Cuộc nội chiến Việt Nam giữa hai phe quốc cộng với sự tham dự của Mỹ đã từng là đề tài của cả điện ảnh lẫn tiểu thuyết Mỹ trong hai thập niên 80s và 90s. Về điện ảnh, cuốn phim “Apocalypse Now” của đạo diễn Francis Ford Coppola được đánh giá cao, không như những cuốn phim khác được thực hiện theo góc nhìn của người Mỹ nên bị phê phán là thiếu trung thực. Về tiểu thuyết, những nhà văn gốc quân nhân đã từng tham dự cuộc chiến tranh này như Michael Herr, Philip Caputo, và Tim O’Brien tuy được đọc nhiều khi sách ra mắt nhưng vì các tác giả đều thuộc nam giới nên người ta vẫn chờ đợi được đọc một tác phẩm do một nhà văn phái nữ viết, đưa vào tiểu thuyết cái nhìn của nữ giới về cuộc chiến tranh đã để lại dấu ấn khó phai nhòa trong tâm thức không những của người Mỹ mà còn cả của người Việt.
Cho đến hôm nay, đã gần 40 năm kể từ ngày cuộc chiến tranh này chấm dứt, chưa có một quyển tiểu thuyết nào kể cả của các nhà văn Mỹ lẫn Việt viết về cuộc chiến tranh đó được coi là có tầm vóc cả về hai mặt lịch sử lẫn văn chương. Những quyển truyện do các người viết Việt Nam nói chung có những khuyết điểm cả về quan điểm lẫn văn chương. Về quan điểm, cái nhìn chủ quan thiên lệch do ý thức hệ quốc-cộng khiến tác phẩm có giá trị lịch sử thấp tuy người viết dù đã thực sự tham dự cuộc chiến tranh này. Về văn chương, những tác phẩm đã ra mắt từ trước tới nay viết về chủ đề chiến tranh không đưa ra được những nhân vật có tầm vóc nhân loại gây ấn tượng sâu đậm trên người đọc, kỹ thuật viết tiểu thuyết còn non tay, và tác giả chưa có một diễn ngôn văn chương ngang tầm thời đại.
Riêng về điểm người đọc chờ đợi một quyển tiểu thuyết viết về cuộc chiến này do một nhà văn nữ viết, mới đây Marti Leimbach đã mạnh dạn cho ra mắt quyển The Man from Saigon để đáp ứng sự chờ đơi này nên quyển sách được đón nhận với nhiều thiện cảm. Khi cuộc chiến tranh Việt Nam ở vào cao điểm cuối thập niên 60s, tuy lúc bấy giờ tác giả mới chưa đầy 5 tuổi nhưng đã thành công trong việc diễn tả thực tại chiến tranh giống như một người có bề dầy kinh ngiệm tham dự cuộc chiến này.
Marti Leimbach sinh năm 1963 ở Washington D.C., mẹ là một ký giả, cha chết khi cô mới bốn tuổi. Xong trung học Marti Leimbach vào đại học Harvard ngành văn chương, tốt nghiệp cử nhân, đi dạy học và viết văn, là tác giả của ba quyển tiểu thuyết, đáng kể nhất là quyển Dying Young/Chết Trẻ được thực hiện thành phim do nữ tài tử nổi danh Julia Robert đóng vai chính.
The Man from Saigon lấy thời điểm năm 1967 ở miền Nam Việt Nam. Vì tác giả không có mục đích kể lại một câu chuyện nên quyển sách hầu như không có một cốt truyện dẫn tới một kết thúc. Nhân vật chính là Susan Gifford, nữ ký giả của một tạp chí phụ nữ “có nhiều quan tâm” không phải về chính cuộc chiến tranh Việt Nam mà về những hậu quả, sự chấn thương con người sống trong cuộc chiến đó phải gánh chịu.
Susan được chủ bút tạp chí này phái sang Việt Nam để thực hiện những phóng sự dưới góc nhìn này. Sang Việt Nam Susan vẫn giữ tấm hộ chiếu của chính phủ Anh cấp. Mới ngoài hai mưoi tuổi nhưng không những Susan đã chấp nhận sự thách thức này mà còn hứng khởi đam mê lao mình vào cuộc phiêu lưu bất chấp những nguy hiểm kể cả tính mạng. Chúng ta còn nhớ từ những năm cuối thập niên 60s những ký giả phái nữ Mỹ nổi tiếng đã có mặt ở miền Nam Việt Nam như Dickie Chappelle, Frances Fitzgeral, Gloria Emerson... để tường trình về cuộc chiến tranh này. Một vài nữ ký giả của các hãng thông tấn Mỹ này đã bị thương tích ngoài mặt trận, bị phe địch bắt giữ, có người đã tử nạn như Dickie Chappelle, nhưng hầu như tất cả đều đã cố gắng thực hiện nghiệp vụ một cách chuyên nghiệp và quyết tâm, say mê và đầy can đảm.
