Mối quan hệ giữa dân chủ và phát triển là một trong những đề tài thú vị thu hút sự chú ý của rất nhiều học giả trên thế giới. Mối quan hệ này, thật ra, có hai chiều: một, từ phát triển đến dân chủ; và hai, ngược lại, từ dân chủ đến phát triển. Hai chiều này có thể được cụ thể hóa bằng hai câu hỏi chính: thứ nhất, có phải sự phát triển, đến mức nào đó, sẽ tự động làm nảy sinh ra dân chủ? Và thứ hai, có phải dân chủ sẽ làm cho xã hội phát triển và giàu có nhanh chóng hơn?
Trong bài này, tôi xin đề cập đến câu hỏi thứ nhất trước. Với câu hỏi thứ hai, xin hẹn vào kỳ tới.
Trước hết, xin lưu ý: phát triển là một khái niệm khá mơ hồ và có tính lịch sử rõ rệt. Từ khởi thủy, loài người không ngừng tìm cách cải thiện cuộc sống trên mọi phương diện, từ vật chất đến tinh thần, từ cái ăn, cái mặc, cái ở đến cách suy nghĩ, cách yêu thương, cách tổ chức gia đình và xã hội, v.v... Do đó, phát triển luôn luôn ở số nhiều. Có những sự phát triển đột biến và cũng có, nhiều hơn, những sự phát triển tiệm tiến. Có những sự phát triển có kích thước lớn lao, làm thay đổi hẳn toàn bộ diện mạo đời sống nhân loại (như sự phát triển trong cách chế biến thức ăn – mà trung tâm là việc tìm ra lửa; hay trong truyền thông – mà trung tâm là việc phát hiện ra chữ viết, sau đó, ra máy in; hay trong giao thông – mà trung tâm là việc chế tạo ra xe lửa và tàu thủy chạy bằng hơi nước, v.v...); và cũng có, nhiều hơn, những sự phát triển mang tầm vóc quốc gia hoặc địa phương. Sự phát triển gắn liền với dân chủ mà chúng ta đang bàn chủ yếu diễn ra vào giữa thế kỷ 19 vốn mang một tên gọi nhất định đến nay vẫn còn phổ cập: hiện đại hóa.
Khái niệm hiện đại hóa, tự nó, cũng rất phức tạp. Có nhiều lý thuyết gia, từ Karl Marx đến Adam Smith và Max Weber, bàn về vấn đề này, và mỗi người có một cách kiến giải khác nhau. Ở đây, chỉ xin nói một cách vắt tắt: hiện đại hóa là một tiến trình biến chuyển của một xã hội từ truyền thống đến hiện đại trên nhiều phương diện: kinh tế, xã hội, văn hóa và chính trị.
Về phương diện kinh tế, hiện đại hóa chủ yếu là quá trình kỹ nghệ hóa mang tính tư bản chủ nghĩa, trong đó, nổi bật nhất là hai yếu tố: cơ khí hóa và lợi nhuận thuộc về cá nhân. Cả hai đều là những điều kiện tối cần để đẩy mạnh sản xuất, từ đó, nâng cao mức sống của mọi người.
Về phương diện xã hội, song song với quá trình kỹ nghệ hóa ấy là quá trình đô thị hóa với hiện tượng càng ngày càng có nhiều người từ bỏ ruộng đồng để ùn ùn kéo nhau vào thành phố, làm việc trong các công ty và xí nghiệp, và sống trong các căn nhà chật chội san sát bên nhau. Môi trường làm việc và sinh sống như vậy làm nảy nở nhiều yếu tố mới. Thứ nhất là sự xuất hiện của tầng lớp trí thức thị dân trung lưu, trong đó, nhờ sự phổ cập của giáo dục và sự phát triển của nền kinh tế dựa trên dịch vụ, vai trò của nữ giới càng ngày càng trở nên quan trọng. Thứ hai là sự phân biệt giữa môi trường sống và môi trường lao động dần dần làm xuất hiện ý niệm về sự riêng tư như một sự đối lập với không gian công cộng và tập thể, từ đó, dần dần làm nảy nở ý niệm về cá nhân, cuối cùng dẫn đến việc hình thành chủ nghĩa cá nhân.
