại hóa; mặt khác, hiện đại hóa, tự nó, chưa đủ mang lại dân chủ cho xã hội. Ngoài hiện đại hóa về kinh tế, để có dân chủ, cần hai yếu tố khác nữa: sự xuất hiện của tầng lớp thị dân trung lưu có học và sự thay đổi trong bảng giá trị, ví dụ, từ việc đề cao thần quyền và truyền thống đến việc coi trọng tính thế tục, tính duy lý và quyền quyết định của cá nhân.

Trong bài này, chúng ta thử nhìn mối quan hệ này từ một chiều hướng khác: Liệu dân chủ có giúp tăng tốc sự phát triển về kinh tế hay không?

Ở đây có một hiện tượng rất dễ thấy: Các quốc gia giàu có dễ có khuynh hướng dân chủ hơn hẳn các quốc gia nghèo khó. Nhưng, từ một hiện tượng có vẻ hiển nhiên như vậy, khi tìm kiếm mối quan hệ nhân quả giữa dân chủ và sự giàu có, giới nghiên cứu không dễ dàng có được lời giải đáp thuyết phục. Có ba khó khăn chính. Một là, hầu hết các nước dân chủ đều là các nước giàu có sẵn, do đó, người ta rất dễ lý luận ngược: sự giàu có ấy là nguyên nhân hơn là kết quả của dân chủ. Hai là, vì đã giàu có sẵn nên tốc độ phát triển của tất cả các nước dân chủ ấy đều chậm lại, hiếm khi có hiện tượng nhảy vọt với mức tăng trưởng đột biến lên đến cả 5-10% như ở một số quốc gia được gọi là “rồng” hay “hổ” mới nổi. Ba là, sự phát triển của một quốc gia tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau; trong đó, thiết chế chính trị chỉ là một, do đó, rất khó nhận diện được yếu tố nào thực sự là nguyên nhân chính.

Trong lãnh vực kinh tế, đứng về phương diện lý thuyết, dân chủ và độc tài đều có những ưu và khuyết điểm riêng. Ưu điểm của độc tài là, với sự tập trung quyền lực cao, mọi quyết định đều có thể được tiến hành nhanh chóng và mọi phương tiện có thể được huy động đến mức tối đa; vai trò của các nghiệp đoàn bị hạn chế nghiêm ngặt dẫn đến hệ quả là tiền lương thấp, từ đó, dễ thu hút đầu tư từ nước ngoài, v.v... Nhưng khuyết điểm của độc tài cũng không ít: nếu khả năng giới lãnh đạo kém hoặc nạn tham nhũng hoành hành, mọi nỗ lực phát triển đều trở thành vô vọng; vì lương ít nên công nhân không làm việc hết sức và cũng không có điều kiện để nâng cao kỹ năng, do đó, hiệu suất lao động thường thấp; vì thiếu tính minh bạch nên tài nguyên và ngân sách rất dễ bị thất thoát và lãng phí, v.v... Còn ưu điểm của dân chủ thì rất dễ thấy: sự sáng tạo dễ được phát huy; lạm quyền và tham nhũng dễ được kiềm chế; trình độ công nhân không ngừng được tăng cấp; nhờ cạnh tranh, kỹ thuật không ngừng được cải tiến và quy trình sản xuất không ngừng được hợp lý hóa, v.v... Nhưng khuyết điểm không phải không có: dân chủ đòi hỏi sự đồng thuận; mà để có được sự đồng thuận thì cần rất nhiều thời gian và rất dễ bị lợi dụng, do đó, mọi chuyện có thể bị chậm trễ.

Những cuộc cãi cọ về lý thuyết với những ưu và khuyết điểm của từng thể chế tràn lan trên các mặt báo nhưng hiếm khi vấn đề được giải quyết một cách rốt ráo. Nhiều người đề nghị nhìn vào thực tế. Nhưng ở phương diện này, vấn đề cũng không được sáng tỏ gì hơn. Có cảm tưởng như sự phát triển về kinh tế không mấy song hành với quá trình dân chủ hóa. Phần lớn các quốc gia dân chủ đều có mức phát triển cao hoặc rất cao, đã đành. Nhưng cũng không hiếm quốc gia độc tài mà vẫn có nhịp độ phát triển mạnh. Ví dụ, chỉ giới hạn ở châu Á, người ta thấy hầu hết các quốc gia phát triển nhất hiện nay đều bắt đầu phát triển trong giai đoạn khá độc tài: Nam Triều Tiên, Đài Loan, Malaysia, Singapore. Còn hiện nay thì một số quốc gia rõ ràng là độc tài nhưng có tốc độ tăng trưởng rất nhanh, trong đó, nổi bật nhất là Nga và Trung Quốc.

