Trong vòng mười năm trở lại đây người đọc tiểu thuyết ở Mỹ được đọc những tác phẩm khá xuất sắc của những nhà văn trẻ gốc Nga như Joanathan Safran Foer với hai tiểu thuyết Everything Is Illuminated/Mọi Thứ Được Soi Sáng và Extremely Loud and Incredibly Close/Cực Kỳ Inh Ỏi và Kề Cận Lạ Thường, Gary Shteyngart với Nước Cộng Hòa Phi Lý chúng tôi đã có dịp giới thiệu trong những chương trình trước đây, Olga Grushin với quyển truyện tình The Dream Life of Shukanov/ Cuộc Đời Mộng Huyễn của Shukanov. Đầu năm nay chúng ta lại mới được đọc quyển tiểu thuyết đầu tay The Russian Dreambook của Gina Ochsner, một quyển tiểu thuyết bi hài về nước Nga và người Nga trong thời đại hậu-cộng sản.
Gina Ochsner sinh năm 1970, được Dick và Gayle Withnell nhận làm con nuôi từ khi mới lọt lòng. Gina yêu thích văn chương từ nhỏ do ảnh hưởng của mẹ nuôi Gayle Withnell là một giáo sư Anh ngữ. Gina Ochsner theo học đại học ngành Văn Chương và Giáo Dục ở George Fox University ở Newberg, tiểu bang Oregon. Ngay từ hồi còn học cấp cử nhân Gina đã tập viết truyện ngắn. Tốt nghiệp, Gina đi dạy trung học và bắt đầu sáng tác. Tiếp tục theo đuổi học vấn, Gina Ochsner ghi danh học cấp thạc sĩ văn chương ở Iowa State University, rồi sau chuyển về học tiếp ở University of Oregon. Hiện nay Gina Ochsner sống với chồng con ở Keiser, Oregon, viết văn và dạy chương trình sáng tác. Gina Ochsner đã được trao tặng tài trợ của quỹ Guggenheim để viết tiểu thuyết The Russian Dreambook.
Trước khi cho ra mắt truyện dài đầu tay này, Gina Ochsner đã cho xuất bản 2 tập truyện ngắn The Necessary Grace to Fall được trao giải Flannery O’Connor và tập People I Wanted to Be. Cả hai tập truyện này đều được trao giải thưởng Oregon Book Award. Gina Ochsner chịu ảnh hưởng văn chương của Milorad Pavic, Bohumil Hrabal, và Italo Calvino. Sau khi cho xuất bản tiểu thuyết The Russian Dreambook hiện Gina Ochsner đang hoàn thành quyển tiểu thuyết thứ nhì Thicker than Water/Dầy hơn Nước.
Trong The Russian Dreambook tác giả trình cho chúng ta thấy một loạt những nhân vật khốn cùng sống ngoài lề xã hội của nước Nga thời hậu-cộng sản. Truyện lấy khung cảnh là một tòa chung cư đã cực kỳ xuống cấp ở tỉnh Perm thuộc vùng Urals, một vùng nổi tiếng giá lạnh. Trước hết là những nhân vật hiện cùng làm việc trong một viện bảo tàng có tên là Toàn Thể Nước Nga – Bảo Tàng Viện Nghệ Thuật, Địa Chất và Nhân Chủng Toàn Thể Thế Giới. Cái tên của bảo tàng viện nghe thì rất kêu như vậy nhưng thật ra tất cả những thứ trưng bày trong đó đều là đồ giả mạo.
Chúng ta được biết có anh chàng Yuri, một cựu chiến binh trong cuộc chiến thảm bại ở Grozny. Hiện tâm thần Yuri vẫn còn mang nặng những chấn thương do cuộc chiến gây nên cho nên anh trở thành kẻ muốn trốn chạy đời sống, luôn sống trong những giấc mơ không hiện thực. Mẹ của Yuri tên là Olga, một phụ nữ gốc Do thái góa bụa, hiện đang làm công việc dịch thuật cho tờ báo “lề trái” phản động Ngôi Sao Đỏ. Bà Olga khổ sở vì phải mô tả những sự kiện người thực việc thực hiện tại mờ mờ ảo ảo cốt sao để độc giả khỏi sững sờ. Bà cũng còn phải “tẩy rửa” danh sach lính tráng bị chết trận cũng như những sự kiện cực kỳ phi lý đang xảy ra hàng ngày. Yuri cũng có người yêu “mắt trống không” Zoya, một kẻ luôn mơ ước sao có được thứ “giấy vệ sinh nổi tiếng” một cái lò nướng bánh, và một đứa con đủ để cho cô cực kỳ hạnh phúc.