Về phương diện văn hóa, một nền kinh tế kỹ nghệ không những cần công nhân mà còn cần các chuyên viên kỹ thuật và quản trị; để có các chuyên viên ấy, người ta cần phát triển giáo dục; và giáo dục chỉ có thể được phát triển khi nó được phổ cập. Khi lao động dựa trên kỹ thuật, kiến thức và kỹ năng sẽ đóng vai trò quan trọng hơn sức lực và kinh nghiệm; do đó, một mặt, vị thế của phụ nữ (vốn được xem là chân yếu tay mềm) cũng được nâng cao hơn; mặt khác, tuổi trẻ (vốn tiếp thu cái mới nhanh) dễ có ưu thế hơn hẳn tuổi già. Kết quả là sự phát triển của kỹ thuật cũng đồng thời là sự phát triển của văn hóa tuổi trẻ (youth culture) và, cùng với nó, văn hóa tiêu thụ cũng như văn hóa giải trí.
Tất cả những sự thay đổi trên các phương diện kinh tế, xã hội và văn hóa kể trên dẫn đến những sự thay đổi về phương diện chính trị: giới trí thức thị dân trung lưu muốn có quyền lực nhiều hơn trong xã hội và muốn thay thế vai trò lãnh đạo của giới phong kiến và quý tộc. Hình thức cầm quyền chủ yếu của giới trí thức thị dân trung lưu này là thông qua Quốc Hội do dân chúng bầu một cách tự do. Đó cũng là hình thức căn bản của dân chủ.
Như vậy, trên nguyên tắc, quá trình hiện đại hóa, đến một mức và một lúc nào đó, sẽ tự động dẫn đến dân chủ. Tuy nhiên, trên thực tế, người ta nhận thấy có không ít ngoại lệ: nhiều quốc gia đã tiến rất xa trên con đường hiện đại hóa vẫn còn chịu đựng nạn độc tài một cách dai dẳng. Ví dụ: Singapore, Trung Quốc, Iran, Nga, Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất, v.v...
Nên giải thích trường hợp nghịch lý này như thế nào?
Theo nhiều học giả, mặc dù hầu hết các quốc gia có nền dân chủ vững chắc đều giàu có, mức thu nhập quốc dân cao không hẳn đã là điều kiện tất yếu của dân chủ. Sự phát triển kinh tế chỉ là một phần. Phần ấy chỉ phát huy tác dụng trong quá trình dân chủ hóa với một điều kiện: nó phải làm thay đổi cách hành xử của dân chúng. Nói một cách tóm tắt, sự phát triển kinh tế chỉ dẫn đến dân chủ trong chừng mực, thứ nhất, nó tạo ra một giai cấp trung lưu có học thức đông đảo quen với lối suy nghĩ độc lập và tự lập; và thứ hai, nó làm thay đổi bảng giá trị và động cơ của mọi người.
Thật ra, cả hai hiện tượng này (tầng lớp trung lưu và bảng giá trị mới) cũng là hệ quả của những phát triển về kinh tế xã hội. Quan hệ giữa kỹ nghệ hóa và sự xuất hiện của tầng lớp thị dân trung lưu là một quan hệ tất yếu: Không nơi nào có thể đẩy mạnh kỹ nghệ hóa nếu không có giới kỹ thuật viên, hay, rộng hơn, giới trí thức. Giới trí thức là điều kiện căn bản của kỹ nghệ hóa. Khi trí thức trở thành một lực lượng đông đảo, bảng giá trị xã hội cũng thay đổi theo.