Trước những hiện tượng trái ngược nhau như vậy, phần lớn giới nghiên cứu khá lúng túng, cho sự phát triển, đặc biệt là phát triển kinh tế, không có liên hệ trực tiếp đến thể chế chính trị. Nói cách khác, dù là độc tài hay dân chủ, một nước cũng có thể phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ với một số điều kiện nhất định, ví dụ: tài nguyên dồi dào; giới lãnh đạo có tài và có tâm; chính sách sáng suốt và nhạy bén; trình độ dân trí đủ cao để làm chủ các kỹ thuật mới; và sinh hoạt chính trị ổn định.

Trong khi các điều kiện vừa kể có thể hiện diện ở khắp nơi, chúng chỉ được bảo đảm và phát huy trong một nền dân chủ.

Thử lấy một vài ví dụ:

Trước hết, với hai yếu tố lãnh đạo và chính sách, ở đâu cũng có nguy cơ sai lầm, nhưng dưới các chế độ dân chủ, người dân có thể chọn lựa, và nếu chọn lựa nhầm, có thể thay đổi; dưới các chế độ độc tài, chúng giống như chuyện đánh bạc, đầy may rủi. Nếu chẳng may giới lãnh đạo vừa dốt nát vừa thối nát thì cũng phải cắn răng chịu. Mà số này thì nhiều vô cùng. Hầu hết các quốc gia bị sắp vào loại nghèo khổ trên thế giới hiện nay, từ châu Phi đến châu Á, đều thuộc loại này.

Sau nữa, về sự ổn định chính trị, điều mà chính quyền Việt Nam hay nhắc đến như một lý do chính để từ chối dân chủ hóa, cũng củng cố ý nghĩa của dân chủ hơn là độc tài. Nói đến sự bất ổn về chính trị chủ yếu là nói đến sự thay đổi trong cơ cấu quyền lực quốc gia. Nhưng nên chú ý đến điều này: không phải bất cứ sự thay đổi cơ cấu quyền lực nào cũng gây nên bất ổn. Ở các quốc gia dân chủ, cơ cấu quyền lực - tập trung vào chính phủ - thay đổi thường xuyên qua các cuộc bầu cử; tuy vậy, những sự thay đổi này tuyệt đối không gây bất cứ sự bất ổn nào cả. Chỉ có những sự thay đổi bằng bạo lực mới gây nên bất ổn. Nhưng như vậy thì sự bất ổn về chính trị chỉ là phó sản của độc tài.

Nói cách khác, vì độc tài nên mới nảy sinh các cuộc vận động thay đổi cơ cấu quyền lực bằng bạo lực. Bởi vậy để tránh bất ổn, cách tốt nhất là dân chủ hóa chứ không phải là củng cố nền độc tài.

Nói tóm lại, nếu dân chủ không trực tiếp dẫn đến sự phát triển thì ít nhất nó cũng bảo đảm và thúc đẩy sự phát triển.

Đó là chưa kể phát triển không phải chỉ giới hạn ở phạm vi kinh tế. Ở những phạm vi khác, đặc biệt những sự phát triển liên quan đến con người (ví dụ, việc phát triển toàn diện về nhân cách, năng suất lao động, thậm chí, tuổi thọ, môi trường, v.v...), tất cả đều liên hệ đến dân chủ.

Và chỉ có dưới các chế độ dân chủ.

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Nguyễn Hưng Quốc

    Nhà phê bình văn học, nguyên chủ bút tạp chí Việt (1998-2001) và đồng chủ bút tờ báo mạng Tiền Vệ (http://tienve.org). Hiện là chủ nhiệm Ban Việt Học tại trường Đại Học Victoria, Úc. Đã xuất bản trên mười cuốn sách về văn học Việt Nam.

Đường dẫn liên quan

VOA Express

XS
SM
MD
LG