Nhân vật Susan Gifford của Marti Leimbach đã được dựng nên theo những điển hình này. Susan trẻ tuổi, nhiệt thành nên ngay từ khi mới tham dự cuộc chiến đã như bị thôi miên vì sức cuốn hút vào một cuộc lên đường mạo hiểm. Susan đã dấn thân vào những tình huống gay cấn nhất thay vì chọn lựa sống an lành ở vùng hậu cứ như thói thường vẫn quan niệm đối với nữ giới. Susan cũng bất chấp lời khuyên nhủ của chủ biên tờ tạp chí bảo cô hãy làm việc ở hậu cứ. Vì vậy Susan đã nhiều lần trải qua những kinh nghiệm kinh hoàng nhưng cô không lùi bước.
Lao mình vào cuộc chiến đã là một thử thách nguy hiểm, Susan đồng thời cũng bị cuốn hút vào một cuộc phiêu lưu tình cảm: Susan và Marc Davis, một phóng viên truyền hình Mỹ đã có vợ và đã sang Việt Nam hành nghề gần 2 năm, trở thành cặp tình nhân. Một cuộc tình ngang trái và đầy bất trắc không tương lai giữa lòng một cuộc chiến tranh tưởng chừng không có ngày kết thúc.
Ngoài Marc là người tình Susan cũng rất thân thiết một ký giả nhiếp ảnh người Việt nói tiếng Anh lưu loát là Hoàng Văn Sơn. Sơn đã có vợ nhưng hai người vẫn trở thành thân thiết tuy anh không hề hé miệng nói cho Susan biết về nhân thân của mình cũng như không bao giờ giải thích lý do có những ngày anh đột ngột biệt tích không gặp cô. Sơn cũng là một ký giả đang nóng lòng chờ đợi những tấm hình ghi lại cuộc chiến của anh được báo chí Mỹ sử dụng. Người đọc qua những mô tả của tác giả cũng thầm hiểu đây là một cuộc tình tay ba Marc-Susan-Sơn.
Vào tháng 11 năm 1967 Susan và Sơn trong khi tác nghiệp đi theo một cuộc hành quân tìm địch trong rừng rậm thuộc vùng đồng bằng sông Mekong đã bị 3 cán binh cộng sản thất lạc đơn vị tên là Anh, Minh, và Hiền bắt giữ. Ba cán binh này liên tục di chuyển hai tù binh Susan và Sơn trong rừng rậm để lẩn tránh sự truy nã của lực lượng đối phương cũng như những cuộc không tập của không quân Mỹ. Đây là một tình cảnh bi thảm tuyệt cùng vì cả kẻ bắt giữ lẫn người bị bắt giữ đều thường trực sống trong sự sợ hãi. Điều kỳ lạ xảy ra là Susan đã tạo được sự tin tưởng của ba cán binh cọng sản này, nhất là Minh luôn nỗ lực tìm cách bảo vệ mạng sống của Susan.
Qua lời thông dịch của Sơn những cán binh này có thể bày tỏ những cảm nghĩ chân thực của họ về chiến tranh, về những mất mát cũng như về một tương lai biến mất khỏi tầm nhìn. Minh đã có lần quyết rằng một mai Susan sẽ là một người vợ, có gia đình con cái.
Marti Leibach đã dành nhiều trang trong quyển truyện để mô tả những cuộc hành trình gian nan khổ cực trong rừng rậm của hai tù nhân Susan và Sơn. Tác giả cũng xen kẽ vào những mô tả này những hồi tưởng của Susan về cuộc tình nóng bỏng với Marc cũng như về những chuyến đi săn tin khi mới đặt chân tới Việt Nam.
Ngoài ra tác giả cũng làm sống lại cái không khí ngột ngạt của thời chiến vây bủa Saigon vốn đã có một khí hậu nóng bức Susan đã sống trải. Chẳng hạn Susan đã có mặt trên những phi vụ trực thăng đầy hiểm nguy, trong những căn hầm trú ẩn của quân đội, trên những trạm quan sát tiền đồn, đến thăm những bệnh viện quân đội thương binh nằm la liệt, đến dự những cuộc họp báo tường trình các chiến dịch ở Văn Phòng Công Vụ Liên Hợp của Mỹ, cố gắng hiểu thứ uyển ngữ của thuyết trình viên bóng gió chuyển tải những sự thực về cuộc chiến trong khi bên ngoài nắng buổi trưa Saigon ập xuống như một lò lửa. Trong cái nhìn của Susan từ lúc trước khi bị cầm tù cũng như trong khi bị cầm tù, đâu đâu cô cũng thấy những dấu hiệu của chiến tranh, nhưng những dấu hiệu đó lại chẳng chỉ hướng về một cái gì, đó là một quang cảnh được dựng lên cho chiến tranh.
