Trong Homer & Langley E.L. Doctorow dựng lại cuộc đời của hai anh em nhà Collyers phỏng theo những sự kiện có thật để hư cấu hai số phận, hai tâm hồn thất lạc điển hình cho đời sống Mỹ nửa cuối thế kỷ 20 như một cái cớ để đưa ra những trầm tư của chính tác giả về những biến chuyển chóng mặt của thời đại.
Cư dân kỳ cựu của thành phố New York hẳn còn nhớ câu chuyện khá quái đản về hai em nhà Collyer: Vào ngày 21 tháng 3 năm 1947 cảnh sát New York, dựa theo báo cáo của dân chúng ngửi thấy mùi hôi thối xông lên, đã phá cửa để tiến vào một căn nhà đồ sộ nhưng đổ nát nằm trên Đường Số 5 ở Harlem và tìm thấy Homer, khi ấy đã 70 tuổi, trên thân thể vỏn vẹn chỉ mặc một tấm áo choàng cũ kỹ, ngồi chết trên sàn nhà, chung quanh đầy ngập những món đồ phế thải và rác rưởi chuột bọ làm tổ. Theo bài tường thuật của báo Times thời đó, cảnh sát đã phải dọn ra trên 100 tấn đồ tầm tầm linh tinh đã bị chuột gặm trong số đó có 10 cái đồng hồ, 14 đàn dương cầm loại lớn, một thân cây cao 7ft, một cái hàm ngựa, và cơ man những bó báo cũ ít ra đã 30 năm về trước. Và phải hơn 2 tuần lễ sau đó người ta mới tìm thấy xác của Langley, anh của Homer, nằm chết dí bên dưới cái bẫy người do chính Langley sáng chế để ngăn cấm kẻ lạ đột nhập, cách xác Homer chừng 10ft.
Theo lời đồn đãi của người đương thời, gia đình Collyers là một gia đình giàu có nổi tiếng ở Harlem, cha của Homer và Langley là một bác sĩ sản phụ khoa lừng danh, vào năm 1918 ông bà Collyers trong một chuyến du hành Âu châu bằng đường biển đã nhiễm dịch cúm Tây Ban Nha và từ trần. Về người anh Langley, bị xung vào quân đội trong Thế Chiến Thứ Nhất, tham dự một trân đánh ở Pháp và bị chấn thương vì hít phải bom độc. Người em Homer khi trưởng thành bị mù mắt cho nên khi từ mặt trận hồi hương trở về Langley giữ nhiệm vụ săn sóc em.
Cuộc sống của hai anh em nhà Langley khá kỳ quặc: tuyệt giao với thế giới bên ngoài, từ chối mọi liên hệ với chính quyền địa phương, trong khi Homer sống cấm cung trong nhà thì Langley đi lang thang khắp New York, nhặt nhạnh những món đồ phế thải, báo chí sách vở, tha hết về tàng trữ trong căn nhà rộng mông mênh thừa hưởng của cha mẹ.
Câu chuyện quái đản của Langley và Homer này đã được dùng làm đề tài không những của những bài phóng sự nóng hổi trên báo chí thời đó mà còn được nhà văn nữ Marcia Davenport dựng lại trong cuốn tiểu thuyết bình dân nổi tiếng một thời My Brother’s Keeper xuất bản năm 1954, kịch tác gia Richard Greenberg viết thành vở kịch hấp dẫn tựa đề The Dazzle. Mới đây, truyện anh em Homer và Langley một lần nữa lại được nhà văn Mỹ lão thành E.L. Doctorow dùng làm đề tài cho cuốn tiểu thuyết thứ 11 của ông.