Cùng làm việc với Yuri và Zoya ở bảo tàng viện còn có Tanya có bà mẹ mất tích ở trại cải tạo thời trước. Tanya có đặc điểm là luôn giữ bên mình một cuốn sổ ghi chép những giấc mơ hão huyền của cô. Hiện Tanya đang cố gắng sao cho gầy đi, giảm trọng lượng để tham dự cuộc tuyển chọn nhân viên của hãng hàng không Aeroflot, một hãng hàng không có “thương hiệu nức danh vì gây thảm họa chuyên chở trên không.”
Cùng trú ngụ trong tòa chung cư với Yuri, Olga, Zoya, Tanya và bà Azade làm công việc coi sóc và thu bạc cắc căn nhà vệ sinh duy nhất của tòa chung cư. Bà ta gốc người ở Daghestan nhưng thưở trước cha mẹ của bà cùng các con bị chính quyền trục xuất khỏi nơi chôn nhau cắt rốn và bị cưỡng bức mang quốc tịch Sô-viết. Bà Azade có ba nỗi buồn lớn: đã không có con đẻ, lại có đứa con nuôi tên là Vitek hư hỏng làm đầu xỏ bọn thanh thiếu niên gây tội ác trong vùng, và chồng bà tên Misha, một cựu chiến binh tàn phế trong cuộc chiến Afghanistan. Tuyệt vọng, một bữa nọ ông ta nhảy từ nóc tòa chung cư xuống đất chết tốt và hồn ma Misha từ đó vương vất quấy phá mọi người trong khu chung cư, nhất là Yuri.
Việc Misha trở thành ma ám cũng đúng thôi vì Azade đã cố tìm cách dấu xác chồng trong khu nhà cầu và hơn nữa “Ở Nga chẳng có cái gì chết đi cả.” Không người nào sống trong chung cư ưa thích Misha khi ông ta còn sống. Tuy ông ta có tài câu cá nhưng lại là một người nghiện rượu Vodka nặng, rượu vào là gây gổ xào xáo đánh chửi vợ con. Thế nhưng, khi chết đi ông ta lại trở thành “sinh động” cực kỳ và mọi người tin rằng Misha nắm trọn ý nghĩa mọi thứ trên đời này. Trước đây Yuri rất muốn học nghệ thuật câu cá của Misha mặc dù anh không muốn chạm mặt Vitek. Yuri thù ghét Vitek vì thằng vô lại này huênh hoang rằng nó “tự coi nó là một loại trí thức mới vì hắn quen biết một tay tốt nghiệp trường dạy computer và tay này có khả năng có thể lấy khuôn mặt trong tấm hình của một phụ nữ tầm thường chuyển sang tấm hình thân hình của một gái bán dâm nổi tiếng.”
Cuộc sống cùng cực trong bóng tối của những số phận ngoài lề cùa cái nước Nga thời Putin đó bỗng bị khuấy động vì cái tin lan truyền rằng có một nhóm người Mỹ giàu có thuộc một hội bảo vệ và phục hồi mỹ thuật Nga đang nhận đơn xin tài trợ những bảo tàng viện thuộc các tỉnh nhỏ ở Nga. Vị giám đốc bảo tàng viện, một kẻ thường ngủ gật tại bàn làm việc lập tức chỉ định Tanya thi hành nhiệm vụ bức thiết là làm lá đơn xin tài trợ bằng Anh ngữ. Những chuẩn bị sôi nổi ráo riết diễn ra để chào mừng những nhà tài trợ sắp tới thăm bảo tàng viện. Không chỉ những người làm việc ở bảo tàng viện mà phần đông dân chúng ở thị xã Perm còn nuôi niềm hy vọng những người khách giàu có sắp tới cũng sẽ cứu vớt người dân ở đây ra khỏi cuộc sống khốn cùng.