Trong phần này của quyển truyện Marti Leimbach đã cho hai giọng kể chuyện của Susan và của Marc thay phiên nối kết nhau. Trong lúc Susan và Sơn bị mất tích thì Christine vợ của Marc từ Mỹ bay qua Việt Nam để thuyết phục chồng hồi hương trong khi Marc sau khi biết tin Susan bị cọng sản bắt giữ đã quyết định ngưng thực hiện một dự án quay phim lớn để xoay sở tìm cách giải cứu người tình. Trong thời gian bị cầm giữ, gần gũi nhau hơn Susan cũng khám phá ra con người và cuộc đời thực của Sơn, tình yêu của Sơn, cũng như ước muốn được cưới Susan làm vợ của anh.
Quyển The Man from Saigon có một số ưu điểm đáng kể. Trước hết, Marti Leimbach đã tạo được không khí của tiểu thuyết chiến tranh. Người đọc quyển sách cảm thấy được cái không khí hỗn mang tràn ngập sự bất trắc rình rập giăng mắc trong toàn bộ quang cảnh thiên nhiên, sự lừa mỵ và tự lừa mỵ trong tâm lý những con người ngụp lặn trong chiến tranh cũng như trong ngôn ngữ thông tin và đối thoại. Sau đó tác giả đã trình ra nhân vật Susan Gifford rất ấn tượng với một bản ngã tuy đam mê nồng nhiệt, ưa phiêu lưu mạo hiểm, nhưng không phải là không biết ngờ vực, tra hỏi về sự thực của chiến tranh cũng như về tình yêu.
Nhưng có lẽ ưu điểm lớn nhất được những người phê bình sách nói tới là: Vào thời điểm quyển truyện bắt đầu Marti Leimbach mới chỉ có 4 tuổi, tuy khi bắt tay vào viết quyển truyện này tác giả đã bỏ công khá nhiều để đọc những tài liệu lịch sử về cuộc chiến tranh Việt Nam cũng như những quyển hồi ký của những nữ ký giả Mỹ đã tham dự trong giai đoạn này, nhưng nếu không phải là một nhà văn tài năng thực sự thì cũng không thể viết được như vậy, nhất là viết về chiến tranh hầu như điều kiện không thể thiếu của nhà văn là kinh nghiệm sống trải.
Được hỏi “Tại sao lại là Việt Nam?”, trong một cuộc phỏng vấn Marti Leimbach kể lại như sau: “Tôi đã gặp được một nam phóng viên chiến tranh tên là Jack Laurence và ông ta đã cho tôi đọc quyển hồi ký “Con Mèo từ Huế” của ông ta… Tôi yêu thích quyển hồi ký này nhưng trong phần đầu quyển sách có một cảnh tuy ngắn thôi kể lại cuộc gặp gỡ của ông ta với một thiếu nữ Pháp tên là Cathy Leroy, cô này mới 21 tuổi và đến Saigon vào thập niên 60s có mang theo một cái máy ảnh nhưng lại không biết cách sử dụng, cô ấy chẳng có tiền bạc gì cả, lại chỉ nói tiếng Pháp, nhưng rất gan dạ và muốn học để trở thành một nhiếp ảnh viên xuất sắc. Ông ta gặp cô ấy ở Huế, cảnh này trong quyển hồi ký kể lại cô ta lao chạy về phía ông ta và nói rằng cô bị Việt cộng bắt giữ một ngày nhưng rồi được thả ra chẳng hề hến gì.”
Trả lời câu hỏi tại sao lại bị chiến tranh mê hoặc hấp dẫn, Marti Leimbach bị những quyển hồi ký của các nữ ký giả đã có mặt trong chiến tranh Việt Nam cuốn hút, nhưng lại thấy người ta không viết gì nhiều về họ. Ngoài ra, mẹ tác giả cũng là một nữ ký giả, tuy bà không sang Việt Nam tác nghiệp, nhưng trong nhà bà khi xưa có rất nhiều các ký giả và nhiếp ảnh viên đến chơi nói chuyện về chiến tranh và cái không khí đó đã ghi đậm trên tuổi thơ của bà.
The Man from Saigon của Marti Leimbach kể lại kinh nghiệm tác nghiệp của Susan Gifford, một nữ ký giả được phái sang Việt Nam vào cuối thập niên 60s. Trải qua những tình huống hiểm nguy vì say mê và tận tụy với nghề nghiệp, Susan bị càn binh cọng sản bắt giữ cùng với một ký giả nhiếp ảnh người Việt tên Sơn. Susan cũng có một cuộc tình với một ký giả nhiếp ảnh Mỹ đã sang Việt Nam trước cô nhưng chính Sơn cũng lại yêu Susan.
Liên quan
Đường dẫn liên quan
Đọc nhiều nhất
1
Dự án kênh đào Funan Techo của Campuchia gặp khó vì Trung Quốc không cam kết vốn
2Việt Nam dẫn độ cựu quân nhân tình nguyện tại Ukraine; phe đối lập Belarus quan ngại
3Nhiều người chuẩn bị tinh thần cho một cái Tết ‘tiết kiệm’
45 máy bay huấn luyện không quân Việt Nam mua của Mỹ về đến Tân Sơn Nhất
VOA có ứng dụng mới
Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.
Tải ứng dụng VOA trên App Store và Google Play!