E(dgar) L(aurence) Doctorow tuy lấy cuộc đời anh em nhà Collyers làm chất liệu nhưng đã không những thay đổi nhiều chi tiết so với chuyện thực mà còn dùng chuyện này như một cái cớ để đưa ra những trầm tư về những biến chuyển chóng mặt về đời sống, lịch sử, văn hóa, khoa học, chính trị… của nước Mỹ. Thay vì viết truyện kể lại “hai anh em này đã chết ra sao?” Doctorow lại muốn trả lời câu hỏi “hai anh em này đã sống như thế nào?” Quyển Homer & Langley tuy chỉ dày trên 200 trang nhưng là một cuốn sách phải được đọc chậm rãi theo giọng điệu tự sự của tác giả.
Nhân vật kể chuyện trong sách từ đầu tới cuối là Homer với câu mở đầu: “Tôi là Homer, người em đui mù. Không phải tôi đột nhiên bị mù mắt, nhưng cứ giống như trong những cuốn phim, cứ từ từ nhòa nhạt đi.” Khác với truyện thực, tác giả cho Homer bị mù bắt đầu vào tuổi niên thiếu. Tuy mù nhưng Homer lại là một dương cầm thủ tài năng trong khi tác giả cho Langley là một luật sư có khuynh hướng đối nghịch với các cơ chế luật pháp thời đại. Trong khi thực sự hai anh em nhà này chết năm 1947, Doctorow kéo dài cuộc đời của họ tới cuối thập niên 70s.
Nếu Langley đã nhặt nhạnh để lập một “bảo tàng viện đồ phế thải” thì Doctorow đã lập một “bảo tàng viện những biến cố thời đại” thế kỷ 20 của nước Mỹ trong quyển truyện này. Cuộc sống của Homer và Langley được chính Homer viết lại bằng một máy đánh chữ Braille và cũng đã kể cho nữ ký giả người Pháp tên Jacqueline Roux nghe.
Vì đui mù nên dĩ nhiên Homer chấp nhận uy quyền và sự chăm sóc của ông anh Langley. Theo Homer, “Langley có một vũ trụ quan, và vì tôi không có một vũ trụ quan riêng nên tôi luôn luôn phải thuận thảo với điều gì anh ấy làm.” Langley chủ trương “Lý Thuyết Thay Thế” có màu sắc triết học Plato, cho rằng “thời gian tiến về phía trước xuyên qua chúng ta trong khi chúng ta tự thay thế để điền vào khoảng trống.” Hiểu theo nghĩa này, các thiên tài chết đi sẽ có thiên tài khác thay thế, các vị vua băng hà sẽ có vua khác thay thế, v.v…Chính vì quan niệm như vậy nên Langley đi thu thập các tờ báo cũ và có ý cho ra mắt một tờ báo hàng ngày mang tên nhật báo Collyer hiện tại không ngày tháng thu tóm toàn bộ đời sống nuớc Mỹ, tờ báo duy nhất mọi người cần có.
Trước khi càng ngày càng trở nên quái đản, đời sống anh em Langley và Homer buổi đầu cũng khá vui tươi nhộn nhịp. Căn nhà đồ sộ sang trọng của họ đã là nơi hội họp bạn bè. Khách khứa đã bày tỏ những ý tưởng thời thượng về kỳ thị chủng tộc, chủ nghĩa đế quốc, và về tôn giáo là những nỗi ám ảnh muôn thuở của người Mỹ. Homer cũng đã ái ân với một cô hầu gái gốc Ái-Nhĩ-Lan đầy tham vọng. Hai vợ chồng nấu ăn da đen có người cháu là một tay chơi kèn đồng tài ba, hai vợ chồng quản gia người Nhật sau này bị FBI đầy vào khu biệt giam khi Thế Chiến II nổ ra, hai anh em cũng giao du với những tay trùm du đãng ở New York cũng như bọn cảnh sát tham nhũng. Họ cũng biết tin tức về lò thiêu qua lời một người cựu chiến binh Do thái, về nhưng người quen thân bị sát hại một cách thảm khốc, và trong thời Chiến tranh Việt Nam hai anh em đã trở thành giáo chủ chống chiến tranh đứng đầu đám thiếu niên ghiền ma túy tóc tai lòa xòa trang phục quần áo nhà binh rách tả tơi.