Ngoài việc viết lá đơn xin tài trợ Tanya cũng còn được chỉ định soạn thảo một cuốn sách ghi lại lịch sử nghệ thuật của địa phương. Cuốn sách này phải làm sao cho người đọc thấy mọi thứ như trong những giấc mơ đầy màu sắc. Tanya hiểu rằng nhiệm vụ này không phải dễ hoàn tất vì có tiêu chí quá cao, nhưng khốn nỗi bản thân cô lại đang phải sống trong một thế giới “không biết tha thứ” này, và “hoài mong cũng lại là một thứ khủng khiếp”. Vả lại Tanya cũng thấp thỏm hy vọng biết đâu đây lại chẳng là một dịp may hiếm có giúp cô thoát khỏi được cảnh huống hiện tại.
Tuy Tanya đã huy động Olga, Azade, Vitek góp sức nhưng thảm họa xảy đến khi những người khách Mỹ giàu có cứ nhất định đòi đến thăm Tanya ngay tại nơi cô đang trú ngụ. Tanya không biết xoay trở ra sao, lẽ nào lại để cho những vị khách sang trọng giàu có, những kẻ sẽ cho tiền cái bảo tàng viện nơi cô đang làm việc đến thăm cái chung cư rách nát không xứng đáng là chỗ cư ngụ của những nhân viên phụng sự nghệ thuật, chỉ có một cái nhà cầu bẩn thỉu, mà còn đang bị hồn ma Misha quấy nhiễu này. Nhưng Tanya nào có thể làm gì hơn ngoài việc xuôi tay cho số mệnh dù biết chắc mọi người sẽ thất vọng về mình nhất là Vitek, kẻ huênh hoang chỉ có mình hắn có sự tinh tế cần thiết để tiếp đón các vị thượng khách Mỹ.
Kết thúc không tránh khỏi là tất cả những mộng tưởng của những số phận khốn cùng cũng như căn chung cư nơi họ sống đã đều sụp đổ. Đọc quyển The Russian Dreambook của Gina Ochsner ta thấy chủ ý của tác giả là đưa ra một bức tranh bi hài về xã hội Nga thời hậu-cộng sản. Trong một bài phỏng vấn Gina Ochsner cho biết cô đã có được chất liệu để viết quyển truyện này nhân một chuyến thăm viếng nước Nga, dự những cuộc hội thảo sáng tác, vào những quán café-internet ở đường Nevsky Prospect nằm gần Nhà thờ Kazansky, đi thăm những bảo tàng viện trưng bày những món khá kỳ lạ.
Về cách viết tiểu thuyết Gina Ochsner cho biết cô bắt đầu trước hết bằng tiếng nói của một con người đang sống trong một hoàn cảnh nghịch thường. “Truyện” nằm ngay trong đó, và một người vốn đã là một truyện và nơi chốn xảy ra mọi sự là chiếc kính phóng đại bản ngã người đó. Gina Ochsner cũng còn rất đắc ý với nhận xét “Tiền bạc và việc cho tiền bạc quá nhanh làm cho người này bên cạnh người kia bị lúng túng và mất sự bình thản nhanh chóng.”
Phần lớn những nhân vật tiểu thuyết của Gina Ochsner hư cấu từ những con người thật Gina Ochsner đã từng gặp mặt tuy họ sống rải rác nơi này nơi kia, và cô gom họ lại trong truyện. Tiểu thuyết của Gina Ochsner đóng góp vào giòng văn chương bi hài của những nhà văn trẻ Mỹ gốc Nga hiện sống và viết ở Mỹ.
The Russian Dreambook of Color and Flight (Quyển Sổ Ghi Chép Những Giấc Mơ của Môt Người Nga) - Gina Ochsner
- Đào Đạo
Nếu chúng ta thắc mắc về cuộc sống thực sự của những số phận khốn cùng trong những vùng sâu vùng xa bị bỏ quên ở Nga thời hậu-cộng sản hiện nay thì rất nên đọc tiểu thuyết The Russian Dreambook của Gina Ochsner, một nhà văn nữ Mỹ trẻ gốc Nga. Với giọng văn vừa bi vừa hài khá độc đáo, tác giả cuốn truyện này đã cực tả được những thực tại đối nghịch của xã hội đó. Những mảng bóng tối tuy che phủ dày dặc nhưng không vì vậy vắng bóng tình yêu và niềm hy vọng.
Liên quan
Đường dẫn liên quan
Đọc nhiều nhất
VOA có ứng dụng mới
Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.
Tải ứng dụng VOA trên App Store và Google Play!