Một cuộc điều tra trên phạm vi quốc tế từ năm 1981 đến 2007 cho thấy: dân chúng thuộc các xã hội có trình độ phát triển khác nhau có những bảng giá trị khác nhau. Chẳng hạn, ở một số nơi, 95% dân chúng tin tưởng Thượng Đế đóng vai trò quan trọng trong đời sống của họ; ở những nơi khác, số người tin như thế chỉ có khoảng 3%. Ở một số nơi, 90% dân chúng tin nam giới được ưu tiên có việc làm hơn nữ giới; ở nhiều nơi khác, con số này chỉ có 8%. Điều thú vị là: sự khác biệt này tương ứng với những khác biệt về trình độ phát triển kinh tế - xã hội. Nói chung, dân chúng ở các nước có thu nhập thấp dễ có khuynh hướng nhấn mạnh vào tôn giáo và vai trò của nam giới hơn là các nước giàu có. (1) Khuynh hướng này có hai khía cạnh: một, trong khi ở các nước nghèo, ưu thế thuộc về các giá trị truyền thống; ở các nước giàu, ưu thế thuộc về các giá trị có tính duy lý (rational) và thế tục (secular); hai, trong khi ở các nước nghèo, người ta tự khép kín mình lại để tồn tại; ở các nước giàu, nhu cầu tự diễn tả (self-expression) càng ngày càng trở nên quan trọng.
Các nhà nghiên cứu cũng nhận định: trong khi tự biến chuyển từ bảng giá trị truyền thống sang bảng giá trị duy lý và thế tục tương ứng với sự biến chuyển từ xã hội nông nghiệp sang xã hội kỹ nghệ, sự biến chuyển từ nhu cầu tồn tại sang nhu cầu tự diễn tả gắn liền với sự xuất hiện của xã hội hậu kỹ nghệ (postindustrial).
Như vậy, có rất nhiều bằng chứng để khẳng định:
Thứ nhất, những sự phát triển về kinh tế không sớm thì muộn cũng nhất định dẫn đến những thay đổi trong cơ cấu xã hội, trong đó, quan trọng nhất là sự hình thành của tầng lớp trí thức thị dân trung lưu.
Thứ hai, tầng lớp này không sớm thì muộn cũng sẽ thay đổi cách nhìn về thế giới và về chính bản thân họ với một bảng giá trị mới liên quan không những đến tôn giáo mà còn đến quan hệ giữa phái tính và quyền lực về chính trị; giữa nhu cầu tồn tại và nhu cầu tự khẳng định bản sắc và quyền cá nhân, trong đó, quan trọng nhất là quyền được lên tiếng, quyền được lựa chọn và quyền được quyết định.
Thứ ba, khi ý thức mạnh mẽ được những cái quyền ấy, người ta cũng đồng thời ý thức được cái quyền được sống trong một xã hội dân chủ.
Nhưng như vậy, chúng ta lại trở lại một vấn đề đã nêu lên ở trên: Tại sao ở một số quốc gia đã phát triển rất cao mà vẫn chưa có dân chủ?
Câu trả lời là:
Một, tầng lớp trí thức trung lưu ở các nước đó vẫn còn tâm lý thỏa hiệp với chính quyền để mưu lợi.
Hai, điều đó cũng có nghĩa là: ở họ, bảng giá trị mới vẫn còn chưa đủ sâu sắc và mạnh mẽ. Nhu cầu sống còn vẫn lớn hơn nhu cầu tự thể hiện và tự khẳng định mình.
Ba, hai sự kiện trên cho thấy quá trình chuyển tiếp từ phát triển đến dân chủ không phải là một con đường thẳng tắp. Ngược lại, nó rất gập ghềnh và đầy bất trắc. Nhưng vấn đề chủ yếu ở đây là vấn đề thời gian.
Chỉ là vấn đề thời gian.
Bây giờ, nếu ứng dụng vào hoàn cảnh Việt Nam hiện nay, bạn có nghĩ là Việt Nam đã có đủ điều kiện về kinh tế, xã hội và văn hóa cho một sự thay đổi lớn lao về chính trị?
Chú thích:
- Xem bài “Development and Democracy:
What We Know about Modernization Today” của Ronald Inglehart and Christian Welzel trên Foreign Affairs tháng 3, 2009. Có thể đọc trên http://www.worldvaluessurvey.org/wvs/articles/folder_published/publication_593/files/inglehart-welzel-modernization-and-democracy.pdf Cũng co 1the63 xem thêm cuốn Modernization, Cultural Change and Democracy: The Human Development Sequence của hai tác giả này do Cambridge University Press xuất bản năm 2005.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.