Vào những năm 60s và 70s hai anh em cũng ngồi xem phi hành gia không gian đầu tiên đặt chân lên mặt trăng trên truyền hình, cuộc tự sát tập thể 900 người của nhóm theo đạo Jim Jones v.v… Cuộc sống này phản ảnh tư tưởng vô thần của Langley trong lời tuyên bố: “Làm một con người trong thế giới này là phải đối mặt với cuộc sống thực khó khăn của hoàn cảnh xấu xa khủng khiếp, là phải biết rằng chỉ có cái sống và cái chết và những hình thái khác nhau của sự hành hạ con người nhu vậy khiến cho đến Thương đế cũng phải bối rối.”
Về phần Homer, anh trầm tư: “khi còn là những đứa bé chúng ta ngồi trên những tấm thảm dày cục và lấy tay đẩy những món đồ chơi theo những đường vẽ mẫu.” Là một người tình cảm, tiệc tùng ca hát nhảy nhót đối với anh chỉ là “những dịp để đám đông ai điệu tưởng niệm.” Hình ảnh này cực tả thân phận làm người của Homer.
Homer sống bằng âm nhạc, có khả năng thiên bẩm nghe được những âm thanh người thường không thể nghe thấy, khao khát yêu đương, và là kẻ hướng về “cái cá biệt” một cách tuyệt vọng cho nên trong tâm tưởng âm thầm đối nghịch với Langley vì theo anh cá nhân có một vị trí tương thích trên đời vì theo anh một người không coi trọng sự cá biệt của mình… thì sống trên đời này để lảm gì?
Càng ngày Langley càng trờ thành một trở lực đối với Homer tuy anh luôn luôn bênh vực những hành động của Langley. Không thấy đường, thính giác càng ngày càng tệ hại, Homer chỉ còn bám víu vào việc viết hồi ký vì “Tôi tạ ơn việc còn có cái máy chữ này, và những xấp giấy bên ghế ngồi của tôi trong khi thế giới từ từ khép lại, có ý bỏ mặc tôi một mình với ý thức của tôi.”
Doctorow trong Homer & Langley đã đưa ra hai điển hình con người thất lạc ở cuối thế kỷ 20. Giữa cái cá biệt và cái phổ quát, sự chọn lựa là một sự mất mát không thể bù đắp khi ta không thể không chọn lựa. Trong khi Langley càng ngày càng trở thành vĩ cuồng, Homer cũng dần dần mất đỉểm tựa vào đời sống, càng ngày càng chênh vênh xô lệch nhu lời anh tự thú trong những dòng kết thúc quyển sách: “Có nhiều khoảnh khắc tôi không còn có thể nào chịu được cái ý thức không chịu ngưng nghỉ này vì nó chỉ còn tự biết nó thôi. Những hình ảnh của sự vật không còn chính là những sự vật nữa. Khi tỉnh giấc tôi triền miên với những giấc mơ của tôi. Tôi cảm giác được cái máy chữ của tôi, cái bàn của tôi, cái ghế của tôi có cái chắc thực của thế giới vững vàng nơi đó mọi thứ chiếm một khoảng không gian, nơi đó không có sự trống không vô tận của ý tưởng không thực chẳng dẫn tới đâu ngoài lại dẫn về chính ý tưởng đó.”
Qua câu kết luận của quyển truyện tác giả cho thấy nỗi cô độc tuyệt cùng của một số phận: “Jacqueline ơi, không biết đã bao ngày rồi tôi không ăn gì cả. Có tiếng dội đập, toàn thể căn nhà rung rinh. Langley anh đang ở đâu vậy? Anh tôi đang ở đâu?”
Liên quan
Đường dẫn liên quan
Đọc nhiều nhất
VOA có ứng dụng mới
Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.
Tải ứng dụng VOA trên App Store và Google Play!